Vị thế địa chính trị mới của Nga ở Biển Đen - Kỳ 1: Mỹ sợ trục lưỡng quyền Nga -Thổ

Cuộc khủng hoảng ở Ukraine, dẫn đến việc sáp nhập Crimea vào Nga tháng 3/2014, đã có tác động ngay lập tức về vị thế địa chiến lược trên toàn bộ khu vực Biển Đen. Bối cảnh mới này sẽ có ảnh hưởng đến các nước khác trong khu vực, đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ và Romani, cũng như dẫn đến sự can dự ngày càng tăng của Mỹ. Tuy nhiên, Washington có thể sẽ "thích" hỗ trợ Romani hơn Thổ Nhĩ Kỳ trong một nỗ lực nhằm tránh tạo ra một trục lưỡng quyền địa chính trị Nga - Thổ tiềm năng trong khu vực.
 
 
Thế trận mới của Moskva
 

Sự sáp nhập Crimea đã khiến cho vị thế chiến lược của Nga trong khu vực Biển Đen tăng lên rất nhiều. Từ góc độ quân sự, bán đảo này như một tiền đồn cho việc mở rộng việc triển khai sức mạnh hướng tới miền nam Ukraine, khu vực Balkan và Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện sự hiện diện quân sự của Moskva không còn bị ràng buộc bởi thỏa thuận pháp lý cũ với phía Ukraine, và Moskva hoàn toàn có thể sử dụng các tiềm năng địa chiến lược của Crimea bằng cách triển khai một loạt các công cụ hỗ trợ khác.
 

Tàu hộ tống tên lửa dẫn đường Perfume của Nga neo trong vịnh Sevastopol, Crimea.


Ví dụ, Nga có thể triển khai tên lửa đạn đạo chiến thuật đất đối đất Iskander, với tầm hoạt động 400 km, bao phủ toàn bộ phần phía nam của Ukraine, trong đó có các thành phố công nghiệp quan trọng như Odessa, Kryvyi Rih và Dnipropetrovsk; phần lớn diện tích của Moldova; toàn bộ bờ biển Rumani và một phần quan trọng của bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ tại Biển Đen. Ngoài ra, Nga cũng có thể triển khai thêm các hệ thống tên lửa chống tàu nổi, phòng không tầm xa giúp cung cấp khả năng tấn công mục tiêu mặt đất, ngăn chặn giao thông hàng hải và áp đặt vùng cấm bay.


Phạm vi triển khai sức mạnh của Moskva có thể được tiếp tục mở rộng bằng cách sử dụng các căn cứ hải quân và không quân trên bán đảo Crimea. Lực lượng không quân Nga hiện nay đang có sự hiện diện lớn tại gần như toàn bộ bờ Biển Đen thông qua việc tiếp cận với căn cứ không quân cũ của Ukraine ở Crimea. Do đó, Transnistria và miền nam Ukraine đều nằm trong phạm vi hoạt động của lực lượng Nga.


Có thể nói rằng vị trí của bán đảo Crimea làm cho nó trở thành một nơi rất phù hợp cho việc triển khai lực lượng lính dù, lính thủy đánh bộ và Spetsnaz (lực lượng tác chiến đặc biệt) ở miền nam Ukraine. Việc triển khai này sẽ có điều kiện thuận hơn nữa trong tương lai gần, với việc Nga mua lại tàu tấn công đổ bộ Mistral của Pháp và biên chế cho Hạm đội Biển Đen của Nga.
 

Trước khi cuộc khủng hoảng Crimea nổ ra, Hạm đội Biển Đen có 2 tàu tuần dương, 1 tàu khu trục cỡ lớn, 2 tàu khu trục cỡ nhỏ, 10 tàu hộ tống và 11 tàu ngầm chạy bằng diesel. Đây là một lực lượng hải quân lớn trong khu vực. Giờ đây, sức mạnh của Hạm đội Biển Đen sẽ được tăng thêm sau khi hoàn thành một chương trình hiện đại hóa đầy tham vọng với việc bổ sung thêm 6 tàu khu trục mới, 6 tàu ngầm mới, 1 tàu tấn công đổ bộ Mistral và một số tàu nhỏ hơn. Nếu không có những thay đổi lớn về lực lượng hải quân của các nước khác trong khu vực, sức mạnh của Hạm đội Biển Đen sẽ sớm bằng hoặc lớn hơn sức mạnh của tất cả các quốc gia ven Biển Đen khác cộng lại.
 

Ngoài sự gia tăng khả năng tấn công của mình, thế phòng thủ của Nga cũng sẽ được tăng cường. Crimea sẽ tạo cho Nga một điểm phòng thủ phía trước rất chắc chắn, đặc biệt trong việc chống lại các cuộc xâm nhập đường không và đường biển tiềm năng vào các khu vực phía tây nam của Liên bang Nga. Khả năng chống tàu và phòng không của Hạm đội Biển Đen được bổ sung với các hệ thống tên lửa hiện đại như S-400, S-500… trên bán đảo sẽ cùng nhau tạo ra một thế trận phòng thủ mạnh mẽ phía trước của Nga.


Romani hay Thổ Nhĩ Kỳ?


Tàu ngầm tấn công DieselAlrosa của Nga ở Hạm đội Biển Đen.


Trong khi đó, Mỹ cũng có lợi ích chiến lược riêng của mình ở khu vực này. Nhìn bề ngoài, Thổ Nhĩ Kỳ có vẻ sẽ là ứng cử viên tự nhiên nhất nhận được hỗ trợ của Mỹ để trở thành cường quốc khu vực nổi bật nhất có khả năng đối chọi lại với sức mạnh ngày càng tăng của Hạm đội Biển Đen và thách thức ảnh hưởng của Nga trong khu vực.


Tuy nhiên, việc tăng cường sức mạnh cho Thổ Nhĩ Kỳ rất có thể dẫn đến việc tạo ra một lưỡng quyền địa chính trị biến khu vực này nằm dưới sự ảnh hưởng chung của Nga - Thổ. Điều này có thể làm giảm đáng kể ảnh hưởng của tác nhân bên ngoài, do đó Mỹ có khả năng sẽ bị đẩy "ra rìa" đối với khu vực.


Hơn nữa, Thổ Nhĩ Kỳ khi có sức mạnh quân sự và kinh tế, có thể sẽ không ngả theo Mỹ. Ankara có thể sẽ coi sự hiện diện ngày càng tăng của Mỹ trong khu vực là một yếu tố làm suy yếu vị thế của mình trong khu vực và hạn chế khả năng theo đuổi các mục tiêu chính sách đối ngoại của riêng mình.


Ngược lại, Romani không chỉ có ít khả năng thách thức ảnh hưởng của Mỹ, mà còn xem đó là yếu tố để nâng cao vị thế của mình trong khu vực. Do đó, mở rộng việc hỗ trợ cho Romani không chỉ tạo ra một vùng đệm chống lại việc ảnh hưởng ngày càng tăng của Nga mà còn giúp duy trì một sự cân bằng, không bị tập trung quyền lực trong khu vực. Điều này sẽ giúp Washington duy trì tính linh hoạt hơn và không bị cản trở khi tiếp cận vào khu vực này.


Công Thuận
(N.E.E)

Mỹ dọa áp đặt thêm lệnh trừng phạt Nga vì Ukraine
Mỹ dọa áp đặt thêm lệnh trừng phạt Nga vì Ukraine

Trong cuộc điện đàm ngày 22/4 với người đồng cấp Sergei Lavrov của Nga, Ngoại trưởng John Kerry nói ông "quan ngại sâu sắc" trước việc Moskva không có những bước đi nhằm hạ nhiệt căng thẳng ở Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN