Vì sao Tổng thống Trump lặng lẽ xoa dịu ‘nỗi đau’ chính phủ đóng cửa?

Khi những ảnh hưởng của việc chính phủ đóng cửa đang ngày càng mở rộng, gây tổn thất nặng tới nền kinh tế Mỹ mỗi ngày, thì cái giá chính trị mà Tổng thống Trump phải trả trong cuộc đối đầu với đảng Dân chủ cũng tăng theo.

Chú thích ảnh
Nhà Trắng đang tìm cách đỡ bớt hậu quả của việc chính phủ đóng cửa kéo dài kỷ lục. Ảnh: Time

Khi Tổng thống Trump ký dự luật đảm bảo hoàn trả lương cho các viên chức liên bang nghỉ việc do chính phủ đóng cửa vào chiều 16/1, đó là khoảnh khắc hiếm hoi lưỡng đảng đạt thỏa thuận trong thời gian bế tắc này. Tờ Time nhận định, đó cũng là dấu hiệu mới nhất cho thấy nhà lãnh đạo Mỹ có thể đang phòng trước… nước thua trong cuộc chiến với phe Dân chủ.

Những ngày gần đây, chính quyền Tổng thống Trump đã lặng lẽ tiến hành nhiều động thái nhằm xoa dịu những ảnh hưởng của việc chính phủ đóng cửa một phần. Một số biện pháp được tiến hành công khai trên diện rộng, như cho phép người dân nhận hoàn thuế, các ngân hàng vẫn xử lý thế chấp và các sân bay được kiểm tra an ninh. Nhiều biện pháp khác nhắm tới những khu vực bầu cử quan trọng của ông Trump, nhằm đảm bảo thợ săn vẫn thỏa sức săn bắn ở các vùng đất liên bang và nông dân có thể tiếp cận các khoản vay. Một số biện pháp dường như được thiết kế cho những đối tượng "gần nhà" Tổng thống: chính quyền đã tìm mọi cách để duy trì các nhân viên kiểm lâm công viên làm việc tại khu vực Tháp đồng hồ lịch sử gần khách sạn Trump International ở Washington D.C.

Không hoàn toàn ngạc nhiên khi Tổng thống Trump đang tìm cách hạn chế tổn thất của tình trạng chính phủ đóng cửa lâu nhất trong lịch sử nước Mỹ. Rõ ràng, nhà lãnh đạo Mỹ đã chứng kiến các cuộc thăm dò cho thấy phần lớn công chúng đổ lỗi cho ông và không chấp nhận đóng cửa chính phủ. Và trong bối cảnh những ảnh hưởng của việc chính phủ liên bang đóng cửa đang ngày càng mở rộng, làm xáo trộn đời sống người dân, gây tổn thất nặng nề tới nền kinh tế mỗi ngày, thì cái giá chính trị mà Nhà Trắng và phe Cộng hòa phải trả trong cuộc đối đầu với đảng Dân chủ cũng tăng lên theo.

Chú thích ảnh
Tổng thống Trump tuyên bố không nhượng bộ trong vấn đề bức tường biên giới kể cả phải để chính phủ đóng cửa nhiều tháng. Ảnh: AP

Tuy vậy, việc xúc tiến các giải pháp nhượng bộ không có nghĩa ông Trump sẽ lùi bước trong yêu sách trọng tâm là 5,7 tỉ USD để xây dựng bức tường biên giới với Mexico.

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John Kennedy, người đã tháp tùng Tổng thống trên chiếc Không lực Một tới một trang trại ở New Orleans trong tuần này, cho biết ông tin tổng thống vẫn cương quyết với cam kết của mình về bức tường biên giới. “Tôi không thể tưởng tượng rằng ông ấy sẽ đạt được bất cứ kiểu thỏa thuận nào mà không bao gồm bức tường biên giới”, ông Kennedy nói.

Nhưng nếu mục tiêu chiến lược của ông Trump vẫn như cũ, thì chiến thuật làm dịu“cú đòn” chính phủ đóng cửa của ông lại tương phản với cách thức mà các tổng thống tiền nhiệm từng phản ứng trong quá khứ. Đối mặt với việc chính phủ đóng cửa vào năm 2013 khi đảng Cộng hòa ngăn chặn việc thực thi Đạo luật Chăm sóc sức khỏe bình dân, Tổng thống Barack Obama đã dựng rào chắn xung quanh các di tích và đài tưởng niệm nổi tiếng ở khu vực National Mall, đóng cửa các công viên quốc gia, trong một nỗ lực nhằm gây chú ý hơn tới việc chính phủ đóng cửa. Trong khi đó, Tổng thống Trump lại giữ cho các công viên quốc gia mở cửa, thậm chí còn dẫn đầu các tình nguyện viên đi cọ rửa nhà vệ sinh công cộng và thu gom rác.

Chú thích ảnh
Sĩ quan biên phòng Mỹ đứng gác bên hàng rào biên giới với Mexico tại San Diego ngày 25/11/2018. Ảnh: AP 

Tờ Time cho biết, trong lúc chính phủ đóng cửa kéo dài, chính quyền Tổng thống Trump đã đưa ra một loạt thay đổi khác nhằm làm dịu ảm hưởng, trong đó:

• Bộ Tài chính đã đưa hàng trăm nhân viên Dịch vụ Doanh thu Nội bộ hoạt động trở lại để giúp xử lý thủ tục quan trọng mà chủ nợ cần để cho vay mua nhà. Bộ này cũng tuyên bố 46.000 nhân viên nghỉ việc sẽ trở lại công sở mà không có lương để xử lý các tờ khai hoàn thuế.

• Cơ quan quản lý Cá và Động vật hoang dã Mỹ điều nhân viên quay trở lại phục vụ tại 38 trại tị nạn động vật hoang dã, với nguồn tiền còn lại từ ngân sách năm trước, cho phép các thợ săn có thể hoạt động tại các vùng đất công cộng.

• Bộ Nông nghiệp Mỹ sử dụng kẽ hở trong luật để tiếp tục cung cấp tem thực phẩm cho hàng triệu người Mỹ cho đến tháng 2 dù ban đầu nói rằng họ sẽ hết tiền vào cuối tháng 1.

• Bộ Nội vụ đang sử dụng số tiền còn lại để đưa các nhân viên nghỉ việc đi làm trở lại với hoạt động bán đất của chính phủ cho các dự án khoan dầu khí ở Vịnh Mexico.

Chú thích ảnh
Rác ngập ngụa trong các công viên do chính phủ đóng cửa một phần. Ảnh: Reuters

• Cục Hàng không Liên bang cho biết đã đưa 1.700 thanh tra viên và kỹ sư trở lại làm việc để thực hiện nhiệm vụ nhằm đảm bảo an toàn hoạt động liên tục của toàn bộ không phận quốc gia.

• Tổng thống Trump ký một dự luật cho phép 800.000 nhân viên chính phủ, những người đã tạm nghỉ hoặc làm việc không lương, được truy lĩnh lương sau khi chính phủ mở cửa trở lại.

Các động thái này đi ngược lại với rất nhiều ý kiến đến từ Nhà Trắng, trong đó Tổng thống Trump thậm chí còn tranh luận rằng hầu hết những người không được trả lương là người của đảng Dân chủ.

Trong một bài viết trên tờ Daily Caller theo khuynh hướng bảo thủ, một nhân viên quản trị ẩn danh đã lập luận rằng việc chính phủ đóng cửa thực sự tốt vì nó đã loại bỏ các nhân viên liên bang làm việc kém hiệu quả. "Chúng tôi không muốn hầu hết nhân viên quay trở lại, bởi vì chúng tôi đang làm việc tốt hơn mà không có họ", nhân viên này nói.

Bất chấp quan điểm đó, các quyết định của chính quyền Trump nhằm giảm bớt tác động của việc chính phủ đóng cửa cho thấy họ không tin tưởng chắc chắn về một chiến thắng chính trị cho tổng thống.

Cho đến ngày 19/1/2019, thời gian chính phủ đóng cửa một phần lần này đã kéo dài 29 ngày, lâu hơn nhiều so với kỷ lục trước đó là 21 ngày chính phủ đóng cửa dưới thời Tổng thống Bill Clinton vào năm 1995. Thời gian chính phủ đóng cửa được dự báo sẽ còn kéo dài do căng thẳng giữa Nhà Trắng và phe Dân chủ chưa có dấu hiệu chùng xuống, đặc biệt là khi tân chủ tịch Hạ viện (do phe Dân chủ kiểm soát) Nancy Pelosi và Tổng thống Trump đang công khai tung đòn trả đũa vào nhau.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Lần đầu tiên trong lịch sử chính phủ đóng cửa ảnh hưởng tới lực lượng vũ trang Mỹ
Lần đầu tiên trong lịch sử chính phủ đóng cửa ảnh hưởng tới lực lượng vũ trang Mỹ

Tình trạng chính phủ đóng cửa kéo dài đã lần đầu tiên trong lịch sử ảnh hưởng tới lực lượng vũ trang Mỹ khi hàng chục ngàn thành viên Lực lượng Tuần duyên phải làm việc không lương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN