Vì sao Nga sửa đổi ngân sách liên bang?

Theo Tiến sỹ Ewa Fishcher, chuyên gia nghiên cứu về Nga tại Trung tâm Nghiên cứu phương Đông của Ba Lan, ngày 16/3, chính phủ Nga đã đệ trình lên Duma quốc gia dự thảo sửa đổi ngân sách Liên bang năm 2015.

Dự thảo này dựa trên dự báo mới về tình hình kinh tế vĩ mô của Bộ Phát triển Kinh tế, trong đó có tính đến các yếu tố kinh tế trong và ngoài nước thay đổi (giá dầu thô sụt giảm, đồng ruble mất giá, các biện pháp trừng phạt về kinh tế và chính trị của phương Tây đối với Nga xung quanh vấn đề Ukraine và các biện pháp trả đũa của Nga) vốn đang khiến nền kinh tế Nga đứng trước bờ vực của khủng hoảng.

Khách hàng tại một cửa hàng thực phẩm ở Saint Petersburg, Nga. Ảnh: AFP-TTXVN


Đề xuất điều chỉnh ngân sách Liên bang không tập trung vào việc hiện đại hóa và thúc đẩy nền kinh tế Nga phát triển mà là duy trì hiện trạng với ưu tiên chi tiêu trong các lĩnh vực an ninh, quốc phòng (dự kiến chiếm 40% tổng chi ngân sách) và cải cách xã hội (chiếm 30% tổng chi ngân sách).

Ngược lại, ngân sách dành cho các lĩnh vực giáo dục, y tế và văn hóa sẽ bị cắt giảm; một số khoản chi này đã được giao cho địa phương chi trả. Ngân sách dành cho việc tăng lương cho đội ngũ công nhân, một trong những ưu tiên trong chính sách của Tổng thống Putin, cũng sẽ bị cắt giảm. Điện Kremlin đã từ bỏ các chương trình cải cách xã hội có thể khiến người dân không đồng tình, chẳng hạn như cải cách chế độ lương hưu.

Việc sửa đổi ngân sách Liên bang năm 2015 dựa trên dự báo của Bộ Phát triển Kinh tế Nga về việc GDP của nước này sẽ giảm 3%, giá dầu giữ ở mức 50 USD/thùng, lạm phát ở mức 12,2% và tỷ giá đồng ruble ở mức trung bình 61,5 ruble/USD.

Bộ Phát triển Kinh tế Nga cũng dự báo đầu tư của nước này trong năm 2015 sẽ giảm khoảng 14%, nhập khẩu giảm 40% và lương thực tế giảm hơn 6%. Các yếu tố kinh tế vĩ mô không thuận lợi sẽ tác động tiêu cực đến nguồn thu ngân sách của Nga, dự báo sẽ giảm khoảng 16,8% so với mức được thông qua hồi tháng 11/2014.

Sụt giảm mạnh nhất là nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt, vốn đóng góp tới 50% ngân sách quốc gia, do giá dầu liên tục giảm trong nhiều tháng qua. Kinh tế suy giảm cũng sẽ kéo theo việc giảm thu ngân sách từ các lĩnh vực khác của nền kinh tế.

Do nguồn thu ngân sách giảm, việc chi ngân sách cũng phải được điều chỉnh theo. Mặc dù trước đó chính phủ Nga đã quyết định giảm chi ngân sách trong tất cả các lĩnh vực ít nhất 10%, song trên thực tế việc điều chỉnh này vẫn còn rất hạn chế.

Hơn nữa, quỹ dự trữ quốc gia được huy động trong các kế hoạch đối phó khủng hoảng, nên thực tế giảm chi ngân sách chỉ ở mức 2%. Mức thâm hụt ngân sách 3,7% GDP sẽ sử dụng quỹ dự trữ (77 tỉ USD tính đến ngày 1/3) để bù vào. Dự kiến sửa đổi ngân sách Liên bang năm 2015 sẽ được Duma quốc gia thông qua vào ngày 10/4 tới.

Sửa đổi ngân sách Liên bang năm 2015 là thực sự cần thiết đối với Nga trong bối cảnh hiện tại không chỉ do tình hình kinh tế xấu đi mà còn xuất phát từ việc phải phân bổ lại nguồn lực để đối phó với tác động của khủng hoảng.

Mặc dù giá dầu thô liên tục giảm kể từ tháng 8/2014 (Bộ Tài chính Nga dự đoán thất thu ngân sách khoảng 100 tỉ USD/năm) và các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga cũng như các biện pháp đáp trả của nước này khiến Nga thiệt hại khoảng 40 tỉ USD/năm nhưng chính phủ Nga vẫn tập trung chủ yếu vào giải quyết các vấn đề địa chính trị mà chưa có chiến lược toàn diện nhằm đối phó với khủng hoảng kinh tế, nhất là trong lĩnh vực ngân hàng.

Kế hoạch điều chỉnh ngân sách Liên bang của Nga được đưa ra chậm do nước này thiếu một chiến lược thống nhất trong việc đối phó với khủng hoảng cũng như xác định các chính sách kinh tế ưu tiên trong năm 2015. Bộ Phát triển Kinh tế Nga huy động hết các nguồn lực trong khả năng để thúc đẩy nền kinh tế phát triển trong khi Ngân hàng Trung ương Nga lại tập trung vào việc giữ giá đồng ruble và giảm lạm phát.

Các biện pháp nhằm ổn định nền kinh tế trong ngắn hạn do chính phủ Nga đề xuất dường như là bản sao của chương trình chống khủng hoảng của Thủ tướng Vladimir Putin trong giai đoạn 2008-2009. Kế hoạch đối phó với những dấu hiệu khủng hoảng kinh tế mang tính chất hết sức “thủ công”, chủ yếu là sử dụng tiền từ các quỹ dự trữ mà Tổng thông Putin đã nắm toàn quyền quyết định.

Nếu không đẩy mạnh các hoạt động đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng hệ thống cơ sở hạ tầng, tăng cường hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp và chính phủ cũng như chi tiêu công hợp lý, giảm nạn tham nhũng, kinh tế Nga khó có thể tăng trưởng trong thời gian tới.

Dự đoán trong năm 2015 sẽ có khoảng 20-25% ngân hàng nhỏ và vừa bị phá sản, nhất là các ngân hàng địa phương. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa không nhận được sự hỗ trợ của nhà nước cũng sẽ phá sản.


TTK


Nga tăng cường tự do kinh doanh để đối phó với trừng phạt
Nga tăng cường tự do kinh doanh để đối phó với trừng phạt

Tổng thống Nga tuyên bố tiếp tục tăng cường tự do hóa kinh doanh là biện pháp đối phó hiệu quả với các thách thức và hạn chế từ bên ngoài.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN