Mỹ đã chi hơn 88 tỉ USD để đào tạo và trang bị cho lực lượng quân đội, cảnh sát Afghanistan, chiếm gần 2/3 tổng viện trợ nước ngoài của Mỹ dành cho Kabul kể từ năm 2002. Vậy tại sao lực lượng này lại sụp đổ nhanh chóng khi đối mặt với cuộc tấn công dữ dội của Taliban?
Thất bại trong việc tạo dựng một lực lượng chiến đấu độc lập và gắn kết của người Afghanistan có thể bắt nguồn từ việc trong nhiều năm những đánh giá quá lạc quan của các quan chức Mỹ đã che khuất - trong một số trường hợp là cố tình che giấu – bằng chứng về tình trạng tham nhũng ăn sâu, mất nhuệ khí, đội ngũ rệu rã với cả những người “lính ma và cảnh sát ma”.
Chỉ trong ít ngày, lực lượng Taliban đã ào ạt tiến quân qua các tỉnh của Afghanistan, lần lượt kiểm soát hầu hết các vùng lãnh thổ trước khi kiểm soát quyền lực ở Kabul. Hôm 13/8, Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby nói với các phóng viên: “Chúng tôi muốn thấy ý chí và vai trò lãnh đạo chính trị, lãnh đạo quân sự, đó là điều cần thiết. Chúng tôi vẫn muốn thấy điều đó, và chúng tôi hy vọng sẽ thấy điều đó, nhưng liệu nó có xảy ra hay không, điều đó thực sự do người Afghanistan quyết định.”
Ông Kirby nói thêm rằng "lợi thế" của lực lượng Afghanistan là vượt trội về quân số và thực tế là Taliban thiếu không quân. Nhưng khi người Afghanistan liên tục thua sốc, những con số có thể đã nói dối.
Bức tranh không hoàn chỉnh
Theo số liệu mới nhất của Lầu Năm Góc, lực lượng an ninh Afghanistan đã mở rộng đáng kể trong hai thập kỷ qua - từ chỉ 6.000 người trực thuộc Bộ Quốc phòng và không có cảnh sát quốc gia nào vào năm 2003, lên 182.071 binh sĩ và 118.628 cảnh sát vào tháng 4/2021.
Tuy nhiên, khi các lực lượng đã lớn mạnh, những tuyên bố về sức mạnh của họ cũng vậy. Một chỉ huy Mỹ từng khoe rằng quân đội của Afghanistan "đã chiến đấu bằng kỹ năng và lòng dũng cảm”. Gần đây nhất là vào tháng trước, phát ngôn viên chính của Lầu Năm Góc John Kirby nhấn mạnh rằng các lực lượng Afghanistan “biết cách bảo vệ đất nước của họ”.
Nhưng những bằng chứng ngược lại, cho thấy các lực lượng chính phủ không chuẩn bị sẵn sàng để đối mặt với bất kỳ cuộc xung đột kéo dài nào, lại thường bị bỏ qua, hoặc được coi là bí mật.
Cơ quan giám sát độc lập của Mỹ kết luận rằng họ “không thể báo cáo công khai về hầu hết các nỗ lực do người đóng thuế Mỹ tài trợ để xây dựng, đào tạo, trang bị và duy trì” các lực lượng Afghanistan.
Lầu Năm Góc đã nới lỏng một số hạn chế về dữ liệu nhưng kể từ năm 2017, nhiều thông tin trước đây về quy mô, sức mạnh và tỷ lệ thương vong của các đơn vị quân đội Afghanistan vẫn bị giấu kín. Sự bí mật của Lầu Năm Góc, có thể vì lý do an ninh, đã để lại ấn tượng sai lệch về việc các lực lượng Afghanistan có thể nhanh chóng vượt qua áp lực từ Taliban.
Những đánh giá “màu hồng” trong những năm qua đã không phản ánh thực tế. Các đơn vị bộ binh Afghanistan đối mặt tỉ lệ đào ngũ đặc biệt cao. Lính bộ binh từ bỏ các vị trí của họ vì đủ lý do, từ về quê thu hoạch mùa màng, cho đến sợ chiến đấu.
Tỷ lệ đào ngũ cao đã dẫn đến sự thiếu gắn kết, thiếu chuyên nghiệp. Mike Jason, đại tá quân đội Mỹ đã nghỉ hưu từng chỉ huy các đơn vị huấn luyện ở Afghanistan cho biết: “Nếu bạn không liên tục bơm năng lượng mới và tính chuyên nghiệp vào lực lượng, nó sẽ tan rã khá nhanh, và không thể nhận ra sau 2 năm”.
Một lực lượng Taliban đáng gờm cũng đã gây ra những thiệt hại nặng nề với binh sĩ Afghanistan trong những năm gần đây. “Hầu như mỗi năm họ đều bị tiêu hao 20 hoặc 30% lực lượng do thương vong hoặc đào ngũ” - Michael O'Hanlon, một chuyên gia quân sự tại Viện Brookings cho biết - “Điều đó gây ra tổn thất lớn cho quân đội Afghanistan và họ phải làm lại từ đầu với rất nhiều tân binh”.
Trong khi đó, lực lượng không quân Afghanistan do Mỹ huấn luyện vẫn thực hiện các phi vụ ném bom hỗ trợ quân đội Afghanistan. Nhưng chỉ có rất ít máy bay trực thăng tấn công cũ kỹ với ít phụ tùng thay thế, khiến không quân vật lộn xoay sở với nhiều trận chiến diễn ra trên khắp đất nước.
Một cựu chỉ huy quân sự cấp cao của Mỹ ở Afghanistan, cho biết hoạt động kém hiệu quả của không quân Afghanistan đã góp phần thôi thúc bộ binh... bỏ chạy. “Họ nhận ra sau 2-3 ngày chiến đấu rằng không quân sẽ không cung cấp quân tiếp viện, tiếp tế, yểm trợ trên không, hoặc yểm trợ gần”, nhân vật này nói.
Một số chuyên gia cũng cho rằng quan niệm ban đầu về chương trình đào tạo, huấn luyện của Mỹ là sai lầm. Mark Jacobson, một cựu quan chức Lầu Năm Góc, từng là quan chức cấp cao NATO ở Afghanistan, tin rằng Mỹ đã tập trung quá nhiều vào việc chuẩn bị cho quân đội Afghanistan để đẩy lùi quân đội nước ngoài hơn là một lực lượng nổi dậy trong nước như Taliban.
"Hiệu ứng ăn mòn"
Các vấn đề với lực lượng an ninh do Mỹ đào tạo Afghanistna đã tồn tại một cách có hệ thống và kéo dài. Cơ quan giám sát đặc biệt của chính phủ Mỹ về tái thiết Afghanistan, trong báo cáo hồi tháng 7 trước Quốc hội, đã trích dẫn "tác động ăn mòn" của tệ tham nhũng trong hàng ngũ, cũng như "độ chính xác đáng ngờ của dữ liệu về sức mạnh thực tế của lực lượng" và việc không có khả năng đánh giá "các yếu tố vô hình như“ ý chí chiến đấu”.
Kimberly Kagan, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Chiến tranh Mỹ, thành viên Nhóm Đánh giá Chiến lược, phàn nàn rằng “việc Mỹ và các đồng minh từ bỏ Afghanistan đã gây ra sự thay đổi đáng kể trong khả năng của Taliban đẩy nhanh chiến dịch chiếm lãnh thổ”, và trong quá trình đó, “sự tự tin” của các lực lượng an ninh Afghanistan đã bị phá hủy.
Tuy nhiên, nhiều người khác khẳng định rằng khó có khả năng các vấn đề về sự sẵn sàng chiến đấu có thể được giải quyết bằng việc đào tạo nhiều hơn cũng như hỗ trợ tài chính từ Mỹ.
Neha Dwivedi, nhà phân tích nghiên cứu của công ty tư vấn quốc phòng và tình báo Janes's, nhận xét: “Lực lượng Afghanistan đã phải vật lộn với mức độ kiểm soát thấp, khả năng lãnh đạo kém, thiếu tuyển dụng, đào ngũ và hoạt động yếu kém trên chiến trường. Mặc dù tự hào về vũ khí tinh vi và công nghệ tiên tiến, lực lượng này lại thiếu sự gắn kết, tham nhũng và quản lý yếu kém. Trong khi đó, Taliban thiếu vũ khí công nghệ cao, nhưng dường như ổn định về tài chính, với một tổ chức gắn kết ổn định”.