Afghanistan dưới thời Taliban cầm quyền sẽ ra sao

Liệu cuộc sống dưới sự cầm quyền của Taliban có giống như trước đây không khi Afghanistan đã là một xã hội dân sự trong 2 thập kỷ qua. Phụ nữ đảm nhận các vị trí công ở khắp nơi; điện thoại di động và truyền thông xã hội đang rất phổ biến.

Chú thích ảnh
Các tay súng Taliban đứng gác trước Văn phòng Thống đốc tỉnh Herat. Ảnh: AFP/Getty Images

Taliban đã tiếp quản Afghanistan với tốc độ chóng mặt. Chỉ trong vài tuần, nhóm chiến binh đã càn quét từ tỉnh này sang tỉnh khác cho đến khi bao vây thủ đô Kabul vào rạng sáng 15/8, buộc Tổng thống Ashraf Ghani rời đất nước, mở đường cho cuộc chuyển giao quyền lực.

Mặc dù Taliban đã đưa ra các tuyên bố đảm bảo “quá trình chuyển đổi được hoàn thành một cách an toàn, không gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản và danh dự của bất kỳ ai”, nhưng mối lo sợ vẫn hiển hiện với hàng triệu người Afghanistan. 

Hàng nghìn thường dân đang tìm cách chạy trốn, có thể gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo. Những người ở lại thì lo sợ sự quay trở lại của chế độ Hồi giáo cực đoan mà Taliban từng áp đặt. Đã có những thông tin cho thấy trên đường tiến quân, chiến binh Taliban đã đóng cửa các trường học nữ sinh, cấm điện thoại thông minh ở một số nơi và buộc các nam thanh niên phải gia nhập hàng ngũ của họ.

Các quy tắc Hồi giáo hà khắc có thể được thiết lập trở lại và hai thập kỷ với những tiến bộ khó khăn giành được cho phụ nữ và xã hội dân sự ở Afghanistan có thể biến mất.

Chú thích ảnh
Trẻ em ngủ la liệt trên đất tại trại sơ tán ở công viên Shahr-e-Naw Park, Kabul, Afghanistan, ngày 14/8, khi Taliban bao vây thủ đô. Ảnh: Daily Mail

Taliban là ai?

Taliban, lần đầu tiên lên nắm quyền ở Afghanistan vào những năm 1990, đã được thành lập bởi các chiến binh du kích (Mujahideen) từng tham gia cuộc chiến với chính phủ Cộng hòa Dân chủ Afghanistan được Liên Xô hậu thuẫn trong thập niên 1980. Lực lượng này nhận được sự hỗ trợ của CIA (Cục Tình báo trung ương Mỹ) và các cơ quan tình báo Pakistan. Hầu hết các thành viên của họ là người Pashtun, nhóm dân tộc lớn nhất trong cả nước. Tên Taliban có nghĩa là “sinh viên" theo tiếng Pashto.

Người sáng lập Mohammad Omar, vốn là một chỉ huy trong cuộc chiến tranh Afghanistan, bắt đầu phát động phong trào Taliban vào năm 1994 nhằm đảm bảo an ninh cho thành phố Kandahar ở phía đông nam, nơi bị ảnh hưởng bởi tội phạm và bạo lực. Ban đầu tầm nhìn về công lý của Taliban đã giúp họ gây dựng sức mạnh. Ông Kamran Bokhari thuộc Viện Newlines (Mỹ), một tổ chức tư vấn về chính sách đối ngoại, cho biết: “Vào thời điểm đó, mọi người thực sự muốn luật pháp và trật tự, điều đã không tồn tại”.

Chú thích ảnh
Trưởng đoàn đàm phán Taliban, Mohammad Abbas Stanikzai (lề phải) tại cuộc đàm phán ở Doha, Qatar. Ảnh: Al Jazeera

Vào mùa thu năm 1996, Taliban chiếm được Kabul và tuyên bố Afghanistan là một tiểu vương quốc Hồi giáo. Taliban áp đặt một chế độ cai trị hà khắc. Phụ nữ hầu như không có quyền, bị cấm đi học và buộc phải mặc quần áo che toàn bộ cơ thể. Âm nhạc và các hình thức truyền thông khác bị cấm.

Hệ tư tưởng của Taliban tương tự như hệ tư tưởng của al-Qaeda, mặc dù lợi ích của họ chỉ giới hạn ở việc cai trị Afghanistan. Các thủ lĩnh Taliban khi đó đã dung túng cho Osama bin Laden và các thành viên al-Qaeda khác tham gia vào vụ khủng bố 11/9/2001. Vào cuối tháng 7/2015, chính phủ Afghanistan xác nhận rằng thủ lĩnh Omar đã chết vào tháng 4/2013 tại Karachi, Pakistan.

Xem video Taliban phóng thích tù nhân ở căn cứ Bagram gần Kabul ngày 14/8: (Nguồn: Daily Mail)

Taliban đã lấy lại sức mạnh như thế nào?

Sau khi bị lật đổ, lực lượng của Taliban phân tán khắp nơi. Một số thủ lĩnh ẩn náu ở Pakistan, nơi họ bắt đầu củng cố sức mạnh.

Các chiến binh cũng bổ sung vào hàng ngũ của họ thông qua một chiến dịch gây sợ hãi và bạo lực. Những người nhập ngũ vào lực lượng cảnh sát hoặc quân đội quốc gia bị ám sát. Trí thức, nhà báo, nhân vật truyền thông và những người khác đại diện cho bộ mặt trẻ của xã hội dân sự Afghanistan cũng trở thành mục tiêu tấn công.

Taliban được tài trợ từ nhiều nguồn khác nhau, một số đến từ hoạt động buôn bán thuốc phiện, ma túy, hoặc các hoạt động tội phạm khác như buôn lậu. Họ đánh thuế và tống tiền các trang trại và doanh nghiệp. Lực lượng này cũng nhận được sự tài trợ của các nhóm ủng hộ hoạt động của họ.

Chú thích ảnh
Một chiến binh Taliban ngồi trên xe chiếm được của Quân đội Quốc gia Afghan (ANA) tại tỉnh Laghman ngày 14/8. Ảnh: D.M 

Mục tiêu của Taliban là gì?

Các chuyên gia cho biết, mục tiêu của Taliban rất đơn giản: Giành lại những gì đã mất vào đầu những năm 2000.

“Họ muốn các tiểu vương quốc Hồi giáo của họ trở lại nắm quyền lực”, Robert Crews, một chuyên gia về Afghanistan tại Đại học Stanford (Anh) nói và cho biết thêm: "Họ muốn áp đặt tầm nhìn của họ về luật Hồi giáo. Họ không muốn có quốc hội, không muốn nền chính trị bầu cử. Họ có một tiểu vương và hội đồng các mullah, và đó là tầm nhìn mà họ thấy là tốt nhất cho đạo Hồi”.

Hiện tại, dường như không có một thủ lĩnh nổi bật duy nhất của Taliban, nhưng nhóm này có thể có một số thủ lĩnh chính.

Chú thích ảnh
Người Afghanistan trong một trại sơ tán ở Kabul. Ảnh: Getty Images

Taliban sẽ cai trị ra sao?

Liệu cuộc sống dưới sự cai trị của Taliban có giống như trước đây hay không thì vẫn chưa rõ ràng. Các nhà quan sát cho rằng, nhóm này có thể sẽ ép buộc phụ nữ ở nhà, chấm dứt nền giáo dục hoà đồng giới tính và thiết lập một xã hội với luật Hồi giáo là trung tâm.

Nhưng Afghanistan là một xã hội dân sự đã phát triển trong hai thập kỷ qua, một xã hội mà trước đây chưa từng tồn tại. Phụ nữ đã đảm nhận các vị trí công không chỉ ở Kabul mà còn ở các thành phố nhỏ hơn. Điện thoại di động và phương tiện truyền thông xã hội là phổ biến. Các chuyên gia đặt câu hỏi liệu Taliban có thể điều hành một cộng đồng đã thay đổi như vậy hay không.

Chú thích ảnh
Phụ nữ Afghanistan đi bầu cử ở Herat vào tháng 9/2019. Ảnh: AFP/Getty Images

“Có rất nhiều người đã kết nối tốt hơn với thế giới thông qua mạng xã hội và nói: ‘Này, tại sao chúng ta không thể có một cuộc sống như vậy?’”, chuyên gia Crews đặt câu hỏi:  “Họ sẽ làm gì với một xã hội tin vào đa nguyên và không tin vào độc quyền quyền lực? Bạo lực của Taliban sẽ làm câm lặng những tiếng nói đó ở mức độ nào?”

Trong khi đó, mối lo ngại đang nổi lên đối với các nước láng giềng là một cuộc di cư của những người tị nạn Afghanistan có thể bao gồm những kẻ khủng bố và người ly khai Uyghur. Taliban có thể cho phép các nhóm như al-Qaeda hồi sinh huấn luyện và hoạt động từ đó.

Bước tiến của Taliban đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng phong tỏa biên giới phía đông với Iran nhằm ngăn làn sóng người chạy trốn khỏi Afghanistan. Thổ Nhĩ Kỳ là nơi có dân số tị nạn lớn nhất thế giới và khi hàng chục nghìn người Afghanistan theo bước chân của người Syria và Iraq, lòng hiếu khách của họ đã trở nên nguội lạnh. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tuần trước cho biết ông có thể gặp các thủ lĩnh Taliban.

Xem video thủ đô Kabul kẹt cứng dòng người bỏ chạy lánh nạn khi Afghanistan hoàn toàn thất thủ trước Taliban (Nguồn: Daily Mail)

 

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Washington Post, Bloomberg)
Vì sao lực lượng vũ trang Afghanistan yếu kém và sụp đổ nhanh trước Taliban
Vì sao lực lượng vũ trang Afghanistan yếu kém và sụp đổ nhanh trước Taliban

“Canh bạc” 88 tỷ USD mà Lầu Năm Góc rót vào quân đội Afghanistan đã tan thành mây khói sau khi lực lượng này thua toàn diện trước Taliban.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN