Sự “chảy máu” vốn diễn ra trong bối cảnh bất ổn trên các thị trường chứng khoán và tiền tệ của Trung Quốc trong thời gian gần đây khiến giới đầu tư mất niềm tin vào đồng NDT. Mark Williams, chuyên gia kinh tế châu Á thuộc tổ chức nghiên cứu kinh tế Capital Economics, nhận định nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do PBoC - Ngân hàng Trung ương Trung Quốc - chưa muốn giữ đồng NDT ổn định. Kể từ tháng 1/2016, đồng NDT đã giảm 1,3% giá trị so với đồng USD, sau khi để mất đến 4,5% trong năm 2015. Đây là hậu quả của việc Bắc Kinh bất ngờ hạ giá liên tiếp đồng NDT kể từ tháng Tám năm ngoái, gây ra hiện tượng thoái vốn trên các thị trường tài chính. Ngoài ra, động thái nâng lãi suất sau gần một thập niên của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng là yếu tố khiến đồng NDT mất giá.
Chính phủ Trung Quốc khẳng định không có ý định tiến hành một cuộc chiến tranh tiền tệ. |
Ngay từ đầu năm, PBoC đã ồ ạt bơm tiền mặt cho các định chế tài chính lớn của Trung Quốc: 1.085 tỷ NDT, tức 155 tỷ euro (theo Natixis), tương đương hai lần rưỡi con số của cả năm 2015. Được thực hiện dưới nhiều dạng thức, các hành động ngắn hạn trên thị trường này của PBoC nhằm trấn an người dân rằng Trung Quốc không hề thiếu tiền mặt, vào thời điểm nhu cầu tiêu thụ tăng cao cuối năm. Các nhà đầu tư Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh đang ngấm ngầm phá giá đồng NDT để cạnh tranh. Lần đầu tiên vào tháng 8/2015, khi thay đổi cơ chế ấn định tỷ giá hối đoái chính thức linh hoạt theo giá thị trường. Lần thứ hai vào đầu năm nay, với bốn lần giảm giá liên tiếp đồng tiền quốc gia.
Mỗi lần bơm tiền như thế đều gây ra những cú sốc rất lớn trên thị trường chứng khoán, khiến Bắc Kinh buộc lòng phải ra tay, chẳng hạn đóng băng không cho niêm yết mới. Bên cạnh đó Chính phủ Trung Quốc còn sử dụng một loạt biện pháp hành chính như kiểm soát việc rút vốn.
Ngày 28/1, trước những lời kêu gọi có một chính sách ngoại hối minh bạch hơn, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã điện đàm với Tổng Giám đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) Christine Lagarde để tái khẳng định rằng Trung Quốc đang vất vả chuyển đổi mô hình tăng trưởng về hướng dịch vụ và tiêu thụ mà không có ý định tiến hành một cuộc chiến tranh tiền tệ. Theo ông, giá đồng NDT nhìn chung là ổn định. Những cáo buộc về việc phá giá liên tục đồng tiền này là không có cơ sở, và việc cải cách chính sách ngoại hối sẽ theo hướng một đồng tiền chuyển đổi được IMF công nhận.
Tuy nhiên, theo tờ “Les Echos” (Pháp), các nhà đầu tư dường như có niềm tin ngược lại, khiến dòng vốn tiếp tục ra đi, gây áp lực lên đồng NDT và tạo ra một cái vòng lẩn quẩn. Thay vì bơm tiền mặt vào các hoạt động ngắn hạn, PBoC lẽ ra nên hạ tỷ giá như thị trường mong muốn. Nhưng như vậy lại có nguy cơ gây thêm ngờ vực, có nghĩa là thêm áp lực lên đồng tiền.
Có ý kiến cho rằng Chính phủ Trung Quốc đang phải trả giá cho việc đưa ra các con số thống kê tô hồng. Cơ chế “ngắt mạch”, buộc ngưng giao dịch mỗi lần biên độ dao động trên mức quy định, đã bị “chết yểu” chỉ bốn ngày sau khi được “khai sinh” hôm 2/1, càng làm người ta thêm nghi ngờ về năng lực điều chỉnh của chính quyền.