NDT của Trung Quốc đang trên đà xuống giá kể từ khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC tức ngân hàng trung ương), điều chỉnh tỷ giá vào tháng 8/2015.
Người dân tìm mua các loại rau trong một siêu thị tại thành phố Thượng Hải. Ảnh: THX-TTXVN |
Trong tuần qua, đồng tiền này xuống giá mạnh, giảm 1,5% so với đồng USD, mức giảm trong một tuần mạnh nhất kể từ tháng Tám năm ngoái.
Người tiêu dùng Trung Quốc là một trong những đối tượng chịu tác động bất lợi khi đồng NDT mất giá. Đồng tiền này xuống giá có nghĩa sức mua của họ ở nước ngoài sẽ giảm đi. Việc đi nước ngoài sẽ tốn kém hơn và người sử dụng đồng NDT sẽ tốn nhiều tiền hơn khi mua hàng hóa và sử dụng dịch vụ.
Nhưng đồng NDT giảm giá so với đồng USD có nghĩa một USD sẽ mua được nhiều hàng hóa được định giá bằng đồng NDT hơn. Đây là tin vui với những người đang tính chuyện đi du lịch Trung Quốc trong kỳ nghỉ hoặc tới nước này học tập khi đồng USD ở Trung Quốc có giá hơn so với trước đây.
Lo ngại trước khả năng xuống giá hơn nữa của đồng NDT và biến động của thị trường chứng khoán trong nước, các nhà đầu tư Trung Quốc đã vội vã đầu tư ở nước ngoài để bảo toàn giá trị tài sản.
Để làm vậy, họ cần đổi đồng NDT sang đồng USD. Điều này làm bùng nổ hoạt động đổi tiền, khi một số cá nhân sử dụng hết hạn ngạch 50.000 NDT (7.576 USD) một năm cho việc mua USD trong hai tuần đầu tiên của năm 2016.
Sự xuống giá của đồng NDT là điều đáng mừng cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc khi hàng hóa của họ rẻ hơn với người tiêu dùng nước ngoài và do đó, trở nên cạnh tranh hơn.
Trong khi đó, hàng hóa nhập khẩu sẽ trở nên đắt đỏ hơn, khiến chi phí tăng với các nhà sản xuất sử dụng nguyên liệu nhập khẩu. Đồng NDT rẻ hơn cũng đặt ra những thách thức cho những doanh nghiệp có nợ đọng, đặc biệt là những món nợ bằng đồng USD. Một số doanh nghiệp Trung Quốc có hoạt động đầu tư ở nước ngoài cũng chịu chi phí lớn hơn.
Trong ngắn hạn, các công ty đa quốc gia có nhiều hoạt động tại Trung Quốc có thể cảm nhận được sức ép khi sự yếu đi của đồng NDT sẽ làm giảm lợi nhuận. Về dài hạn, việc Trung Quốc chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ dựa vào xuất khẩu và công nghiệp nặng sang dựa vào tiêu dùng trong nước sẽ mang đến những cơ hội.
Lựa chọn đối phó với tác động tiêu cực từ biến động tỷ giá có thể là tốt hơn cho những doanh nghiệp này so với việc rút khỏi thị trường Trung Quốc.
Mặc dù đồng nội tệ giảm giá, các quan chức Trung Quốc nhắc lại rằng các nền tảng kinh tế vững vàng, thương mại vẫn thặng dư, dự trữ ngoại tệ lớn cũng như thâm hụt ngân sách và nợ công thấp sẽ là cơ sở để duy trì sự ổn định của đồng NDT.
Đồng NDT mất giá có thể đẩy nhanh sự thoái vốn, nhưng hàng nghìn tỷ USD dự trữ có thể chống đỡ cho nền kinh tế trước xu hướng này.