Ngày 23/6, người dân Anh, người dân Khối thịnh vượng chung đang sinh sống tại Anh và những công dân Anh sinh sống ở nước ngoài dưới 15 năm sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý để lựa chọn giữa việc nước Anh sẽ đi hay ở lại EU.
Kể từ khi chiến dịch trưng cầu dân ý chính thức được phát động, rất nhiều cá nhân và tổ chức – có thể kể ra như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), Tổng thống Mỹ Barack Obama, các chính phủ Australia, New Zealand, Ấn Độ – đã cảnh báo về những hậu quả tiêu cực cả về kinh tế và địa chính trị nếu như người Anh quyết định lựa chọn lá phiếu ra đi.
Sát ngày bầu cử, hầu như không có tiếng nói nào từ các chính trị gia thế giới hay chính phủ các nước nói rằng việc rời bỏ EU sẽ mang lại lợi ích cho nước Anh, cũng như cho các nước khác. |
Riêng với Canada, điều này càng rõ vì việc Anh từ bỏ tư cách thành viên EU sẽ tạo ra khoảng trống rất lớn trong quan hệ giữa Canada với "Lục địa già". Lâu nay, Anh luôn là đồng minh thân cận nhất của Canada trong EU. Nhờ có Anh tiên phong dỡ bỏ các rào cản quan trọng trong những điều khoản mới về bảo hộ đầu tư, cơ chế giải quyết tranh chấp và lao động, các quốc gia thành viên còn lại trong EU mới đồng ý làm theo, mở đường cho việc Canada và EU tiến gần hơn tới khả năng ký kết Thỏa thuận Thương mại và Kinh tế toàn diện (CETA). Theo như lời của Bộ trưởng Thương mại Canada Chrystia Freeland, nếu mọi việc thuận lợi, hai bên có thể phê chuẩn văn kiện này trước cuối năm nay.
Tuy nhiên, nếu Anh rời khỏi EU sau ngày 23/6 tới, thỏa thuận thương mại đầy hứa hẹn này sẽ có nguy cơ bị gác lại. Một số nước thành viên EU vốn trước đây không hào hứng ký CETA với Canada sẽ lấy cớ đòi xem xét lại các nội dung trong thỏa thuận. Ngay cả khi điều này không xảy ra thì việc phê chuẩn CETA cũng sẽ bị trì hoãn, do các chính phủ châu Âu còn phải lo đương đầu với những hậu quả của việc Anh rời đi.
Trong khi đó, việc Anh ở lại EU sẽ mang lại cho Canada cả lợi ích kinh tế và chính trị. Về mặt kinh tế, Anh là nước tiếp nhận viện trợ phát triển chính thức (FDI) lớn thứ hai của Canada và là đối tác thương mại lớn thứ 3 (cùng với Đức). Ngoài ra, sự tương đồng về ngôn ngữ và hệ thống pháp lý khiến Anh trở thành “điểm tiếp cận tự nhiên” cho Canada vào toàn bộ thị trường EU với hơn 500 triệu dân và tổng GDP lên tới 20.000 tỷ USD.
Những lợi ích về chính trị thậm chí còn lớn hơn nhiều. Anh là đồng minh tự nhiên của Canada trong EU do hai nước có chung lịch sử, cùng theo hệ thống chính trị dân chủ nghị viện, phát triển kinh tế tự do và có chung nền văn hóa. Không chỉ thế, Anh còn là lá phiếu tín nhiệm của Canada trong EU. Khi một số chính phủ châu Âu quay lưng lại với Canada, như chính phủ Tây Ban Nha từng làm trong cuộc tranh cãi về đánh bắt cá những năm 1990, hay chính phủ Séc và Hungary phản đối những yêu cầu của Canada về vấn đề thị thực, Anh luôn luôn là nước đứng về phía Canada. Khi Anh rời đi, sự ủng hộ này chắc chắn sẽ không còn nữa.
Nhưng vấn đề đặt ra là những tác động địa chính trị của việc Anh ra đi không chỉ giới hạn ở nền chính trị châu Âu, quan hệ giữa Anh với châu Âu, mà còn tác động trực tiếp và sâu sắc đến chính trị nội bộ của Canada với nguy cơ khuấy động một cuộc ly khai ở tỉnh Quebec. Nhiều chuyên gia dự đoán sau khi Anh rời khỏi EU, gần như chắc chắn Scotland cũng sẽ tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý tách ra khỏi Vương quốc Anh.
Nếu xét đến kết quả sít sao trong lần trưng cầu gần đây nhất của người dân Scotland và việc có tới 75% người dân muốn ở lại EU thì viễn cảnh Scotland độc lập khỏi Anh (sau khi Anh rời EU) gần như là xu hướng khó có thể đảo ngược. Kết quả là những tiếng nói đòi ly khai ở tỉnh Quebec của Canada sẽ như được tiếp thêm động lực. Mặc dù kinh nghiệm trước đây cho thấy chủ nghĩa ly khai không được ủng hộ tại Canada, nhưng rõ ràng những động thái từ Anh và Scotland sẽ thôi thúc những người vẫn đang âm thầm nuôi dưỡng tư tưởng này.