Theo tờ Wall Street Journal, cuộc điều tra của Văn phòng Cảnh sát Hình sự Liên bang Đức đang xem xét lý do tại sao chiếc du thuyền mà họ tin rằng được sử dụng để thực hiện chiến dịch phá hoại đường ống Nord Stream lại đi vào vùng biển Ba Lan. Các phát hiện khác cho thấy Ba Lan đã là một trung tâm hậu cần và hỗ trợ cho cuộc tấn công phá hoại dưới biển vào tháng 9 năm ngoái, cắt đứt mối ràng buộc mạnh mẽ nhất giữa Berlin với Moskva.
Bản thân Ba Lan, quốc gia cũng đang tiến hành cuộc điều tra của riêng mình, đã phải chật vật trong nhiều tháng qua để tìm hiểu những gì phía Đức đang điều tra.
Các nhà điều tra Đức đã dựng lại đầy đủ toàn bộ hành trình kéo dài hai tuần của Andromeda - chiếc du thuyền màu trắng dài 15 mét bị nghi ngờ có liên quan đến một trong những hành động phá hoại lớn nhất tại Âu châu kể từ Thế chiến II, và xác định chính xác rằng nó đã đi chệch khỏi mục tiêu ban đầu để mạo hiểm đi vào vùng biển Ba Lan.
Những phát hiện chưa được báo cáo trước đây đã được ghép nối với dữ liệu từ thiết bị định vị và vô tuyến của du thuyền Andromeda, cũng như vệ tinh, điện thoại di động, tài khoản Gmail mà thủ phạm sử dụng, và các mẫu DNA để lại trên tàu.
Tổng hợp lại, các chi tiết cho thấy chiếc du thuyền đã đi vòng quanh từng địa điểm mà sau đó xảy ra vụ nổ - một bằng chứng củng cố niềm tin của các nhà điều tra rằng tàu Andromeda là công cụ được sử dụng để phá hủy đường ống vào năm ngoái. Các nhà điều tra đã kết luận rằng một chất nổ được sử dụng trong chiến dịch này là HMX, còn được gọi là octogen, một chất không màu rất phù hợp để phá hủy cơ sở hạ tầng dưới nước.
Nhóm điều tra Đức cho biết họ cũng đang tìm hiểu lý do tại sao chiếc du thuyền được thuê với sự giúp đỡ của một công ty du lịch có trụ sở tại Warsaw, dường như là một phần của mạng lưới các công ty bình phong do Ukraine sở hữu có liên hệ tình nghi với tình báo Ukraine, theo những người quen thuộc với cuộc điều tra. Và trong khi những phát hiện gần đây dường như đã củng cố quan điểm của các nhà điều tra rằng người Ukraine đã dàn dựng âm mưu, họ cũng đang xem xét liệu lãnh thổ Ba Lan có thể đã được sử dụng phục vụ cho vụ tấn công hay không.
Cuộc điều tra của Berlin cũng phát hiện ra rằng một chiếc xe tải màu trắng - được camera an ninh và nhân chứng nhìn thấy ở cảng Đức - mang biển số Ba Lan và được sử dụng để tiếp tế cho thủy thủ đoàn.
Các quan chức của cả hai quốc gia Đức và Ba Lan cho biết chính phủ Ba Lan không biết gì về cuộc điều tra nhằm vào các hoạt động di chuyển và thủy thủ đoàn của du thuyền Andromeda, và đã biết về nó từ các báo cáo của phương tiện truyền thông. Đây là một tình huống bất thường đối với hai thành viên của EU, vốn là nơi chia sẻ các công cụ pháp lý để tiến hành các cuộc điều tra xuyên biên giới.
Sau khi thông tin về con thuyền bị phanh phui, nhà chức trách Ba Lan đã yêu cầu phía Đức cung cấp thêm thông tin. Vào giữa tháng 5 - năm tháng sau khi Berlin xác định được Andromeda - hai bên đã có một cuộc họp làm việc chung.
Cuộc điều tra được cho là có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng trong NATO, làm căng thẳng thêm mối quan hệ giữa Ba Lan và Đức. Ba Lan, giống như nhiều nước láng giềng của họ và Mỹ, phản đối mạnh mẽ các đường ống Nord Stream, mà họ coi là vũ khí địa chính trị nhằm khiến châu Âu phụ thuộc vào năng lượng Nga.
Một phát ngôn viên của tổng công tố liên bang Đức, người dẫn đầu cuộc điều tra, từ chối bình luận về việc liệu cuộc điều tra có mở rộng sang Ba Lan hay liệu chính quyền Ba Lan có được yêu cầu giúp đỡ hay không. Các quan chức Đức khác quen thuộc với cuộc điều tra nói rằng họ không có bằng chứng nào về việc chính phủ Ba Lan có liên quan đến âm mưu này.
Các quan chức Ba Lan đã thừa nhận rằng đường bờ biển Baltic dài của đất nước, cùng biên giới dài hơn 500km với Ukraine, mang lại những lợi thế rõ ràng cho các cá nhân dàn dựng một chiến dịch như vậy. Nhưng các quan chức này cho biết chính phủ không đóng vai trò gì trong cuộc tấn công đường ống Nord Stream.
Một quan chức an ninh quốc gia cấp cao của Ba Lan cho biết: “Tôi có thể đảm bảo với bạn rằng không một thể chế nào của Ba Lan liên quan đến câu chuyện này và đây không phải là một vụ án cấp nhà nước. Tôi không thể loại trừ rằng một số công ty Ba Lan hoặc bất cứ thứ gì [tương tự] có liên quan đến vụ này.”
Một quan chức cấp cao khác của Ba Lan cho biết cuộc điều tra hạn chế hơn của chính Warsaw vẫn chưa xác định được nghi phạm.
Được cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel khai trương vào năm 2011, Nord Stream là một vụ đánh cược lớn của Đức vào nguồn khí đốt giá rẻ của Nga. Đường ống thứ hai, Nord Stream 2, được xây dựng sau khi Nga sáp nhập Crimea bất chấp sự phản đối của Mỹ và gần như tất cả các nước láng giềng phía đông của Đức. Sau khi xung đột bùng phát ở Ukraine vào năm ngoái, áp lực từ các quốc gia này đã khiến Berlin phải gác lại dự án.
Hàng loạt vụ nổ mạnh dưới nước vào ngày 26/9/2022 đã xé toạc ba trong số bốn đường ống chính của Nord Stream. Các vụ nổ đã tạo ra những mạch nước phun sủi bọt khổng lồ ở Biển Baltic, dẫn đến đã giải phóng lượng khí nhà kính vào khí quyển nhiều hơn toàn bộ lượng khí thải hàng năm của Đan Mạch.
Kể từ đó, các nhà điều tra từ Đức, Thụy Điển, Đan Mạch và các đồng minh phương Tây khác đã nỗ lực điều tra để tìm ra thủ phạm đứng sau vụ tấn công và cách thức thực hiện.
Chính phủ Ukraine đã phủ nhận mọi liên quan đến các cuộc tấn công phá hoại đường ống Nord Stream. Mới đây nhất, ngày 7/6, Tổng thống Volodymyr Zelensky nói rằng Ukraine đã không làm bất cứ điều gì như vậy và ông không bao giờ ra lệnh cho hành động đó.
“Tôi tin rằng quân đội và tình báo của chúng tôi đã không làm điều đó, và khi bất kỳ ai tuyên bố điều ngược lại, tôi muốn họ cho chúng tôi xem bằng chứng", ông Zelensky nói với tờ Bild trong một cuộc phỏng vấn được ghi âm.