Vận động trực tuyến và 'bài toán' thu hút cử tri

Bốn năm trước, bà Megan Kerr đã không thể kìm nén sự xúc động khi chứng kiến khoảnh khắc những quả bóng bay thả xuống để chúc mừng cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tiếp nhận đề cử làm ứng cử viên tranh cử tổng thống tại Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ lần thứ 48 diễn ra ở Philadelphia.

Nữ đại biểu bang California còn có dịp giao lưu với các thành viên đảng Dân chủ cùng chung chí hướng trên khắp đất nước tại các cuộc họp kín và các bữa tiệc thân mật ở Philadelphia. Năm nay, bà Kerr lại là đại biểu. Tuy nhiên, thay vì hòa chung không khí náo nhiệt như tại hội trường năm xưa, bà phải theo dõi các bài phát biểu của các đại biểu và diễn giả khác trên sóng truyền hình từ nhà riêng tại thành phố Long Beach cũng như tham gia tổ chức các cuộc họp trực tuyến. 

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc vận động tranh cử ở bang Oklahoma ngày 20/6/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Bà Kerr là một trong hàng nghìn đại biểu đảng Dân chủ trên khắp nước Mỹ phải làm quen với một kỳ đại hội toàn quốc “chưa từng có tiền lệ”. Lần đầu tiên trong lịch sử, sự kiện quan trọng trong tiến trình bầu cử tổng thống Mỹ này được tổ chức theo hình thức trực tuyến với nhiều hoạt động thay đổi so với các đại hội truyền thống trước đây, nhằm đảm bảo sức khỏe cộng đồng, trong bối cảnh dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của trên 170.000 người tại Mỹ.

Không có những cái ôm hay bắt tay nồng nhiệt, không có tiếng vỗ tay cổ vũ hay những quả bóng bay trang trí, cũng không có truyền thông tập trung tại một hội trường rộng lớn, Đại hội toàn quốc lần thứ 49 của đảng Dân chủ, diễn ra từ ngày 17 - 20/8, là một chương trình tổng hợp những bài phát biểu trực tiếp qua mạng hoặc được ghi hình từ trước của các diễn giả và các đại biểu từ nhiều thành phố trên khắp cả nước, như vợ chồng cựu Tổng thống Barack Obama, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders hay Thị trưởng Washington D.C. Muriel Bowser... Ứng cử viên tổng thống Joe Biden và đối tác liên danh tranh cử Phó Tổng thống - Thượng nghị sĩ Kamala Harris - cũng không tham dự trực tiếp mà phát biểu tiếp nhận đề cử trực tuyến. 

Lịch sử cho thấy các đại hội đảng thường giúp các ứng cử viên tổng thống Mỹ gia tăng đáng kể sự ủng hộ của cử tri. Theo trang mạng FiveThirtyEight chuyên theo dõi bầu cử tổng thống Mỹ, kể từ năm 1968, sau khi tổ chức đại hội toàn quốc, các ứng cử viên thường tăng thêm trung bình 5% tỷ lệ ủng hộ của cử tri trong các cuộc thăm dò dư luận trên toàn quốc. Hiểu rõ điều này, các nhà tổ chức đại hội của đảng Dân chủ đã nỗ lực trong nhiều tháng để tìm cách làm cho đại hội trực tuyến của đảng trở nên sống động và lôi cuốn hơn.

Thay vì một đại hội trực tiếp với các chính trị gia phát biểu tại một hội trường hàng nghìn người, đảng Dân chủ đã đưa sự kiện đại hội đến gần hơn với công chúng, sử dụng các đoạn video ngắn với các diễn giả và đại biểu phát biểu trong những không gian quen thuộc, từ đó tạo nên hình ảnh gần gũi và thân quen của các chính trị gia đối với người dân, đồng thời phần nào tạo nên sức thuyết phục về mặt chính trị.

Bà Vanessa Beasley, Giáo sư truyền thông tại Đại học Vanderbilt (Mỹ), đánh giá việc loại bỏ hình ảnh hội trường đông đúc đã tạo nên cảm giác thân mật cho người xem. Bà cho rằng đảng Dân chủ “đã đưa ra một số quyết định thực sự chiến lược về việc sử dụng hình thức trực tuyến và truyền hình như một phương thức đặc biệt” để lôi kéo sự chú ý của cử tri. 

Mặc dù vậy, nỗ lực là một chuyện, còn việc liệu một đại hội trực tuyến có thể lôi kéo được nhiều khán giả theo dõi tương tự đại hội truyền thống hay không mới là vấn đề mà cả đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa phải lưu tâm. Trên thực tế, các đại hội đảng toàn quốc có tác dụng mạnh một phần vì thu hút được sự quan tâm của khán giả truyền hình vốn không theo sát mọi diễn biến trong các chiến dịch tranh cử.

Khán giả của sự kiện 4 năm có một này thường rất lớn. Khi Thượng nghị sĩ bang Illinois Barack Obama chính thức trở thành ứng cử viên của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2008, có tới 38 triệu người đã theo dõi sự kiện diễn ra tại một sân vận động ở thành phố Denver này. Năm 2016, bài phát biểu của cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton có gần 30 triệu lượt người theo dõi và con số này của Tổng thống đương nhiệm Donald Trump là 32 triệu lượt khán giả, không bao gồm các nền tảng truyền phát trực tuyến kỹ thuật số hay truyền hình công cộng. 

Tuy nhiên, Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ năm nay dường như lại thu hút lượng khán giả truyền hình thấp hơn khá nhiều so với 4 năm về trước. Theo hãng Nielsen, có khoảng 19,7 triệu lượt khán giả đã theo dõi đêm khai mạc đại hội với điểm nhấn là các bài phát biểu của những nhân vật có tiếng tăm, như cựu Đệ nhất phu nhân Michelle Obama và Thượng nghị sĩ Sanders, trên 10 kênh truyền hình. Đêm thứ hai đại hội thu hút 19,2 triệu lượt khán giả.

Mặc dù số lượt khán giả theo dõi đã tăng vọt lên 21 triệu trong đêm thứ ba đại hội, khi Thượng nghị sĩ Harris tiếp nhận đề cử liên danh Phó Tổng thống, song vẫn thấp hơn con số trên 24 triệu lượt khán giả được ghi nhận tại đại hội cách đây 4 năm. Trong khi đó, ban vận động tranh cử của ứng cử viên tổng thống Biden cho biết đã có 28,9 triệu lượt người Mỹ theo dõi đêm đầu tiên đại hội trên truyền hình và các nền tảng kỹ thuật số, trong đó có 10,2 triệu lượt khán giả theo dõi trên các nền tảng truyền phát trực tiếp, tăng gần 3 triệu lượt người so với năm 2016. 

Một số ý kiến cho rằng đại hội của đảng Dân chủ năm nay mang dáng dấp một chương trình truyền hình, một buổi trình chiếu ở trường học xen lẫn với những phân đoạn tưởng nhớ những người đã mất do đại dịch COVID-19. Hình ảnh đơn độc của nữ diễn viên Eva Longoria trong vai trò người dẫn chương trình từ một sân khấu giống như phòng quay của một đài truyền hình cáp trong sự vắng bóng khán giả dường như đã làm giảm đi đáng kể sức hấp dẫn và “năng lượng” mà đại hội muốn truyền tải, thay vào đó dễ khiến người xem có cảm giác nhàm chán.

Mặt khác, chương trình đại hội với thời lượng ngắn hơn cũng phần nào ảnh hưởng tới cơ hội giới thiệu những ngôi sao đang lên của đảng Dân chủ. Việc chỉ quá tập trung vào các bài phát biểu của vợ chồng cựu Tổng thống Obama hay cựu Ngoại trưởng Hillary Cinton, trong khi những nhân vật tên tuổi khác, như Thượng nghị sĩ bang Nevada Catherine Cortez Masto hay Hạ nghị sĩ Alexandria Ocasio-Cortez, có thời lượng phát biểu hạn chế, cũng phần nào giảm sút hiệu quả tuyên truyền. 

Chú thích ảnh
Cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden được đề cử làm ứng viên của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020. Ảnh: THX/TTXVN

Đối với ứng cử viên tổng thống Biden, đại hội toàn quốc là cơ hội hiếm có để ông thể hiện mình trước cử tri cả nước. Dù vậy, cơ hội này được cho đã giảm đi đáng kể trong cuộc bầu cử năm nay. Học giả Jay Cost thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ cho rằng điều quan trọng nhất đối với đại hội là làm nổi bật nhân vật được đề cử ứng cử viên tổng thống giữa tiếng reo hò và vỗ tay của đám đông trong hội trường lớn, qua đó tạo ấn tượng cho các cử tri rằng ứng cử viên đó nhận được sự tôn trọng và ủng hộ rộng rãi của các thành viên trong đảng. Điều này lại khó có thể thực hiện khi đại hội tiến hành theo hình thức trực tuyến. 

Tuy nhiên, rất khó để đánh giá liệu nguyên nhân chính của sự sụt giảm lượng khán giả truyền hình có phải là do hình thức đại hội thay đổi hay không, bởi nhìn chung, ngày càng ít người dân Mỹ xem truyền hình hơn so với 4 năm trước. Thay vào đó, ngày càng nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, có xu hướng tìm xem những sự kiện trực tiếp trên các trang thông tin hay dịch vụ như Youtube. Mặc dù vậy, hiện không có nhiều phương pháp đáng tin cậy để đo lường chính xác lượng khán giả trên các nền tảng phát trực tuyến. Do đó, các kênh truyền hình lớn vẫn được đánh giá là một phương tiện chủ đạo để hai ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ và Cộng hóa tiếp cận được với đông đảo cử tri, đặc biệt là nhóm cử tri lớn tuổi hơn.

Có thể thấy, bên cạnh những mặt tích cực, việc đảng Dân chủ tổ chức Đại hội toàn quốc theo hình thức trực tuyến không tránh khỏi những hạn chế nhất định. Đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa, dự kiến diễn ra một tuần sau đó, có thể sẽ gặp phải những vấn đề tương tự. Tuy nhiên, bầu cử tổng thống Mỹ luôn được đánh giá là một cuộc đua gay cấn và khó đoán định. Do đó, dù đảng nào giành được nhiều sự quan tâm và ủng hộ hơn của cử tri trong đại hội toàn quốc thì vẫn có thể xuất hiện những yếu tố khó lường trong hơn 2 tháng tới từ nay đến ngày bầu cử.

Phương Oanh (TTXVN)
Bầu cử Mỹ 2020: Nhận định về cương lĩnh tranh cử của ứng cử viên Joe Biden – Phần cuối
Bầu cử Mỹ 2020: Nhận định về cương lĩnh tranh cử của ứng cử viên Joe Biden – Phần cuối

Quá trình làm việc trong chính quyền Mỹ lâu năm cùng với những diễn biến trong cuộc bầu cử năm 2020 đã phác họa những điểm chính nổi lên trong cương lĩnh tranh cử của ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN