Bầu cử Mỹ 2020: Nhận định về cương lĩnh tranh cử của ứng cử viên Joe Biden - Phần 2

Quá trình làm việc trong chính quyền Mỹ lâu năm cùng với những diễn biến trong cuộc bầu cử năm 2020 đã phác họa những điểm chính nổi lên trong cương lĩnh tranh cử của ứng cử viên Tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden.

Chú thích ảnh
Cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại một sự kiện ở Wilmington, bang Delaware ngày 14/7/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

6. Lương thực và nông nghiệp

Về kinh tế trang trại, ông Biden ủng hộ việc chống độc quyền nhằm tạo ra một thị trường cạnh tranh và công bằng hơn cho nông dân và người tiêu dùng. Ông Biden cũng muốn bảo vệ người lao động hoạt động nông nghiệp với qui mô vừa và nhỏ bằng cách củng cố việc thực thi ba đạo luật quan trọng như Đạo luật chống độc quyền Sherman, Đạo luật Chống độc quyền Clayton và Đạo luật liên quan đến việc đóng gói và nhà kho.

Về hoạt động nông nghiệp và vấn đề biến đổi khí hậu (hoạt động nông nghiệp chiếm 9% lượng khí thải nhà kính tại Mỹ trong năm 2017), ông Biden kêu gọi việc thực hiện kế hoạch về khí hậu nhiều tham vọng nhằm giảm thiểu những thiệt hại cho ngành nông nghiệp do tác động từ các thảm họa tự nhiên gây ra. Ông ủng hộ việc trả tiền cho nông dân để góp phần vào việc thực hành thân thiện môi trường; đề xuất giảm mức phí phát thải trong hoạt động nông nghiệp tại Mỹ xuống mức zero bằng cách mở rộng chương trình của USDA trong 5 năm. Ông Biden cũng cho rằng chương trình này nên là một phần của thị trường carbon mới bằng cách cho phép các tập đoàn, cá nhân và tổ chức đóng góp tài trợ để bù đắp lượng khí thải tạo ra.

Chú thích ảnh
Nông dân thu hoạch đậu tương tại trang trại ở Scribber, bang Nebraska, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Đảm bảo quyền lợi cho chủ trang trại và người lao động, ông Biden ủng hộ việc cung cấp địa vị pháp lý cho công nhân nông trại không có giấy tờ hợp pháp tại Mỹ. Công nhân nông trại chủ yếu là người nhập cư từ Mexico, trong đó có khoảng 50% là không có giấy tờ - và đây là những đối tượng có thể dễ bị lạm dụng bởi các chủ lao động. Trong khi đó, những người lao động đến Mỹ theo mùa hợp pháp cũng có thể bị các chủ lao động lạm dụng do thiếu sự bảo vệ nhất định, như vấn đề trả lương ngoài giờ.

7. Kiểm soát súng đạn:

Đối với các loại vũ khí tấn công (như súng trường bán tự động kiểu AR-15 được sử dụng trong một số vụ xả súng), ông Biden từng có vai trò trong việc thúc đẩy Dự luật cấm sử dụng vũ khí tấn công liên bang năm 1994 - thời điểm ông đang đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện - trong đó kêu gọi việc cấm sử dụng vũ khí tấn công và thúc đẩy chương trình mua lại.

Về việc kiểm tra lý lịch người mua súng, ông Biden và một số ứng cử viên đảng Dân chủ kêu gọi việc kiểm tra lý lịch phổ quát đối tượng mua bán súng. Ông Biden đứng đầu lực lượng đặc nhiệm về vấn đề này khi chính quyền Tổng thống Obama thúc đẩy dự luật yêu cầu kiểm tra lý lịch phổ quát vào năm 2013. Ông Biden cũng từng viết trên trang Twitter rằng cần phải đóng lại lỗ hổng cho phép các cá nhân mua súng trực tuyến hoặc tại buổi trình diễn súng mà không cần kiểm tra lý lịch.

Chú thích ảnh
Ông Biden và một số ứng cử viên đảng Dân chủ kêu gọi việc kiểm tra lý lịch phổ quát đối tượng mua bán súng. Ảnh: Reuters

Về việc đăng ký vũ khí (chỉ một số tiểu bang yêu cầu chủ sở hữu súng đăng ký một số hoặc tát cả vũ khí của họ), ông Biden và phe Dân chủ đã thận trọng hơn trong việc chấp nhận các đề xuất cho cơ sở dữ liệu quốc gia như vậy, nhất là so với việc kêu gọi cấm sử dụng vũ khí tấn công và kiểm tra lý lịch phổ quát. Đồng thời, ông Biden cũng kêu gọi luật pháp Mỹ trao cho các tiểu bang và chính quyền địa phương các khoản trợ cấp để yêu cầu các cá nhân phải có giấy phép trước khi mua súng.

8. Y tế, chăm sóc sức khỏe

Về vấn đề nạo phá thai (một trong những vấn đề gây tranh cãi lâu dài nhất tại Mỹ từ năm 1973 khi Tòa án tối cao giữ nguyên quyền phá thai), phe Dân chủ ủng hộ quyết định trên của tòa án dù có những quan điểm khác nhau vè những giới hạn của vấn đề này. Quan điểm của ông Biden về vấn đề này luôn nhất quán từ năm 1980 đến nay - khi ủng hộ một sửa đổi hiến pháp liên quan đến vấn đề này; đồng thời từng bỏ phiếu tại Thượng viện về việc cấm một thủ tục phá thai muộn vào năm 2013.

Về việc mở rộng bảo hiểm, ông Biden ủng hộ chương trình Obamacare hơn nữa (đã mở rộng phạm vi bảo hiểm y tế cho khoảng 20 triệu người Mỹ), trong đó có việc chi trả cho những người còn lại không có bảo hiểm. Bên cạnh đó, ông cùng một số cựu ứng cử viên từng tham gia chạy đua vào Nhà Trắng năm 2020 như Hạ nghị sĩ John Delaney, cựu Thị trưởng thành phố New York Michael Bloomberg ủng hộ các cuộc đàm phán về giá của Medicare khi liên kết giá thuốc với mức giá rẻ hơn được trả bởi các nước phát triển khác (giá tham chiếu quốc tế). 

Về chi phí thuốc, ông Biden cho rằng chi phí thuốc theo toa là mối quan tâm hàng đầu của đa số cử tri trong nhiều năm khi người Mỹ thường phải trả nhiều hơn người tiêu dùng ở các nước phát triển khác cho thuốc men. Do đó, ông và phe Dân chủ ủng hộ sự tham gia của chính phủ nhiều hơn trong việc kiềm chế giá thuốc tăng lên, trong đó có việc kêu gọi Medicare trực tiếp đàm phán giá thuốc, thu hồi các bằng sáng chế thuốc có thương hiệu để cho phép thuốc generic rẻ hơn có thể tăng được sức cạnh tranh.

9. Vấn đề nhập cư

Chú thích ảnh
Người di cư xếp hàng bên ngoài một văn phòng di trú ở Tijuana, Mexico để đăng ký nhập cư vào Mỹ ngày 3/10/2016. Ảnh: AFP/TTXVN

Đối với chương trình DACA (Chương trình bảo vệ chống trục xuất đối với trẻ em nhập cư bất hợp pháp), ông Biden và phe Dân chủ phản đối chính sách của chính quyền Trump về vấn đề này - khiến 700.000 trường hợp gặp khó khăn - đồng thời thúc đẩy các nỗ lực nhằm giúp người nhập cư trong

Về vấn đề nhập cư bất hợp pháp, phe Dân chủ ủng hộ việc loại bỏ các biện pháp trừng phạt đối với hoạt động nhập cư bất hợp pháp, nhất là việc chính quyền Trump vận dụng Điều 1325 - Khoản 8, cho rằng việc vượt qua biên giới mà không phải trải qua sự kiểm tra của cơ quan nhập cư là hành vi phạm tội - để chia tách các gia đình nhập cư.

10. Cơ sở hạ tầng:

Ông Biden và một số ứng cử viên của đảng Dân chủ cho rằng chất lượng đường giao thông xuống thấp, các sân bay chật chội, nhiều cây cầu cần được thay thế sau nhiều năm xây dựng; kêu gọi việc mở rộng đường cao tốc, tăng cường các hoạt động vận chuyển đường sắt cao tốc; tăng thuế đối với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn phục vụ việc xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông.

Tháng 11/2019, ông Biden đã đưa ra một kế hoạch về cơ sở hạ tầng mới, với trọng tâm có nhiều điểm giống với chính sách của cựu Tổng thống Obama (về giao thông vận chuyển, đường sắt cao tốc, tạo việc làm trong lĩnh vực này, xe điện, công bằng kinh tế xã hội, giảm tác động của giao thông đối với biến đổi khí hậu). Cụ thể, ông Biden đã kêu gọi đầu tư 1,3 nghìn tỷ USD trong vòng 10 năm, trong đó 50 tỷ USD được chi trong năm đầu tiên nhằm sửa chữa đường xá và cầu; 10 tỷ USD khác trong vòng 10 năm để xây dựng khu vực quá cảnh. Để chi trả cho kế hoạch này, ông Biden đề xuất đẩy lùi một số khoản cắt giảm thuế do phe Cộng hòa đề xuất năm 2017 (về việc đánh thuế đối với những người siêu giàu và các tập đoàn, trợ cấp nhiên liệu hóa thạch).

Xem tiếp Phần 3 tại đây

Bùi Đại Thắng (P/v thường trú TTXVN tại Washington)
Bầu cử Mỹ 2020: Nhận định về cương lĩnh tranh cử của ứng cử viên Joe Biden – Phần cuối
Bầu cử Mỹ 2020: Nhận định về cương lĩnh tranh cử của ứng cử viên Joe Biden – Phần cuối

Quá trình làm việc trong chính quyền Mỹ lâu năm cùng với những diễn biến trong cuộc bầu cử năm 2020 đã phác họa những điểm chính nổi lên trong cương lĩnh tranh cử của ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN