Trong số 39 ứng cử viên, cho đến ngày hôm nay chưa ứng cử viên nào giành được tỷ lệ ủng hộ cao chứ chưa nói rằng áp đảo, do đó cuộc bầu cử nhiều khả năng sẽ phải bước vào vòng hai với nhiều thách thức.
Đã 5 năm trôi qua kể từ sự kiện “cách mạng Maidan” lật đổ chính quyền hợp tác với Nga để chuyển hẳn sang định hướng thân phương Tây, gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tuy nhiên, theo một cuộc khảo sát của hãng Bloomberg công bố ngay trước thềm bầu cử, rất nhiều ý kiến thất vọng vì cuộc “cách mạng Maidan” năm 2014 đã không đem lại kết quả như mong muốn, đất nước vẫn đối mặt với xung đột vũ trang, tham nhũng vẫn là một trong những vấn đề bức xúc nhất, đời sống của người dân ngày càng sa sút còn Ukraine thì lọt vào nhóm nước nghèo nhất châu Âu, như chính các nhà lãnh đạo nước này thừa nhận.
Năm năm qua, cuộc xung đột tại miền Đông vẫn trong tình trạng “lúc nóng lúc lạnh”, những khu vực đòi độc lập không có ý định “quay đầu”, chính quyền trung ương ở vào thế “bỏ thì thương, vương thì tội”. Một mặt, không thể “cắt bỏ” những khu vực này, mặt khác, Kiev không có điều kiện thực hiện quyền quản lý đối với các vùng đó. Tiếng súng xung đột vẫn vang lên tại miền Đông bất chấp các thỏa thuận Minsk được thiết lập giữa 4 bên Ukraine, Nga, Đức, Pháp nhằm đưa ra những giải pháp giải quyết xung đột quân sự ở Ukraine.
Bán đảo Crimea đã hoàn toàn hội nhập vào LB Nga sau khi khu vực này sáp nhập quốc gia láng giềng của Ukraine theo kết quả cuộc trưng cầu dân ý tháng 3/2014, khi 97% cử tri Crimea thể hiện ý nguyện muốn Crimea trở thành một phần lãnh thổ của LB Nga. Quan hệ chính trị với Nga do đó mà gần như bị cắt đứt, quan hệ kinh tế thương mại bị suy giảm nghiêm trọng.
Theo đánh giá mới đây của chính trị gia Ukraine Viktor Medvedchuk, do khủng hoảng với Nga mà mỗi năm Ukraine mất đi gần một nửa doanh thu xuất khẩu, khoảng 20 tỷ USD trong 5 năm, trong khi tổng doanh số xuất khẩu của cả nước năm 2018 là 47 tỷ USD. Riêng thiệt hại từ việc dừng trung chuyển khí đốt của Nga sang châu Âu (khi Nga hoàn tất xây dựng các tuyến đường ống vòng tránh lãnh thổ Ukraine dự kiến vào năm 2020) đã là 3-5 tỷ USD.
“Giấc mơ” Tây tiến của Ukraine, xích lại gần Liên minh châu Âu (EU) và NATO cũng không có tiến triển, mặc dù Kiev đã triển khai nhiều biện pháp thúc đẩy và sửa đổi Hiến pháp. Nền kinh tế èo uột, tham nhũng, tình trạng xung đột bất ổn ở miền Đông, các cải cách cam kết với EU không thể thực hiện…, tất cả đã tạo thêm “chướng ngại vật” trên con đường “hướng Tây” nhiều trắc trở mà 5 năm trước chính quyền Ukraine tưởng rằng sắp chạm vạch đích.
Chính Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin mới đây cũng thừa nhận nhanh nhất thì Kiev cũng phải mất 5 năm nữa mới có thể gia nhập EU và NATO. Đại sứ Đức tại Ukraine Ernst Reichel cũng vừa “dội gáo nước lạnh” khi nói rằng việc Ukraine gia nhập một cách nhanh chóng EU và NATO là một tương lai phi hiện thực và nước này còn phải vượt qua cả một chặng đường dài và quanh co, phải làm rất nhiều để chuẩn bị đạt tới tình trạng của một ứng cử viên tham gia cả hai tổ chức.
Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF), Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trên đầu người của Ukraine năm 2018 vào khoảng 2.820 USD/người, so với con số trung bình trên thế giới là 11.730 và tại các nước phát triển là 48.970 USD/người. Kinh tế khó khăn dẫn tới mức sống của người dân giảm sút và làm xã hội rối ren.
Các khoản viện trợ của IMF vốn chỉ là biện pháp chữa cháy, chỉ có tác dụng giữ đất nước không rơi xuống hố sâu khủng hoảng khi thâm hụt ngân sách đã lên tới 4,1 tỷ hryvnia năm 2014 và nay đã đến kỳ phải hoàn trả. Cuộc bầu cử 2019 diễn ra đúng vào năm Ukraine sẽ phải đối đầu với các khoản thanh toán khó khăn nhất. Tổng chi trả nợ quốc tế và trong nước cho năm 2019 là 360,69 tỷ hryvnia (khoảng 13 tỷ USD).
Trong bối cảnh đó, cuộc bầu cử tới đây lại có số lượng ứng cử viên tham gia cao kỷ lục tới 39 người. Một đặc điểm của kỳ bầu cử lần này là các ứng cử viên không phân biệt bằng hệ tư tưởng, mà bằng quan điểm về lựa chọn địa chính trị tương lai giữa Đông-Tây cho đất nước: hội nhập theo châu Âu hay cải thiện quan hệ với Nga.
Theo tiêu chí này, các ứng cử viên có thể thuộc về ba nhóm: nhóm dân tộc-yêu nước hướng tới ngả hẳn sang phương Tây; nhóm thỏa hiệp mong muốn lập lại hòa bình một cách nhanh nhất và nhóm “chống lại tất cả”, tập hợp những gương mặt mới không được coi là các chính trị gia.
Nhóm thứ nhất cũng đông đảo nhất, trong đó có cả hai ứng cử viên hàng đầu là Tổng thống đương nhiệm Petro Poroshenko và thủ lĩnh đảng “Batkivschina” Yulia Tymoshenko. Cho dù là hai đối thủ, song hai ứng cử viên này có quan điểm tương tự nhau về quan hệ “chiến tranh hay hòa bình” với Nga, về hội nhập NATO và EU, về nền an ninh và quan hệ với phương Tây, chỉ khác nhau ở mức độ gay gắt.
Kèm theo ba phương châm - Quân đội (tăng cường), Ngôn ngữ (củng cố tiếng Ukraine, xóa bỏ tiếng Nga) và Niềm tin (tách rời khỏi Nhà thờ chính thống Moskva), chiến dịch tranh cử của Tổng thống Poroshenko còn nêu cao khẩu hiệu: “Rời khỏi Moskva!”. Hiện ông Poroshenko và bà Tymoshenko đang đứng sát nhau về tỷ lệ ủng hộ (16,6 và 16,2%).
Và nếu cả hai cùng lọt vào vòng hai thì rõ ràng tổng thống đương nhiệm sẽ có nhiều nguồn lực hơn, bao gồm cả nguồn lực hành chính, để vượt lên. Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên gia, kết quả của ông Poroshenko không phụ thuộc vào cử tri, mà vào tình hình xã hội. Nếu kinh tế tăng trưởng, lương và lương hưu tăng thì ông sẽ có cơ hội.
Bà Tymoshenko là ứng cử viên lão luyện qua hai kỳ bầu cử trước đó vào năm 2010 và 2014. Nhưng năm nay, nhiều nhận xét cho rằng bà không còn tích cực trong chiến dịch tranh cử, không đưa ra được chương trình rõ ràng, các khẩu hiệu chỉ nhắc đến NATO và EU không thu phục được bộ phận cử tri “chống Nga”. Thậm chí nhiều chuyên gia phân tích Ukraine và nước ngoài còn loại trừ ứng cử viên của bà ngay từ vòng đầu.
Vậy đối thủ thực sự của Tổng thống Petro Poroshenko là ai? Nhìn vào con số, đó là ông Vladimir Zelensky với 26,6% ủng hộ theo kết quả thăm dò mới nhất ngày 28/3. Ông Zelensky chính là ứng cử viên nằm trong nhóm thứ ba “Chống lại tất cả”. Ông đã tạo nên “hiện tượng” khi từ một diễn viên trào phúng nổi tiếng đã trở thành nhân vật dẫn đầu cuộc đua tổng thống trong một thời gian rất ngắn.
Giải mã thành công này, chuyên gia chính trị học Ukraine Aleksander Palyi cho rằng xã hội Ukraine hiện đang có nhu cầu cần những gương mặt mới, và ông Zelensky đã đáp ứng nhu cầu đó.
Ông Zelensky tranh cử bằng cách rất đơn giản là đi ngược lại tất cả các đối thủ khác. Hồi năm 2010, Ukraine đã chứng kiến hiện tượng này với doanh nhân Sergey Tigipko, người sau đó trở thành Phó Thủ tướng Ukraine (2010-2012). Theo giới quan sát Ukraine, nhiều người quả thật sẽ bỏ phiếu cho diễn viên này chính vì đường lối “chống lại tất cả” của ông.
Với cục diện như vậy, đã có ý kiến cho rằng trong cuộc bầu cử ngày 31/3, dù ứng cử viên nào thắng cử đi nữa, người đó cũng không phải là tổng thống được đa số nhân dân ủng hộ. Và vì vậy một điều có thể nhìn thấy trước, lựa chọn đường lối Đông hay Tây vẫn là bài toán khó giải trong nhiệm kỳ tổng thống mới.