Các cuộc thương lượng vừa được tái khởi động giữa Iran với các nước thành viên Nhóm P5+1, gồm 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) để bàn về chương trình hạt nhân của Iran.
Người ta có thể lạc quan về khả năng đạt được một thỏa thuận cuối cùng về vấn đề gây tranh cãi dai dẳng này vào thời hạn cuối cùng trước ngày 24/11 tới, bởi vì tấ́t cả các bên tham gia đàm phán đều đang cố gắng tối đa để không ra về tay trắng. Iran tỏ ra có thiện chí như vậy là vì chính phủ nước này muốn khôi phục nền kinh tế trên cơ sở được hủy bỏ những biện pháp trừng phạt, cấm vận và bình thường hóa quan hệ với phương Tây. Xa hơn nữa, Iran muốn tái khôi phục vị thế một cường quốc khu vực bằng cách củng cố mối quan hệ với Mỹ.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy (phải) và Ngoại trưởng Iran Javad Zarif tại cuộc gặp ở Brussels ngày 1/9. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong khi đó, Mỹ đã đến lúc nhận thấy rằng gây căng thẳng với Iran là không có lợi và đang nuôi hy vọng đến lúc nào đó Iran có thể trở thành, dù không phải là một đồng minh, thì chí ít cũng là một nước mà Mỹ có thể trông cậy và dựa vào để thực thi chính sách Trung Đông hay chính sách năng lượng của mình. Còn với châu Âu, thời gian gần đây Liên minh châu Âu (EU) nhận thấy rằng chính phủ Iran đã thay đổi rất nhiều và chính phủ hiện nay đang "khá nghiêm túc" trong mong muốn giải quyết các vấn đề tranh cãi bấy lâu nay với bên ngoài, trước hết là phương Tây, bằng thương lượng.
Tuy nhiên, để đi đến một thỏa thuận cuối cùng về vấn đề hạt nhân của Iran hiện vẫn còn một số trở ngại. Trước hết là do từ trước tới nay, Iran đã đầu tư quá nhiều nguồn lực và thời gian vào chương trình hạt nhân của họ nên người ta không hy vọng Iran sẽ chấp nhận vô điều kiện tất cả những yêu sách của phương Tây, hủy bỏ toàn bộ chương trình hạt nhân quá tốn kém này.
Thứ hai là ngay trong nội bộ ban lãnh đạo Iran cũng có một phe đối lập chính trị, luôn phản đối mạnh mẽ mọi thỏa thuận và thậm chí chống lại nguyên tắc các cuộc thương lượng với bên ngoài về vấn đề hạt nhân. Tại Mỹ cũng đã và đang có một sự phản đối mạnh mẽ, ngay cả quốc hội lưỡng viện, đối với các cuộc thương lượng về hạt nhân với Iran. Trong khi đó, tại Pháp, người ta có thể thấy một thái độ chờ thời và một thái độ ngờ vực nào đó đối với Iran về việc tạo thuận lợi cho việc thúc đẩy các cuộc thương lượng đi tới một thỏa thuận cuối cùng.
Song, bất chấp tất cả những cản trở đó, người ta vẫn có thể lạc quan bởi vì trên thực tế cả hai bên (Iran và P5+1) đều thấy rõ rằng không có một sự lựa chọn nào khác ngoài việc tiến hành thương lượng, và hai bên đều cho rằng các phần tử "cứng rắn" ở hai bên (chống lại đàm phán) hiện không thể có được một chiến lược nào khác trong tình hình hiện nay ngoà̀i việc "phản đối chung chung". Thực tế hiện nay là nếu hai bên chấp nhận có những sự nhượng bộ thì một thỏa thuận dường như có thể đạt được.
Mặc dù vẫn còn một số điểm bất đồng, khiến EU vẫn duy trì một vài biện pháp trừng phạt hạn chế trong quan hệ kinh tế - thương mại với Iran, song trên thực tế, các nhà kinh tế, đầu tư EU đều đang rất quan tâm đến thị trường Iran. Các chính phủ Pháp và Anh đã công khai kêu gọi và ủng hộ mọi cố gắng của các tập đoàn kinh tế của mình trong việc chiếm lĩnh thị phần ở Iran. Việc hủy bỏ tất cả các biện pháp trừng phạt của EU đối với Iran hiện chỉ còn phụ thuộc vào giải pháp cho các cuộc thương lượng về chương trình hạt nhân của Iran. Tuy nhiên, rõ ràng là EU có khả năng nhanh hơn Mỹ trong tiến trình hủy bỏ những sự trừng phạt, cấm vận này với Iran.
Phạm Phú Phúc (Theo tờ "Al - Khalidj")