“Tử huyệt kinh tế” của Philippines phụ thuộc vào Trung Quốc thế nào?

Philippines, nước đang khát khao khôi phục lại sự phát triển trữ lượng dầu mỏ và khí đốt “sống còn” ở ngoài khơi bờ biển nước này, có khả năng sẽ cần phải đạt được một thỏa thuận với Chính phủ Trung Quốc vốn đã bị chọc tức bởi phán quyết của Tòa Trọng tài (PCA) ở La Haye, Hà Lan với lợi thế nghiêng về Manila ở Biển Đông.

Hình ảnh về Bãi Cỏ Rong.

Nhu cầu cấp bách về năng lượng

Theo hãng tin Reuters, với nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng, Philippines sẽ ngày càng phải nhập khẩu thêm nhiên liệu, trong lúc nguồn cung cấp chính của nước này đang càng lúc càng cạn kiệt. Manila rất muốn khai thác các mỏ dầu khí nằm ngoài Biển Đông, trong vùng đặc quyền kinh tế của mình.

Một trong những khu vực này là Bãi Cỏ Rong (Reed Bank), nằm cách bờ biển Philippines 85 hải lý. Vì vậy, việc phát triển các giếng dầu và khí đốt ngoài khơi đối với nước này đang ngày càng trở nên cấp bách, trong khi Trung Quốc cho thấy không có tín hiệu nới lỏng sự kiểm soát của họ.

Bắc Kinh đã không thừa nhận phán quyết của PCA vốn công nhận quyền chủ quyền của Philippines để tiếp cận các giếng dầu và khí đốt ở ngoài khơi bờ biển nước này. Theo các quan chức và chuyên gia, nếu Trung Quốc không thay đổi quan điểm, Philippines sẽ có một giai đoạn khó khăn trong việc tìm kiếm công ty nước ngoài sẵn sàng mạo hiểm làm Trung Quốc khó chịu.

Philippines hiện đang dựa vào khu mỏ khí đốt Malampaya, ở ngoài khơi Philippines trong vùng không bị tranh chấp, cung cấp 40% năng lượng cho hòn đảo chính Luzon, nơi có thủ đô Manila, do tập đoàn Royal Dutch Shell khai thác.

Khu mỏ này bắt đầu hoạt động vào năm 2001, và đang bước vào giai đoạn cuối thời kỳ sản xuất. Trong khi đó, theo công ty dịch vụ dầu khí Weatherford của Mỹ, chỉ riêng một lô tại vùng Bãi Cỏ Rong - như lô SC 72 - đã có trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn hơn gấp ba lần trữ lượng của mỏ Malampaya.

Vấn đề đối với Philippines là cho đến nay, Bãi Cỏ Rong, dù rất xa Trung Quốc, nhưng vẫn bị Bắc Kinh cho là của mình, và Trung Quốc đã không ngần ngại dùng vũ lực xua đuổi các tàu khảo sát của Philippines đến thăm dò tại đây, đồng thời gây sức ép với các công ty nước ngoài khiến cho không hãng nào dám hợp tác với Manila để khai thác tại Bãi Cỏ Rong.

Ông Antonio Carpio, một thẩm phán Tòa Án Tối Cao Philippines, thành viên đoàn luật gia nước này tham gia vụ kiện Trung Quốc tại La Haye, nói: “Malampaya sẽ hết khí đốt trong 10 năm vì vậy có sự cấp bách hiện nay đối với chúng tôi trong việc phát triển Bãi Cỏ Rong. Mỗi lần chúng tôi gửi tàu khảo sát đến đó, các tàu hải giám Trung Quốc lại quấy rối tàu khảo sát của chúng tôi. Đó là lý do tại sao chúng tôi đã phải làm một điều gì đó”.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho rằng dưới lòng Biển Đông có thể có 11 tỷ thùng dầu, hơn trữ lượng của Mexico, và gần 60 nghìn tỷ mét khối khí đốt tự nhiên. Tuy nhiên, hầu hết các công ty nước ngoài có vốn và công nghệ cần thiết để phát triển trữ lượng đó lại không muốn rủi ro liên quan đến những tranh cãi về quyền tài phán và đã tránh những sự chuyển nhượng trong vùng biển tranh chấp.

Bị bắt bí


Cả Manila và Bắc Kinh đều đã bày tỏ mong muốn nối lại đàm phán, nhưng Philippines nói họ không thể chấp nhận điều kiện trước đó của Trung Quốc là không thảo luận về phán quyết của PCA.

Ông Andrew Harwood, một nhà phân tích về Đông Nam Á tại Công ty Wood Mackenzie nhận định nếu không có một thỏa thuận giữa Manila và Bắc Kinh, việc tìm kiếm các đối tác phát triển sẽ khó khăn. Ông nói: "Cần phải làm mềm lập trường của Bắc Kinh trước khi có bất kỳ công ty nào sẵn sàng đến và khoan trong khu vực tranh chấp".

Dù hiện Philippines đã thắng kiện, nhưng thái độ phủ nhận phán quyết từ PCA của Bắc Kinh tiếp tục là lực cản đối với Manila, vì trong thực tế, nếu Trung Quốc không chịu lùi bước, thì không một công ty quốc tế nào dám lao vào khai thác Bãi Cỏ Rong, trong lúc bản thân Philippines thiếu năng lực làm việc này.

Giải pháp gần như là duy nhất khả thi trong tình hình hiện nay đối với Manila có lẽ là bắt tay với các tập đoàn Trung Quốc để cùng khai thác. Nếu khả năng hợp tác Philippines-Trung Quốc thành hiện thực, thì rõ ràng là Manila đã chấp nhận để cho Bắc Kinh bắt bí, vì lẽ theo phán quyết của PCA, Trung Quốc không được phép cản trở các hoạt động của Philippines ở khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia Đông Nam Á này.

Công Thuận (Theo Asiatimes)
Đại sứ Philippines tại Séc cảnh báo về sự liều lĩnh của Trung Quốc ở Biển Đông
Đại sứ Philippines tại Séc cảnh báo về sự liều lĩnh của Trung Quốc ở Biển Đông

Đại sứ Philippines tại Séc, ông Victoriano Lecaros cảnh báo với tàu sân bay và các vũ khí hiện đại, Trung Quốc có thể làm những gì họ muốn, bất chấp luật pháp và dư luận thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN