Trung Quốc và hiệu ứng El Nino đang bức tử sông Mekong

Trang tin "National Interest"(Mỹ) mới đây có bài phân tích với tựa đề: "Trung Quốc và hiệu ứng El Nino đang bức tử sông Mekong" của tác giả Peter Navarro, Giáo sư thuộc Đại học California (Mỹ).

Một đập thủy điện của Trung Quốc trên sông Mekong.

Theo bài viết, hiệu ứng El Nino năm nay đã tạo ra lượng mưa dư thừa lớn tại vùng Tây Nam nước Mỹ nhưng lại gây ra một đợt hạn hán nghiêm trọng ở khu vực Đông Nam Á. Đây là đợt hạn hán tồi tệ nhất trong hơn 60 năm qua, đang gây ra rất nhiều hệ lụy khiến nông dân điêu đứng.

Dọc theo chiều dài hơn 4.350 km của sông Mekong, con sông này chảy qua tỉnh Vân Nam của Trung Quốc và sau đó lần lượt chảy qua Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam trước khi đổ ra Biển Đông.

Con sông quan trọng này cung cấp nước cho nghề trồng lúa nước và đóng vai trò như động mạch giao thông chính, nguồn thực phẩm chính, và nguồn cung cấp nước quan trọng cho 60 triệu người.

Tình trạng hạn hán do hiện tượng El Nino gây ra trong năm nay là hệ quả của một quá trình lâu dài, Trung Quốc đang bóp nghẹt sự sống của sông Mekong do nhu cầu nước và điện năng.

Nguyên nhân cơ bản của đợt hạn hán năm nay là do Trung Quốc xây dựng nhiều con đập khổng lồ khiến mực nước trên một số phần của sông Mekong hạ xuống mức thấp kỷ lục trong gần 100 năm qua.

Điều này không chỉ là mối đe dọa cho các loài thủy sản ở con sông quan trọng bậc nhất Đông Nam Á. Ví dụ ở Việt Nam nước mặn đã thâm nhập sâu vào đất liền gần 65 km. Điều này đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới các vùng trồng lúa chính: 388.000 ha đất trồng trọt đã bị ảnh hưởng và 166.000 ha đất không thể canh tác.

Tại Thái Lan, tình hình cũng nghiêm trọng không kém. Ví dụ, hồ chứa Ubol Ratana, bắt nguồn từ một nhánh sông Mekong, đã hoàn toàn khô cứng vào tháng 4/2016. Điều này có nghĩa là không có nước tưới, không có điện, và cá chết hàng loạt.

Ngay cả trước khi xuất hiện hiệu ứng El Nino, các đập thủy điện của Trung Quốc trên sông Mekong đã có ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng chảy theo mùa của con sông này. Theo quan điểm của Bắc Kinh, đây là một điều tốt vì nó cho phép tàu lớn của nước này chạy dọc con sông quanh năm, đồng thời ngăn ngừa lũ lụt theo mùa. Tuy nhiên, quan điểm của các nước ở hạ nguồn lại hoàn toàn khác.

Để hiểu lý do tại sao, chúng ta hãy xem xét các tác động của các đập thủy điện của Trung Quốc đối với một trong những kho tàng sinh thái hấp dẫn nhất thế giới, hồ Tonle Sap huyền thoại ở Campuchia. Vào các tháng trong năm, hồ này thường chỉ là một hồ nông với diện tích chỉ hơn 260.000 ha.

Tuy nhiên, vào mùa mưa, dòng chảy từ sông Mekong sẽ giúp hồ sâu thêm khoảng 9m và tăng diện tích của hồ lên gấp 5 lần. Điều này khiến hồ Tonle Sap trở thành một trong những khu vực sinh sản tốt nhất cho các loài thủy sản trên Trái đất.

Vấn đề rõ ràng mà hồ Tonle Sap đã và đang phải đối mặt là các đập thủy điện của Trung Quốc sẽ ngăn dòng chảy vào hồ và do đó ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn thủy sản tự nhiên màu mỡ nhất thế giới do không làm cho hồ sâu thêm và rộng thêm để tạo điều kiện cho mùa sinh sản của nhiều loài thủy sinh quý hiềm.

Hiện tại, sản lượng đánh bắt cá tại hồ này đã suy giảm đáng kể. Đặc biệt, hiện nay sông Mekong đang bị Trung Quốc biến thành "con sông của riêng mình", và dường như không quan tâm gì đến môi trường sống tự nhiên và mối quan ngại của các nước láng giềng ở hạ lưu.

Quốc gia có nguy cơ chịu ảnh hưởng từ những đập thủy điện của Trung Quốc trên sông Mekong không chỉ có Campuchia mà còn cả Việt Nam- "điểm dừng chân cuối cùng" của dòng sông huyền thoại trước khi đổ ra Biển Đông. Nếu có ai nghĩ rằng sông Mekong hùng vĩ không thể bị khô cạn trong một khoảng thời gian nhất định trong năm tại Việt Nam, thì hãy nhớ rằng sông Hoàng Hà, một thời "huy hoàng" ở phía Bắc Trung Quốc bây giờ cạn khô trong hơn 200 ngày/năm.

Trong thời đại của hiệu ứng El Nino, hồi chuông báo tử cho sông Mekong đã bắt đầu vang lên. Câu hỏi duy nhất hiện nay là liệu Trung Quốc có tiếp tục duy trì những đập thủy điện khổng lồ này để làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới các quốc gia không chỉ của khu vực Đông Nam Á mà còn cả Ấn Độ và Bangladesh hay không?

Bắc Kinh cần lưu ý đến những cảnh báo rằng các quốc gia bị rơi vào bước đường cùng sẽ phản ứng và có hành động quyết liệt để có thể cùng nhau sử dụng, chia sẻ có trách nhiệm trong tương lai nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đặc biệt là nguồn nước quý giá của sông Mekong, mà Trung Quốc đang độc chiếm.

TTK
Trung Quốc xả nước lần 2 cho hạ du sông Mekong
Trung Quốc xả nước lần 2 cho hạ du sông Mekong

Trung Quốc đã tăng xả trở lại, bổ sung nguồn nước cho hạ du sông Mekong từ 21/4 đến ngày 31/5 với lưu lượng 1.500 m3/giây, thấp hơn so với đợt trước (2.190 m3/giây).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN