Diễn biến dòng chảy sông Mekong

Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương đã đưa ra những thông tin chi tiết về diễn biến dòng chảy của sông Mekong.

Đoạn sông Mekong chảy qua Vientiane. Ảnh: Phạm Kiên – Phóng viên TTXVN tại Lào

Chế độ dòng chảy sông Mekong:

Theo số liệu đo đạc 3 năm gần đây (từ năm 2014 đến năm 2016), mực nước tại trạm Chiang Saen (Thái Lan) đều gia tăng trong giai đoạn từ giữa tháng 2 đến giữa tháng 3.

Tuy nhiên sự gia tăng mực nước này có độ trễ qua các năm, như năm 2014 mực nước tại trạm Chiang Saen bắt đầu tăng từ ngày 13/2, năm 2015 ngày 4/3 và năm 2016 là ngày 12/3. Như vậy, năm nay ngoài việc thiếu hụt dòng chảy từ mùa lũ thì việc xả nước trễ hơn của các hồ thủy điện vùng thượng nguồn cũng là một nguyên nhân gây thiếu hụt dòng chảy về ĐBSCL.

Việc này cũng cho thấy, trong mùa khô nguồn nước thượng lưu sông Mekong phụ thuộc khá nhiều vào việc vận hành hồ thủy điện, cũng theo đường quá trình mực nước tại trạm này việc vận hành xả nước vào mùa khô của các thủy điện phía Trung Quốc là thường niên chỉ có điều khác nhau về thời gian xả và lưu lượng xả.

Từ tháng 10/2015 đến giữa tháng 1/2016, mực nước tại trạm Chiang Saen luôn thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN) và thấp hơn cùng kỳ năm 2014, 2015 rất nhiều; từ giữa tháng 1 đến đầu tháng 3/2016 mực nước tại trạm đã có sự gia tăng nhưng không đánh kể, trong giai đoạn này mực nước đã cao hơn TBNN nhưng vẫn thấp hơn cùng kỳ 2014, 2015 (ngoại trừ 2 đợt gia tăng vào cuối tháng 1 và cuối tháng 2 trong thời gian ngắn); từ ngày 12/3 mực nước bắt đầu tăng từ 2,22m lên 2,49m và từ ngày 13/3 đến nay dao động từ 3,0-3,34m.

Hiện tại, mực nước trên dòng chính sông Mekong có dao động nhỏ, tại các trạm chính ở vùng thượng và trung lưu sông Mekong đang ở mức cao hơn TBNN từ 0,5-2,0m, các trạm vùng hạ lưu sông Mekong cao hơn TBNN từ 0,01- 0,2m.

Chế độ dòng chảy tại Biển Hồ (Campuchia):


Mực nước tại trạm Prek Kdam (gần Biển Hồ) từ tháng 10/2015 đến khoảng ngày 15/2 cho thấy diễn biến mực nước luôn ở mức thấp hơn TBNN và cùng kỳ 2014, 2015 rất nhiều, giai đoạn từ giữa tháng 2 đến nay mực nước đang xấp xỉ cùng kỳ năm 2015 nhưng vẫn thấp hơn TBNN và cùng kỳ 2014.

Chế độ dòng chảy đầu nguồn sông Cửu Long: Từ tháng 10/2015 đến giữa tháng 1/2016 mực nước đầu nguồn sông Cửu Long (tại Tân Châu và Châu Đốc) luôn thấp hơn TBNN và cùng kỳ 2014, 2015; từ giữa tháng 1 đến nay mực nước ở mức tương đương năm 2014, 2015, tuy nhiên thời kỳ đầu tháng 2 (từ ngày 2 đến ngày 10/2) mực nước tại khu vực này chịu ảnh hưởng một đợt triều cường mạnh, đỉnh triều của đợt này cao hơn đỉnh triều năm 2014, 2015.

Dòng chảy đầu nguồn sông Cửu Long tại trạm Tân Châu, Châu Đốc trong tháng 1 đến tháng 2/2016 luôn thấp hơn năm 2015 từ 26-45%. Thiếu hụt dòng chảy từ thượng nguồn về, triều cường mạnh chính là nguyên nhân gây nên đợt xâm nhập mặn kỷ lục đầu tháng 2 vừa qua.

Từ đầu tháng 3 đến ngày 28/3, tại Tân Châu vẫn tiếp tục thiếu hụt so với cùng kỳ 2015 (13%), tại Châu Đốc đã có sự tăng nhẹ 2% so với 2015; từ ngày 29/3 lưu lượng dòng chảy tại Tân Châu và Châu Đốc đã có sự gia tăng.

Hiện tại mực nước tại Tân Châu, Châu Đốc đang trong thời kỳ triều kém, mực nước cao nhất ngày 31/3 tại Tân Châu: 1,01m, Châu Đốc: 1,18m; lưu lượng trung bình ngày 31/3 tại Tân Châu khoảng 3150m3/s, thấp hơn cùng kỳ 2015: 20%, tại Châu Đốc khoảng 609m3/s, cao hơn 2015: 2%.

Nhận định trong thời gian tới


Mực nước tại trạm Chiang Saen đang duy trì từ 3,2-3,3m (tương đương lưu lượng khoảng 2200-2300m3/s ).

Dòng chảy tại các trạm trên dòng chính sông Mekong đang tăng chậm. Dự báo khoảng 3-4 ngày nữa (khoảng ngày 4 đến ngày 5-4) lưu lượng tại Tân Châu và Châu Đốc có khả năng đạt mức cao nhất với lưu lượng trung bình ngày tại Tân Châu khoảng 3200-3500m3/s, Châu Đốc khoảng 600-750m3/s.

Theo quy luật dòng chảy các năm gần đây thì hồ chứa từ Trung Quốc còn tiếp tục xả, do đó giá trị lưu lượng này khả năng còn tiếp tục duy trì đến cuối tháng 4. Tuy nhiên lưu lượng lớn nhất tại trạm Tân Châu (sông Tiền) vẫn thấp hơn cùng kỳ năm 2014 và 2015; tại trạm Châu Đốc (sông Hậu) tương đương 2015, nhưng thấp hơn năm 2014.

Do lưu lượng từ thượng nguồn sông Mekong về đầu nguồn sông Cửu Long gia tăng, mực nước đỉnh triều từ nay đến đầu tháng 5 có xu thế giảm dần, dự báo từ nay đến hết tháng 4 độ mặn có khả năng giảm dần trên các sông ở ĐBSCL. Riêng hệ thống sông Đồng Nai, Vàm Cỏ và vùng bán đảo Cà Mau-Kiên Giang độ mặn cao nhất khả năng sẽ xuất hiện vào nửa đầu tháng 4 sau đó giảm.

Ranh mặn 4g/l cao nhất trong tháng 4 ở khu vực cửa sông Tiền, sông Hậu có khả năng lùi xa hơn so với tháng 3 từ 10-15km nhưng vẫn sâu hơn TBNN và năm 2015; riêng khu vực sông Vàm Cỏ ranh mặn 4g/l tiếp tục lấn sâu vào 90-100 km, sâu hơn TBNN và năm 2015 khoảng 10-15 km.

Thông tin tư liệu
Lào muốn làm hết sức để cứu hạn hạ lưu Mekong
Lào muốn làm hết sức để cứu hạn hạ lưu Mekong

Theo phóng viên TTXVN tại Lào, sau khi nhận được chỉ đạo từ Bộ Năng lượng và Mỏ của Lào về việc xả nước nhằm ứng cứu tình trạng khô hạn phía hạ nguồn sông Mekong, đặc biệt là các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, từ ngày 23/3, Nhà máy thủy điện Nặm Ngừm 1, một trong 4 đập thủy điện của Lào đã tiến hành xả nước cứu hạn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN