Đây là chuyến thăm Mỹ Latinh thứ ba của Chủ tịch Trung Quốc kể từ khi ông nhậm chức năm 2013.
Nâng quan hệ Trung Quốc - Ecuador lên đối tác chiến lược toàn diệnTrong khuôn khổ chuyến thăm Ecuador, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống nước chủ nhà Rafael Correa đã nhất trí nâng quan hệ song phương lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Trước đó, năm 2015, trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc lần thứ 2 của Tổng thống Ecuador, hai nước đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược.
Tại cuộc hội đàm với Tổng thống Ecuador Correa, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết Ecuador là một nước quan trọng tại châu Mỹ Latinh và nhấn mạnh Bắc Kinh sẵn sàng củng cố hợp tác thực chất với Quito trên mọi lĩnh vực, tăng cường toàn diện việc gắn kết lợi ích của hai bên, mở rộng giao lưu nhân dân và mở ra triển vọng tươi sáng hơn cho sự phát triển quan hệ song phương.
Ký kết 18 thỏa thuận hợp tác với Peru
Tại cuộc hội đàm với Tổng thống Peru Pablo Kuczynski, Chủ tịch Tập Cận Bình bày tỏ hy vọng chuyến thăm sẽ làm sâu sắc hơn mối quan hệ truyền thống giữa hai nước, thúc đẩy tất cả các vòng đối thoại và hợp tác, thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Trung Quốc - Peru cũng như mang lại lợi ích nhiều hơn cho nhân dân hai nước.
Tổng thống Peru Pedro Pablo Kuczynski (phải) và Chủ tịch Tập Cận Bình sau lễ ký các Hiệp định hợp tác song phương tại Lima. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh hai nước cần mở rộng hợp tác thúc đẩy năng lực công nghiệp, coi đây là động lực mới cho mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước và nỗ lực để những dự án lớn thu được kết quả sớm.
Về phần mình, Tổng thống Peru cũng bày tỏ hy vọng mối quan hệ hai nước sẽ củng cố trong các lĩnh vực giáo dục, văn hóa và du lịch, tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn trong việc trao đổi hoạt động giữa nhân dân hai nước.
Peru đánh giá cao sự ủng hộ của Trung Quốc tại Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), đồng thời nhấn mạnh rằng Lima sẵn sàng hợp tác với Bắc Kinh để thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư cũng như phản đối chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch tại châu Á-Thái Bình Dương.
Kết thúc cuộc hội đàm, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống nước chủ nhà Kuczynski đã nhất trí thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và chứng kiến lễ ký kết 18 thỏa thuận hợp tác nhằm củng cố quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Trong các thỏa thuận được ký kết đáng chú ý có Kế hoạch Hành động chung giai đoạn 2016-2021 và biên bản ghi nhớ thực thi Hiệp định Tự do thương mại (FTA), có hiệu lực từ tháng 3/2010.
Sau 6 năm thực hiện FTA, hiện Trung Quốc đã vượt Mỹ để trở thành bạn hàng thương mại số một của Peru. Trong nửa đầu năm 2016, trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và Peru đạt 7,191 tỷ USD, tăng 9,36% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu của nước Nam Mỹ sang quốc gia châu Á đạt 4,407 tỷ USD, tăng 22%.
Cam kết thúc đẩy FTA với Chile
Trong khuôn khổ chuyến thăm Chile, Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống nước chủ nhà Michelle Bachelet đã chứng kiến lễ ký kết 12 thỏa thuận hợp tác và khẳng định cam kết thúc đẩy việc thực hiện FTA ký kết năm 2004.
Tại cuộc hội đàm, hai bên đã nhất trí nâng tầm quan hệ hai nước lên đối tác chiến lược toàn diện, đánh dấu một trang mới trong mối quan hệ hợp tác song phương. Chile và Trung Quốc thỏa thuận tăng cường trao đổi các đoàn cấp cao và củng cố lòng tin chính trị chung giữa hai nước.
Tổng thống Chile Michelle Bachelet (thứ 3, phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (thứ 2, trái) chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận hợp tác song phương. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tổng thống Bachelet thông báo đã thỏa thuận về việc tăng cường đàm phán mở rộng FTA và mở rộng hợp tác tập trung vào lĩnh vực thương mại, đầu tư và tài chính.
Trong các văn bản được ký kết nhân dịp này đánh chú ý có thỏa thuận khai thác khoáng sản, nông nghiệp, xây dựng hạ tầng, năng lượng sạch và viễn thông, cũng như đơn giản hóa và miễn phí thủ tục cấp thị thực cho khách du lịch.
Theo bà Bachelet, Bắc Kinh và Santiago cũng thống nhất thành lập một trung tâm nghiên cứu và phát triển khoa học, kỹ thuật trong lĩnh lực nông nghiệp.
Chile là quốc gia Nam Mỹ đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc vào năm 1970 và cũng là nước đầu tiên ở Mỹ Latinh ký FTA với Trung Quốc. Trao đổi thương mại giữa hai nước đạt 34,1 tỷ USD trong năm 2014, gấp 4 lần so với trước khi ký FTA vào năm 2005.
Trung Quốc cũng là bạn hàng thương mại lớn nhất của Chile và là nước nhập khẩu đồng số một của nước Nam Mỹ này. Trong khi đó, quốc gia Nam Mỹ là quốc gia xuất khẩu lớn thứ ba của nước châu Á tại Mỹ Latinh.
Khu vực địa - chiến lược quan trọng
Trung Quốc đặt mục tiêu trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ Latinh vào năm 2030. Do vậy, chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tới 3 quốc gia này không gì khác ngoài làm đậm thêm dấu ấn Trung Hoa tại khu vực sau các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo Trung Quốc trong những năm gần đây.
Nếu so sánh sự hiện diện của Trung Quốc tại Mỹ Latinh trong giai đoạn 2000-2003 với thời điểm này, rõ ràng có sự gia tăng đáng kể. Thương mại tăng theo cấp số nhân và Bắc Kinh trở thành đối tác thương mại lớn nhất của một số quốc gia trong khu vực.
Kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và toàn bộ khu vực Mỹ Latinh tăng nhanh từ 12 tỷ USD năm 2000 lên gần 275 tỷ USD năm 2013, tức là tăng gần 22 lần, trong khi trao đổi thương mại giữa khu vực Mỹ Latinh và Caribbean với thế giới chỉ tăng 3 lần, đưa Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Mỹ Latinh.
Năm 2015, kim ngạch trao đổi thương mại song phương đạt 368 tỷ USD. Trung Quốc và các nước Tây Bán Cầu cũng thỏa thuận tăng kim ngạch thương mại lên 500 tỷ USD vào năm 2025.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc vào Mỹ Latinh cao hơn FDI Trung Quốc ở nhiều nơi khác ngoài châu Á, tăng từ 1 tỷ USD năm 2003 lên 87,8 tỷ USD năm 2012.
Riêng trong năm 2014, các thể chế tài chính của Trung Quốc đã cấp hơn 22 tỷ USD tín dụng cho các nước Mỹ Latinh, vượt tổng số tín dụng của Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển liên Mỹ - hai nguồn vốn cho vay truyền thống, cấp cho khu vực này. Trung Quốc cũng cam kết đầu tư 250 tỷ USD tại khu vực này trong thập kỷ tới.
Trung Quốc đã "thâm nhập" sâu rộng vào thị trường các nước như Brazil, Venezuela, Argentina, Chile, Peru, Mexico, Cuba, Nicaragua, Colombia… và hiện đã nâng cấp quan hệ với Venezuela, Argentina và Peru lên đối tác chiến lược toàn diện.
Là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc thấy ở Mỹ Latinh nhiều thứ cần không chỉ về kinh tế mà còn cả về địa - chiến lược và chính trị. Trước tiên là các nguồn dầu mỏ và khoáng sản, đặc biệt là quặng sắt, đồng… đang rất cần cho "công xưởng" lớn nhất thế giới.
Thứ hai, do dân số đông mà tiềm năng nông nghiệp không quá lớn nên Trung Quốc có nhu cầu cao về nhập nông sản từ Mỹ Latinh, nơi có lợi thế to lớn về sản xuất nông nghiệp. Quan trọng hơn, Mỹ Latinh không chỉ là nơi cung cấp nguyên, nhiên liệu mà còn là thị trường tiêu thụ quan trọng của hàng hóa "Made in China" vốn đã tràn ngập tại khu vực.
Các hiệp định tự do thương mại song phương được ký kết càng tạo điều kiện cho hàng hóa Trung Quốc xuất hiện nhiều hơn ở thị trường Nam Mỹ. Thực tế này cũng đã giúp Trung Quốc duy trì tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái.
Trong khi đó, khách hàng, công nghệ và các khoản tín dụng của Trung Quốc đã ít nhiều giúp Mỹ Latinh "thay da đổi thịt", bớt lệ thuộc vào Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), hạn chế ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ và Cựu lục địa, đồng thời tiếp cận được nhiều hơn với thị trường thế giới.
Nhiều nước Mỹ Latinh nhìn nhận Trung Quốc như một cứu cánh để có thể giải quyết không ít khó khăn của quốc gia cũng như khu vực trong bối cảnh hiện nay.
Rõ ràng, với chuyến thăm chính thức dài ngày tới Mỹ Latinh của Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc không chỉ khẳng định chính sách "quyền lực mềm" của quốc gia đông dân nhất thế giới mà còn phát đi thông điệp về một mô hình mới trong quan hệ Trung Quốc - Mỹ Latinh.