Trung Quốc, Mỹ và EU - Bộ ba bất khả thi

Đại dịch COVID-19 khoét sâu các xu hướng địa chính trị, đặc biệt là đối đầu Mỹ-Trung. Trong bối cảnh đó, Liên minh châu Âu (EU) nhận thấy rằng rất khó để duy trì quan hệ hữu hảo với cả Washington lẫn Bắc Kinh.

Chú thích ảnh
Tổng thống Joe Biden dự hội nghị thượng đỉnh EU theo hình thức trực tuyến hôm 21/3. Ảnh: Eurativ

Trung Quốc là nơi khởi phát đại dịch COVID-19. Nhưng điều đó không chặn được đà phục hồi, tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Thực tế, Trung Quốc đã thoát ra khỏi đại dịch với một thể trạng tốt hơn nhiều so với các nền kinh tế lớn khác.

Điều này tạo điều kiện để Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng, quyền lực ra bên ngoài. Trung Quốc nối lại việc gây sức ép với các nước có đường biên giới ở dãy Himalaya, cũng như trên Biển Đông, Biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan, nhằm thử cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ đồng minh, đối tác ở khu vực. 

Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã coi Trung Quốc là đối thủ chiến lược. Hiện nay, Tổng thống Joe Biden tái khẳng định quan điểm này khi nói rằng cạnh tranh, đối đầu Mỹ-Trung sẽ là đặc trưng cấu trúc của quan hệ quốc tế trong nhiều năm tới.

Mỹ tìm cách thiết lập “liên minh các nền dân chủ” để ngăn chặn ảnh hưởng ngày một gia tăng của Trung Quốc, không chỉ với các đối tác Ấn Độ, Nhật Bản, Australia trong khuôn khổ “Nhóm Bộ tứ” ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, mà cả với đồng minh truyền thống châu Âu. 

Mỹ muốn châu Âu đưa ra quan điểm rõ ràng hơn về bảo vệ dân chủ, pháp quyền, nhân quyền tại các diễn đàn đa phương, không ngần ngại chỉ trích Trung Quốc. Washington cũng mong đợi châu Âu thắt chặt hợp tác để chặn đà hiện đại hóa quân sự của Bắc Kinh thông qua cấm chuyển giao công nghệ, ngăn Trung Quốc xâm lấn, kiểm soát ngành viễn thông và các hạ tầng thiết yếu khác ở châu Âu. Washington không muốn Brussels phụ thuộc vào khí đốt của Nga qua tuyến đường ống Nordstream 2 cũng như lệ thuộc vào thiết bị viễn thông do tập đoàn Huawei của Trung Quốc cung ứng. 

EU vui mừng trước việc ông Joe Biden lên thay ông Donald Trump, bởi Tổng thống thứ 46 của Mỹ là người theo đuổi quan điểm tự do dân chủ, ủng hộ thiết chế đa phương. Tuy nhiên, điều EU cảm thấy khó xử chính là việc ông Biden không thay đổi chính sách với Trung Quốc, yêu cầu EU xích lại gần Mỹ để tạo lập một mặt trận chống Bắc Kinh. Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos đầu năm nay, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố điều bà không mong muốn chính là việc phải lập ra các khối, liên minh để chống lại nhau. 

Chú thích ảnh
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình họp trực tuyến với các nhà lãnh đạo châu Âu hồi tháng 12/2020 để chốt thỏa thuận về đầu tư Ảnh: AP

Trong bản Tầm nhìn Chiến lược về Trung Quốc năm 2019, EU xác định Trung Quốc dưới ba góc độ: Là đối tác (ví như trong biến đổi khí hậu), là đối thủ cạnh tranh (về thương mại) và đối thủ có hệ thống (những giá trị và quản trị nhà nước).

Cho đến nay, EU vẫn theo đuổi cách tiếp cận linh hoạt này và vì vậy tỏ ra miễn cưỡng trong việc ngả theo Mỹ để chống Trung Quốc trong một loạt các chủ đề chính sách. EU muốn thu lợi từ hoạt động đầu tư, thương mại với Trung Quốc, được khởi nguồn từ đà tăng trưởng kinh tế vững chắc của quốc gia châu Á này. 

Tháng 12/2020, EU đạt thỏa thuận chính trị với Bắc Kinh về Hiệp định đầu tư toàn diện (CAI), hướng đến mở cửa thị trường Trung Quốc rộng hơn cho các công ty châu Âu. EU nhanh chóng hoàn tất văn kiện này trong những tháng ngày cuối cùng của ông Trump ở Nhà Trắng.

Đáng chú ý, EU nhẽ ra sẽ có điều kiện mặc cả, gây sức ép tốt hơn với Trung Quốc trong đàm phán nếu kết hợp cùng Mỹ, hoặc theo hướng một thỏa thuận đa phương. Tuy nhiên, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đích thân can thiệp, chấp nhận nhượng bộ phút chót để hoàn tất hiệp định, tạo ra hố ngăn cách giữa Mỹ và EU. 

Đến ngày 22/3, EU áp đặt trừng phạt đối với bốn cá nhân và một thực thể Trung Quốc liên quan đến cái gọi là “đàn áp ở Tân Cương”, trong một động thái có điều phối với Mỹ và một số đối tác khác. Bắc Kinh nhanh chóng đáp trả bằng đòn cấm vận tương xứng nhằm vào giới chức ngoại giao EU, thành viên Nghị viện châu Âu (EP).

Chính điều này khiến việc phê chuẩn CAI tại EP gặp khó khăn. Thiện cảm dành cho Trung Quốc trong EU cũng suy giảm mạnh sau những diễn biến liên quan đến COVID-19, đòn đe nẹt kinh tế và cấm vận đáp trả của Bắc Kinh. Dường như chính Trung Quốc đã đẩy châu Âu xích lại gần Mỹ. 

Mỹ tiếp tục tuyên bố bảo vệ an ninh cho châu Âu thông qua NATO, nhấn mạnh quan hệ xuyên Đại Tây Dương là điều không thể thiếu với EU. Thêm vào đó, EU dường như thích ứng tốt hơn, tìm được tiếng nói chung với Mỹ dưới thời ông Joe Biden. Tuy nhiên, EU vẫn muốn thu được lợi ích trong các cơ hội về đầu tư và thương mại mà Trung Quốc tạo ra.

Trong những năm tới, EU vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi hợp tác thân thiện với cả Bắc Kinh và Washington, cân bằng lợi ích kinh tế với an ninh và các giá trị, với hy vọng Trung Quốc không thực thị các bước đi mạnh bạo trong ổn định nội trị, gây hoang mang trong quan hệ với bên ngoài. 

Hoài Thanh/Báo Tin tức (ORF)
Trắc trở Hiệp định toàn diện về đầu tư EU-Trung Quốc
Trắc trở Hiệp định toàn diện về đầu tư EU-Trung Quốc

Hiệp định toàn diện về đầu tư (CAI) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc thực tế mới chỉ là "ý định chứ chưa phải là một thỏa thuận" và có thể sẽ phải mất thời gian dài đàm phán nữa trước khi trở thành hiện thực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN