Chỉ trong chưa đầy 2 tháng, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) đã hai lần gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AFP |
Theo báo Mỹ Los Angeles Times, mãi đến gần đây, Bắc Kinh dường như mới cùng chia sẻ nỗi lo lắng ngày một tăng của Washington về chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và những lần thử hạt nhân của Bình Nhưỡng. Đồng thuận với nghị quyết của Liên hợp quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ra lệnh áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế cứng rắn nhất từ trước đến giờ đối với Triều Tiên.
Tuy nhiên, đến tháng 3, khi Tổng thống Trump chấp nhận lời mời của nhà lãnh đạo Kim Jong-un cùng tổ chức một hội nghị thượng đỉnh, phía Trung Quốc ngay lập tức thay đổi quan điểm, khiến Washington cảnh giác.
Thay vì tiếp tục gây sức ép, Chủ tịch Tập Cận Bình lại có động thái thiện chí, mời nhà lãnh đạo Triều Tiên tới Bắc Kinh trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông này kể từ khi nhậm chức năm 2011. Chuyến đi được dư luận xem là phản ánh một sự hòa giải giữa hai bên.
Để dập tắt nghi ngờ về mối quan hệ ấm dần trở lại, một lần nữa ông Tập Cận Bình và ông Kim Jong-un gặp nhau vào đầu tháng 5 vừa qua tại thành phố cảng Đại Liên ở Đông bắc Trung Quốc. Những hình ảnh chính thức cho thấy hai nhà lãnh đạo vai kề vai đi dạo bên bờ biển. Còn có tin tức cho rằng Trung Quốc đã cho phép thương mại xuyên biên giới hoạt động trở lại.
Phản ứng trước cuộc gặp thứ hai của lãnh đạo Trung-Triều, Tổng thống Trump công khai bày tỏ thái độ không hài lòng và ngụ ý chính Chủ tịch Trung Quốc là người khiến Triều Tiên “đổi giọng” với Mỹ. Tổng thống Trump cảnh báo Chủ tịch Tập Cận Bình “có thể tác động” đến ông Kim Jong-un nhằm đưa ra những yêu cầu của mình.
Trong bối cảnh Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều quay trở lại lộ trình như dự kiến, vai trò ngày càng lớn của Trung Quốc được xem như là mang tính quyết định liên quan tới kết quả phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên.
Vậy vì sao lại có sự thay đổi đột ngột trong chính sách đối với Triều Tiên của Trung Quốc như vậy và điều này có ảnh hưởng gì tới Mỹ?
Theo giới phân tích, trong ngắn hạn, Trung Quốc lo ngại khả năng Triều Tiên có thể đạt được một số thỏa thuận với Mỹ, dẫn tới thay đổi hiện trạng chiến lược khu vực biên giới xung quanh Trung Quốc. Từ đó, Washington có thể gia tăng vị trí của mình trong cuộc đối đầu thương mại hiện giờ khiến quan hệ Mỹ-Trung căng thẳng.
Bên cạnh đó, Trung Quốc dường như kết luận rằng để đạt được bất kỳ thỏa thuận giải trừ vũ khí hạt nhân nào, Mỹ cũng sẽ phải nhượng bộ phần nào đó. Việc này có khả năng làm suy yếu vị thế của quân đội Mỹ tại Bán đảo Triều Tiên cũng như trên toàn khu vực châu Á.
Cụ thể, một trong những kết quả tiềm tàng sau Hội nghị Thượng đỉnh ở Singapore có lẽ sẽ là thỏa thuận chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên. Tổng thống Trump cũng đã từng ám chỉ muốn đưa quân đội Mỹ về nhà vì chi phí triển khai binh sĩ ở nước ngoài khá tốn kém.
Bất cứ điều gì làm suy yếu ảnh hưởng và sức mạnh của Mỹ ở phía Tây Thái Bình Dương, ví dụ như di dời một phần hoặc toàn bộ 28.000 quân nhân khỏi Hàn Quốc, hay dỡ bỏ hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ trong khu vực, sẽ tăng cường đáng kể vị thế của Trung Quốc trong khu vực.
Dường như ông Tập Cận Bình đã đạt được mục tiêu ngắn hạn. Qua việc thân thiết với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, Chủ tịch Trung Quốc đã tái khẳng định vai trò không thể thay thế của Trung Quốc trong việc đàm phán về sự thay đổi đối với bản đồ địa chính trị Đông Á hiện nay.
Theo cách nhìn nhận của các nhà phân tích Trung Quốc, một hội nghị làm giảm căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên rõ ràng đem lại nhiều lợi ích cho Trung Quốc. Zhao Tong – chuyên gia về Triều Tiên thuộc Trung tâm Chính sách toàn cầu Carnegie-Tsinghua ở Bắc Kinh – nhận xét: “Một Triều Tiên ngày cởi mở hơn là mục tiêu chiến lược quan trong cho Trung Quốc. Bất kỳ kết quả lạc quan nào từ hội nghị Mỹ-Triều cũng sẽ trở thành tin tốt đối với Trung Quốc”.
Elizabeth Economy – chuyên gia Trung Quốc làm việc cho Hội đồng Quan hệ Quốc tế - giải thích: “Nếu hai miền Triều Tiên thống nhất, Mỹ chắc chắn sẽ bị ra rìa về mặt hiện diện quân sự, và thế giới sẽ có một Bán đảo Triều Tiên trung lập hoặc hướng về Trung Quốc. Xét về vai trò kinh tế của nước này đối với cả Hàn Quốc và Triều Tiên, đó không phải là một mong đợi phi lý”.