Trừng phạt không khiến kinh tế Triều Tiên đổ vỡ
Triều Tiên trong cả chục năm nay đã là mục tiêu của hàng loạt biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc, từ trừng phạt thương mại tới xuất cảnh. Trong đó, biện pháp trừng phạt mạnh nhất được đưa ra trong tháng 9/2017 và liên quan tới dầu thô.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên thăm cánh đồng lúa. Ảnh: KCNA |
Song song với các biện pháp của Liên hợp quốc, Mỹ cũng đơn phương áp đặt một loạt biện pháp để gây sức ép tối đa với Triều Tiên.
Chỉ sáu tháng sau đó, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã gửi thông điệp đề nghị gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump mà không có điều kiện gì đi kèm.
Ngay lập tức, giới chức Mỹ và Nhật Bản đã cho rằng động thái này phần lớn là nhờ các biện pháp trừng phạt quốc tế đã làm cho nền kinh tế Triều Tiên suy yếu.
Tuy nhiên, theo đánh giá của tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, có bằng chứng bằng dữ liệu cho thấy kinh tế Triều Tiên ổn định trong vài năm qua và dù các biện pháp trừng phạt có làm hạn chế tăng trưởng nhưng kinh tế Triều Tiên còn lâu mới tới giai đoạn đói kém hoặc sụp đổ.
Theo thông tin truyền thông khu vực, kinh tế Triều Tiên đã cải thiện đáng kể từ khi ông Kim Jong-un cầm quyền hồi tháng 12/2011, ít nhất là trước khi Liên hợp quốc bắt đầu vòng trừng phạt mới có hiệu lực vào năm 2018.
Bà Park En-na, Đại sứ phụ trách đối ngoại Hàn Quốc, cho biết bức tranh toàn cảnh về nền kinh tế Triều Tiên đang tốt hơn. Bà nhận xét: “Ông Kim Jong-un đã đưa vào nền kinh tế nhiều nhân tố mới. Ở một mức độ nào đó, họ thậm chí còn cho phép tư nhân hóa”.
Khai trương một siêu thị trong tòa nhà chung cử ở Bình Nhưỡng năm 2017. Ảnh: Reuters |
Ông Kim Jong-un đã thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để thúc đẩy phát triển kinh tế Triều Tiên và nới lỏng kiếm soát của chính phủ với kinh doanh và công nghiệp.
Năm 2012, ông đã dành ưu đãi cho các nhà máy, công ty để cải thiện năng suất và 1 năm sau, ông cho thành lập 13 khu phát triển kinh tế mới để tìm cách thu hút đầu tư nước ngoài. Nhiều biện pháp cải cách định hướng thị trường nữa đã được thông qua năm 2014 để tự do hóa nền kinh tế. Trên hết, cải thiện mức sống hiện giờ là ưu tiên quốc gia.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, mặc dù tác động trực tiếp của những quyết sách trên khó đo lường nhưng có một số chỉ số kinh tế cho thấy có tiến triến.
Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc ước tính kinh tế Triều Tiên đã tăng trưởng trung bình 1,24% kể từ khi ông Kim Jong-un nắm quyền. Vào năm 2016, tăng trưởng là 4%, lên mức 28,5 tỷ USD – mức tăng trưởng nhanh nhất trong 17 năm.
Số liệu thương mại của Bình Nhưỡng cũng cho thấy nền kinh tế có dấu hiệu mở rộng từ năm 1996.
Theo thông tin mới nhất từ Cục Tình báo Trung ương Mỹ, mặt hàng xuất khẩu chính của Triều Tiên là khoáng sản, sản phẩm luyện kim và vũ khí; còn mặt hàng nhập khẩu chính là xăng dầu, than cốc và máy móc.
Thủ đô Bình Nhưỡng. Ảnh: AP |
Theo báo cáo của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng trung bình hàng năm từ 4 đến 5%, còn nhập khẩu tăng từ 3-5% mỗi năm trong cùng giai đoạn.
Các nhà quan sát quốc tế cho rằng tình hình ở Triều Tiên dường như ổn định. Ông David Beasley, Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới đã thăm Triều Tiên tháng 5, tới Bình Nhưỡng, huyện Sinwon ở tỉnh Nam Hwanghae và thành phố Sinuiju ở tỉnh Bắc Pyongan. Ông cho rằng dấu hiệu đói kém và suy dinh dưỡng ở Triều Tiên đã biến mất.
Ông còn cho biết thêm: “Theo quan điểm của tôi, những người dân tôi đã gặp có một niềm lạc quan lớn lao vào sự lãnh đạo của ông Kim Jong-un với hi vọng rằng họ sẽ lật sang chương mới trong lịch sử”.
Ông Chun Byung-gon, thành viên nghiên cứu Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc ở Seoul cũng nhận định dù bị trừng phạt liên miên nhưng kinh tế Triều Tiên đã cải thiện. Ông cho rằng ý định của Triều Tiên về theo đuổi phát triển "kinh tế trước tiên" là chân thực.
Tự tin vào năng lực hạt nhân
Chính sách đặt trọng tâm vào phát triển "kinh tế trước tiên" lần đầu xuất hiện trong tháng 4 khi ông Kim Jong-un thông báo sẽ bắt đầu từ bỏ chính sách “Phát triển song hành” (Byungjin) để thực hiện chiến lược mới tập trung phát triển kinh tế. “Byungjin” là chính sách kêu gọi phát triển vũ khí hạt nhân song hành với phát triển kinh tế.
Thông điệp đó đã được củng cố khi ông Kim Jong-un gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Đại Liên hồi tháng 5. Trong cuộc gặp, ông Kim Jong-un cho biết ông sẽ thực hiện các biện pháp đồng bộ và theo giai đoạn để phi hạt nhân hóa và đạt được hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.
Triều Tiên tự tin vào năng lực hạt nhân của mình. Ảnh: KCNA |
Quá trình đó sẽ bao gồm từng bước xóa bỏ vũ khí hạt nhân để đổi lại ưu đãi kinh tế và dỡ bỏ trừng phạt.
Nhiều nhà phân tích cho rằng Triều Tiên chỉ dùng vũ khí làm thứ mặc cả viện trợ. Tuy nhiên, ông Chung Jae-heung, nhà nghiên cứu thuộc Viện Sejong ở Seoul, cho rằng Triều Tiên tự tin vào sức mạnh hạt nhân hơn là bị buộc phải nhượng bộ vì nền kinh tế ảnh hưởng bởi trừng phạt.
Ông Chung Jae-heung nói: “Chính là sự tự tin của Bình Nhưỡng với tư cách một quốc gia hạt nhân đã khiến ông Kim Jong-un ngồi vào bàn đàm phán, chứ không phải là các biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc. Lý do là vì nền kinh tế Triều Tiên không tồi tệ như nhiều người trong chúng ta nghĩ”.
Ông nhận định chính quyền Triều Tiên sẽ không sụp đổ do bị Liên hợp quốc trừng phạt.
Do đó, sau khi làm chủ công nghệ hạt nhân, nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể chuyển trọng tâm tiếp theo sang phát triển kinh tế.
Ông Kim Eul-chul, chuyên gia về Triều Tiên thuộc Viện Nghiên cứu Viễn Đông ở Seoul cho rằng Triều Tiên giờ có sức mạnh kinh tế nội lực để chống đỡ với trừng phạt. Ông nói: “Dường như Triều Tiên đã quyết định tăng tốc phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề kinh tế do bị trừng phạt thông qua đàm phán trực tiếp với Mỹ”.