Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) dẫn lời nhà khoa học Nigeria Temidayo Oniosun đánh giá: “Bắc Kinh thường hỗ trợ các quốc gia châu Phi và đề xuất các khoản vay để những nước này mua được vệ tinh”.
Một ví dụ là khi Ethiopia phóng vệ tinh đầu tiên của nước này từ trạm vụ trụ của Trung Quốc vào tháng 12/2019, Bắc Kinh đã tài trợ 6 triệu USD trong tổng chi phí 8 triệu USD. Vệ tinh của Ethiopia đảm nhận nhiệm vụ dự báo thời thiết, theo dõi môi trường và mùa màng.
Trung Quốc còn cam kết hỗ trợ Ethiopia phóng vệ tinh thứ hai vào 20/12 tới. Viện Công nghệ và Khoa học Vũ trụ Ethiopia cho biết vệ tinh này dự kiến được đưa lên không gian từ cơ sở phóng tại tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Vệ tinh được thiết kể bởi các kỹ sư Trung Quốc và Ethiopia và được cấp vốn chung bởi hai quốc gia.
Ngoài Ethiopia, Trung Quốc còn hợp tác với Sudan, Algeria, Nigeria và Congo. Đối thủ lớn nhất của Trung Quốc trong công nghiệp vũ trụ tại châu Phi là Nga, Pháp và Nhật Bản.
Ngành công nghiệp vũ trụ tại châu Phi được coi có nhiều tiềm năng với ước tính có giá trị khoảng 7 tỷ USD và dự kiến tăng lên 10 tỷ USD trong 5 năm tới.
Năm 2017, Liên minh châu Phi đã thông qua về mặt pháp chế thành lập Cơ quan Vũ trụ châu Phi với trụ sở đặt tại Ai Cập. Ngoài ra, nhiều quốc gia khác như Nam Phi, Sudan, Ai Cập, Nigeria, Ghana, Algeria, Morocco và Kenya cũng tiết lộ những chương trình vũ trụ riêng.
Ông Oniosun cho biết nhiều quốc gia châu Phi vốn có giao thương hữu hảo với Trung Quốc và điều này đã góp phần trong phát triển các dự án vũ trụ. Ông cũng đánh giá đối với vấn đề vệ tinh, các quốc gia đều có xu hướng bắt tay với đối tác họ có mối quan hệ song phương. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi với kim ngạch hai chiều đạt 208,7 tỷ USD năm 2019.
Các công ty Mỹ hiếm khi hợp tác với những quốc gia châu Phi về chương trình vũ trụ, và có ít vệ tinh châu Phi được phóng từ lãnh thổ Mỹ. Nga trong khi đó hợp tác với Angola, Ai Cập và Nam Phi về các dự án vệ tinh. Giữa Trung Quốc và Nga, quốc gia nào đề xuất công nghệ tốt và có giá thành rẻ hơn thường sẽ nhận được hợp đồng tại châu Phi.
Bà Julie Klinger tại Đại học Delaware (Mỹ) đánh giá công nghệ vệ tinh rất quan trọng đối với quan hệ Trung Quốc-châu Phi.
Bà Julie Klinger từng nhận xét: “Công nghệ vũ trụ đã hình thành xương sống của mối quan hệ Trung Quốc-châu Phi trong 20 năm qua. Bộ Ngoại giao Trung Quốc thường hợp tác vũ trụ với những chính phủ có mối quan hệ thân thiết”.
Bà Julie Klinger cũng đề cập rằng các công ty Trung Quốc có thể hỗ trợ đào tạo, phóng và sản xuất vệ tinh, nghiên cứu khoa học cho những nước châu Phi.
Có tới 14 trong tổng số 54 quốc gia châu Phi có các cơ quan vũ trụ và khoảng 42 vệ tinh đã được phóng tính đến tháng 1. Trong khi đó, 50 quốc gia sở hữu các cơ quan chính phủ liên quan tới lĩnh vực vũ trụ hoặc công nghệ vũ trụ.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tăng cường phóng nhiều tên lửa, triển khai thêm vệ tinh, tàu vũ trụ. Năm 2019, Bắc Kinh đã phóng tới 32 tên lửa lên vũ trụ. Tháng 5 này, Trung Quốc phóng thành công tên lửa Trường Chinh 5B sau hai thất bại với Trường Chinh-3B vào tháng 4 và Trường Chinh-7A từ tháng 3.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Mỹ, trong tổng số 2.666 vệ tinh trên quỹ đạo tính đến tháng 3 năm nay, có tới 363 chiếc thuộc sở hữu của các công ty Trung Quốc. Trong khi đó, Nga có 169 vệ tinh và Mỹ là 1.327 chiếc.