Theo trang Asia Times, vào những năm 1960, Bộ trưởng Tài chính Pháp Valéry Giscard d’Estaing đã có câu nói nổi tiếng rằng việc phát hành USD - đồng tiền dự trữ không thể tranh cãi trên toàn cầu - đã mang lại cho Washington “đặc quyền quá đáng”. Và trong tuần trước, Tổng thống Joe Biden đã chứng minh rằng ông d’Estaing thậm chí còn đánh giá thấp tình huống này một cách đáng kể.
Trong số các bước đi của nhà lãnh đạo Mỹ nhằm trừng phạt Nga liên quan đến chiến dịch quân sự ở Ukraine có việc cắt đứt Moskva khỏi phần lớn dự trữ ngoại tệ của nước này. Các thị trường Nga đều hỗn loạn không khác gì Ngân hàng Trung ương ở Moskva, nơi trước đó đã lên kế hoạch sử dụng kho dự trữ 630 tỉ USD để ổn định nền kinh tế hiện đang bị các hãng Fitch và Moody's xếp hạng “rác”.
Dylan Grice, nhà quản lý quỹ đầu cơ tại Calderwood Capital (Anh), nói rằng ông “chưa bao giờ thấy việc vũ khí hóa tiền trên quy mô như vậy trước đây”. Ông Grice cảnh báo. “Đó là một bước ngoặt trong lịch sử tiền tệ: Sự kết thúc quyền bá chủ của USD.”
Có thể như vậy. Nhưng trong thời gian chờ đợi, các lệnh trừng phạt là một cú đấm mạnh đối với Nga.
"Pháo đài Nga" bị tấn công
Nhà kinh tế Gerard DiPippo tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) đã tích lũy được lượng dự trữ tiền tệ chính thức khổng lồ, gấp đôi lượng hàng hóa nhập khẩu của Nga và tương đương hơn 1/3 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này.
Ông DiPippo nói: “Nhiều người gọi kho dự trữ khổng lồ này là ‘Pháo đài Nga’. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt đã phá hủy những bức tường của pháo đài đó bằng cách hạn chế nghiêm trọng khả năng giao dịch bằng ngoại tệ chính của CBR, đồng thời cắt các ngân hàng Nga khỏi SWIFT và một số giao dịch nhất định”.
Động thái của Tổng thống Biden "khiến hầu hết các khoản dự trữ của CBR trở nên vô dụng khi cấm giao dịch bằng các loại tiền tệ đó", chuyên gia DiPippo nhận định.
Ông cũng cho rằng, “các lệnh trừng phạt sẽ gây ra những tổn thất to lớn cho nền kinh tế Nga, cắt đứt hiệu quả nguồn vốn quốc tế, gây ra khủng hoảng tiền tệ, khủng hoảng ngân hàng tiềm ẩn và cú sốc tài chính tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng nợ năm 1998.”
Các thiệt hại đang tăng dần. Đến ngày 2/3, giá trị đồng ruble của Nga với USD đã giảm hơn 30% so với trước khi có lệnh trừng phạt. Hôm 28/2, CBR đã vội tăng gấp đôi lãi suất cơ bản lên 20% để ổn định tỷ giá hối đoái và áp đặt các biện pháp kiểm soát vốn.
Các tổ chức xếp hạng tín dụng đã tìm cách hạ cấp tín dụng của Nga xuống mức thấp do rủi ro vỡ nợ tăng cao. Nền kinh tế Nga đã rơi khỏi Top 10, xếp sau Hàn Quốc.
Đòn ngược với Mỹ
Chiến lược gia toàn cầu Zoltan Pozsar của hãng Credit Suisse AG lưu ý rằng chiến tranh thường dẫn đến các điểm uốn (inflection point) lớn với tiền tệ.
Nếu các lãnh đạo ngân hàng trung ương thức dậy và phát hiện ra rằng núi dự trữ tiền tệ của họ không thể sử dụng - giống như nhà giao dịch tiền điện tử bị mất mật khẩu - thì hệ thống tài chính toàn cầu sẽ đối mặt với một cú sốc lịch sử.
Liệu cú sốc này sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với Trung Quốc, cùng với Nhật Bản, là quốc gia nắm giữ nhiều nhất các khoản nợ của Bộ Tài chính Mỹ?
Việc Mỹ đóng băng tài sản của Nga là một quyết định gây tổn thất lớn cho Moskva. Nhưng cũng có một tác động ngược với chính Mỹ. Theo nhà phân tích Pozsar, khi ra quyết định này, ông Biden cũng gửi một thông điệp rõ ràng rằng không một quốc gia nào có thể dựa vào kho tiền mặt khổng lồ dự trữ USD của họ trong những lúc cần thiết.
Họ sẽ đặt câu hỏi, trong tương lai, tại sao lại tích trữ USD nếu chúng có thể bị kiểm soát ngoài tầm với của ta, đúng lúc ta cần thanh khoản nhất?
Khi cuộc khủng hoảng Ukraine lắng xuống, “ván cờ” USD của ông Biden có thể làm tăng mức độ khẩn cấp của việc thiết lập một trật tự tiền tệ mới, một tài sản dự trữ mới và một hệ thống toàn cầu ít được kết nối với nhau thông qua tài khoản ngân hàng và dự trữ tiền tệ của ngân hàng trung ương.
Đến lúc đó, kho dự trữ ngoại hối của Trung Quốc có thể trở thành dữ liệu tài chính được phân tích nóng nhất trên toàn cầu. Tuy nhiên, hiện tại, Nga và những nước nắm giữ nhiều USD nhất trên toàn cầu, đang mắc kẹt với “vũ trụ thương mại” tập trung vào đồng USD hiện tại.
Chuyên gia Marc Chandler tại Bannockburn Global Forex nhận định Nga có thể sớm từ bỏ đồng đô-la Mỹ. Theo ông, Moskva “đối mặt với cùng một vấn đề như mọi khi - không có giải pháp thay thế rõ ràng và thuyết phục”.
Ông Chandler cho rằng, "đồng euro cũng bị loại, bởi vì người châu Âu cũng đã trừng phạt Ngân hàng trung ương Nga, nên không thể trở thành đồng tiền thay thế. Đồng yen Nhật cũng có thể mang đến những 'quả mìn' tương tự".
Nhà kinh tế học Eswar Prasad của Đại học Cornell (Anh) thừa nhận “có nhiều suy đoán rằng khi ‘lớp bụi’ lắng xuống, Trung Quốc, Nga và những nước khác sẽ tăng cường nỗ lực để thoát khỏi hệ thống do đồng đô-la thống trị và giảm khả năng bị tổn thương tài chính của họ”.