Máy bay không người lái trong cuộc xung đột Nga-Ukraine

Các video tuyên truyền về máy bay không người lái Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất trong cuộc xung đột Nga-Ukraine đang phổ biến trên mạng xã hội. Nhưng những chiếc máy bay không người lái này thực sự đóng vai trò gì trong cuộc xung đột?

Một số video đã lan truyền trên các kênh truyền thông xã hội của Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ trong những ngày gần đây, nêu bật sự lợi hại của máy bay không người lái Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất. Các video có phụ đề tiếng Anh và tiếng Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố quân đội Ukraine đã sử dụng máy bay không người lái chống lại quân đội Nga nhiều lần, với hình ảnh về các phương tiện và thiết bị được cho là của Nga đã phát nổ hoặc bị phá hủy.

Chú thích ảnh
Máy bay không người lái TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất. Ảnh: AFP

Nhưng chính xác mức độ thành công của máy bay không người lái Bayraktar, thường được gọi đơn giản là TB2, trong cuộc xung đột Nga-Ukraine vẫn chưa được xác minh độc lập.

Ukraine đã sở hữu máy bay không người lái TB2 từ năm 2019 và đã mua khoảng 50 chiếc trong vòng 3 năm qua. Hôm 2/3, Bộ Quốc phòng Ukraine thông báo nước này đã mua thêm TB2 và chúng đã sẵn sàng tham chiến. Ngày 4/3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho biết các máy bay không người lái do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất rất có ích đối với Ukraine.

Như thường lệ khi nói đến các lô hàng vũ khí, Thổ Nhĩ Kỳ không bình luận gì về vấn đề này. Thế giới thường chỉ biết đến sự tồn tại của những chiếc máy bay không người lái này từ các báo cáo của các phương tiện truyền thông, khi chúng được sử dụng trong chiến đấu hoặc nếu quốc gia tiếp nhận nói về nó.

TB2 được phát triển và sản xuất bởi công ty Baykar Technology của Thổ Nhĩ Kỳ, được thành lập năm 1986. Đến nay, công ty đã phát triển trở thành một tập đoàn sản xuất vũ khí khổng lồ của Thổ Nhĩ Kỳ. Con rể của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Selcuk Bayraktar, là Giám đốc công nghệ của công ty.

Theo thông báo của công ty, họ đã tăng xuất khẩu gấp bảy lần từ năm 2006 đến năm 2021. Các báo cáo truyền thông cho biết TB2 đã được xuất khẩu sang 16 quốc gia, trong đó có Ukraine, Azerbaijan, Morocco, Tunisia, Qatar, Kyrgyzstan và Turkmenistan. Ba Lan là thành viên NATO đầu tiên mua 24 máy bay không người lái này vào năm ngoái.

TB2 đã xuất hiện ở nhiều nơi như Syria, Libya và Iraq. Nhiều nhà phân tích cho rằng máy bay không người lái này là vũ khí quyết định trong cuộc xung đột Nagorno-Karabakh giữa Armenia và Azerbaijan vào năm 2020.

TB2 gần đây cũng đã được sử dụng ở Ethiopia. Theo các nhà điều tra, một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái đã khiến ít nhất 59 thường dân thiệt mạng ở Tigray.

TB2 dài 6,5 m và sải cánh rộng 12 m. Nó có thể bay liên tục trong 24 giờ với tốc độ tối đa 220 km/giờ. Ngoài ra, TB2 có giá rẻ hơn so với các máy bay không người lái tương tự khác.

Không rõ Ukraine thực sự có bao nhiêu máy bay không người lái và liệu Thổ Nhĩ Kỳ có giao tất cả đơn đặt hàng mới nhất hay không. Nhưng nếu Ukraine có tất cả các máy bay không người lái mà họ yêu cầu, liệu điều này có thể thay đổi kết quả cuộc chiến của nước này với Nga?

Wolfgang Richter, một Đại tá trong quân đội Đức đã nghỉ hưu và là một chuyên gia quân sự tại Viện Quốc tế và An ninh Đức (SWP), không nghĩ vậy. Ông lưu ý rằng bay không người lái chỉ có thể tấn công một mục tiêu tại một thời điểm, nếu quân đội Ukraine có tất cả các máy bay không người lái mà họ đã đặt hàng, thì có thể gây tổn thất cho phía Nga, nhưng với tác chiến trên mặt đất, tác động của máy bay không người lái đối với cuộc xung đột bị hạn chế.

Vị chuyên gia trên chỉ ra rằng có khoảng 600 phương tiện chiến đấu đang tiếp cận thủ đô Kiev của Ukraine và Nga đang tấn công Ukraine từ bốn hướng khác nhau. Ngoài ra, không ai biết liệu tất cả máy bay không người lái chiến đấu của Ukraine có còn hoạt động hay một số máy bay đã bị phá hủy.

Tính toán của Thổ Nhĩ Kỳ

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã duy trì mối quan hệ tốt với cả Nga và Ukraine trong nhiều năm. Thổ Nhĩ Kỳ đã cung cấp máy bay không người lái chiến đấu cho Ukraine nhưng lại mua tên lửa đất đối không, hệ thống S-400, từ Nga.

Daria Isachenko, chuyên gia về chính sách an ninh và quốc phòng tại Trung tâm Nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ thuộc SWP, cho biết Ankara sẽ khó khăn hơn để duy trì sự cân bằng đó trong tương lai. Thổ Nhĩ Kỳ không thể đủ khả năng để duy trì quan hệ với Nga hoặc Ukraine, vì điều này sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng về an ninh và kinh tế.

Theo bà Isachenko, Nga không thể thay thế những gì liên minh phương Tây cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng phương Tây cũng không thể thay thế Nga trong các tính toán của Thổ Nhĩ Kỳ. 

Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ đã viện dẫn Công ước Montreux và chặn tàu chiến Nga đi qua các khu vực hải quân mà nước này kiểm soát, chuyên gia Isachenko không cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tham gia vào chế độ trừng phạt của phương Tây đối với Nga, vì điều này sẽ ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là trong các lĩnh vực như du lịch, xây dựng và nhập khẩu lúa mì. Thổ Nhĩ Kỳ nhập khẩu khoảng 70% lúa mì của mình từ Nga.

Công Thuận/Báo Tin tức
Quan hệ Mỹ-Ấn Độ ảnh hưởng do xung đột Nga-Ukraine
Quan hệ Mỹ-Ấn Độ ảnh hưởng do xung đột Nga-Ukraine

Chính quyền Mỹ đang căng thẳng trong quan hệ với Ấn Độ do Ấn Độ từ chối tham gia chiến dịch cô lập Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN