Theo tờ The Hill (Mỹ) ngày 5/3, các quan chức Mỹ cho biết họ đã rất gay gắt trong thời gian qua để thuyết phục Ấn Độ tham gia cùng Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia khác trừng phạt Nga do đưa quân vào Ukraine.
Trong khi Mỹ và Ấn Độ đã phát triển quan hệ sâu sắc hơn trong gần hai thập kỷ qua, New Delhi cũng đã gắn kết với Moskva qua nhiều thế hệ, vì Nga là nhà cung cấp vũ khí lớn, đồng thời Ấn Độ coi Nga là đối tác chủ chốt chống lại những nỗ lực của Trung Quốc nhằm thống trị khu vực.
Nhưng hành động của Nga ở Ukraine cùng cái chết của một sinh viên Ấn Độ trong tuần này ở thành phố Kharkiv đang khiến dư luận Ấn Độ phản ứng tiêu cực với Moskva và có thể khiến New Delhi xích lại gần Washington hơn.
Ông Donald Lu, Thứ trưởng Ngoại gia Mỹ phụ trách các vấn đề Nam Á trong tuần này nói với các nhà lập pháp Mỹ rằng Chính quyền Mỹ ngày nào cũng nỗ lực để đảm bảo Mỹ và Ấn Độ thu hẹp bất đồng.
Ông Lu cho biết thêm Mỹ đang cảnh báo Ấn Độ rằng Trung Quốc có thể gia tăng sức mạnh nếu Nga không được kiểm soát. Trong những ngày đầu tiên khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, Tổng thống Joe Biden đã thất vọng với Ấn Độ. Ông Biden từng tuyên bố rằng Mỹ và Ấn Độ vẫn chưa kiên quyết về mối quan hệ với Nga.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ đã tìm cách xoa dịu căng thẳng, khi cho rằng Ấn Độ vấn duy trì quan điểm trung lập và kêu gọi đối thoại trong cuộc bỏ phiếu về Nga tại Liên hợp quốc gần đây.
Ông Tanvi Madan, một thành viên cấp cao trong chương trình Chính sách Đối ngoại tại Viện Brookings, lưu ý có thể có khác biệt quan điểm giữa các quan chức chính quyền Mỹ về cách tiếp cận của Ấn Độ và một số người cảm thấy New Delhi gần gũi với Washington hơn là với Moskva.
Chuyên gia Madan nhận xét: “Chính quyền Mỹ hiểu rằng thực sự phản tác dụng và vô ích khi có mối quan hệ căng thẳng với Ấn Độ. Trong khi cuộc xung đột Nga-Ukraine sẽ làm phức tạp mối quan hệ Mỹ-Ấn theo những cách nhất định, cả hai bên đều đang nỗ lực để đảm bảo rằng Moskva không phải là nhân tố có ảnh hưởng mang tính quyết định đối với mối quan hệ của họ".
Tổng thống Biden hôm 3/3 đã nói chuyện với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và các thành viên khác của Nhóm Bộ tứ (Quad) - liên minh 4 nước do Mỹ và Ấn Độ dẫn đầu được cho là nhằm kiềm chế Trung Quốc - để thảo luận về cuộc xung đột và khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra ở Ukraine. Các nhà lãnh đạo nhất trí sẽ gặp nhau tại Tokyo trong thời gian tới để tái khẳng định cam kết về một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở.
Cựu Đại sứ Ấn Độ tại Mỹ Navtej Sarna, người từng là nhà ngoại giao ở cả Moskva và Washington, nhận định động thái trên nhằm gửi đi thông điệp rằng cả Ấn Độ và Mỹ đang nỗ lực để đảm bảo mối quan hệ không bị tổn hại do khác biệt quan điểm về Nga.
Ấn Độ đang phải đối mặt với việc vừa phải cân bằng mối quan hệ với Mỹ và hài hòa các lợi ích của Nga. Theo cựu Đại sứ Ấn Độ tại Mỹ Arun Kumar Singh, yếu tố chính khiến Ấn Độ bỏ phiếu trắng về nghị quyết liên quan đến Nga ở Liên hợp quốc là nước này không muốn Nga “công khai và dứt khoát” đứng về phía Trung Quốc và muốn Moskva giữ thái độ trung lập trong cuộc khủng hoảng Trung Quốc-Ấn Độ.
Nhưng việc Ấn Độ mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga, với những đợt giao vũ khí đầu tiên đã diễn ra vào tháng 12 năm ngoái, đang buộc chính quyền Mỹ phải đối mặt với thế tiến thoái lưỡng nan nếu thực hiện theo luật của Mỹ trừng phạt New Delhi về hàng hóa nhập khẩu dạng này.
Các biện pháp trừng phạt sẽ được áp đặt theo Đạo luật Chống đối thủ của Mỹ (CAATSA), được thông qua năm 2017, nhằm nhằm gây tổn thất kinh tế đối với các quốc gia nhập khẩu hoặc giao dịch với ngành công nghiệp quân sự của Nga.