Lý do Israel tích cực hoà giải xung đột giữa Nga và Ukraine

Với chuyến thăm bất ngờ tới Moskva hôm 5/3, Thủ tướng Israel Naftali Bennett đang nỗ lực đảm nhận vai trò hoà giải xung đột giữa Nga và Ukraine, dù cơ hội thành công là không cao.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Israel Naftali Bennett chủ trì cuộc họp nội các tại văn phòng Thủ tướng ở Jerusalem hôm 6/3. Ảnh: AP

Theo hãng tin AP, ông Naftali Bennett, người lãnh đạo đất nước chưa đầy 1 năm, đã đặt Israel vào vị trí đầy thử thách: đó là trở thành nhà hoà giải tiềm năng trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. 

Giới chuyên gia nhận định nỗ lực này vừa có thể nâng cao vị thế của cá nhân Thủ tướng Bennett, giúp ông trở thành một chính khách quốc tế có tầm ảnh hưởng vừa đóng vai trò giúp Israel đạt được một số lợi ích chiến lược. Song việc đảm nhiệm vị trí này cũng có thể là một “bãi mìn ngoại giao” đối với quốc gia Do Thái. 

Lợi ích hoà giải

Ông Naftali Bennett lên nắm quyền vào tháng 6 năm ngoái, sau khi Thủ tướng kỳ cựu Benjamin Netanyahu chấm dứt 12 năm cầm quyền. Là một người Do Thái sùng đạo, kiếm được hàng triệu USD trong lĩnh vực công nghệ cao, ông Bennett đã từng đảm nhiệm nhiều vị trí trong Nội các nhưng còn thiếu sức hút và kinh nghiệm trên trường quốc tế. Việc trở thành trung gian hoà giải giữa Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelenskyy được đánh giá là thử thách chông gai đối với ông Bennett. 

Ông Bennett là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gặp Tổng thống Nga sau khi Moskva phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine hôm 24/2. Động thái này được thực hiện theo đề nghị của Ukraine. Sau cuộc gặp với Tổng thống Vladimir Putin, Thủ tướng Bennett đã điện đàm với Tổng thống Ukraine và bay tới Đức để hội đàm với Thủ tướng Olaf Scholz.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Israel Naftali Bennett chào đón một nhóm trẻ mồ côi đến từ trại trẻ mồ côi ở thành phố Zhytomyr của Ukraine hôm 6/3. Ảnh: AP

Giới quan sát nhận định ông Bennett đã làm được điều mà Pháp, Đức hay Mỹ chưa thể thực hiện: Gặp trực tiếp ông Putin để bày tỏ quan điểm và đề nghị làm trung gian hoà giải. Tuy vậy, các quan chức Israel không mấy kỳ vọng về bất kỳ sự đột phá nào trên lĩnh vực ngoại giao của Thủ tướng. Ông thậm chí còn bị phe đối lập trong nước chỉ trích vì tự dính líu vào cuộc xung đột vốn không liên quan tới quốc gia này.

Trong khi ông Bennett liên tục bày tỏ sự ủng hộ của mình đối với người dân Ukraine, trong cuộc bỏ phiếu hôm 2/3 tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc về dự thảo nghị quyết kêu gọi Nga ngừng chiến dịch quân sự tại Ukraine, Israel đã bỏ phiếu thuận. Trong quãng thời gian trước đó, Israel cũng cố gắng không chỉ trích Nga quá gay gắt. 

Sự tham gia vào một cuộc xung đột lớn đang leo thang có thể thổi luồng sinh khí mới vào sự nghiệp chính trị của Thủ tướng Israel.

Ông Esther Lopatin, chuyên gia về các vấn đề châu Âu tại Đại học Tel Aviv, cho biết: “Thủ tướng Bennett đã tự đổi mới chính mình. Ông ấy đang gặp khó khăn trong các cuộc thăm dò dư luận và phải đối mặt với sự chỉ trích của công chúng. Nhưng ông ấy vẫn có thể làm một điều bất ngờ tưởng như không thể”.

“Bãi mìn ngoại giao”

Chú thích ảnh
Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Naftali Bennett phát biểu trong cuộc gặp tại Sochi, Nga, hồi tháng 10/2021. Ảnh: AP

Israel là một trong số ít quốc gia có quan hệ hợp tác tốt với cả Nga và Ukraine. Quốc gia này đã gửi 100 tấn hàng viện trợ nhân đạo để hỗ trợ người dân Ukraine và thông báo sẽ xây dựng một bệnh viện dã chiến tại đây. Ukraine là nơi sinh sống của khoảng 200.000 người Do Thái.

Song mối quan hệ hợp tác giữa Israel với Nga cũng mang tầm quan trọng chiến lược quan trọng. Tel Aviv có nhiều lợi ích trong việc duy trì mối quan hệ với Điện Kremlin ở nhiều phương diện, trong đó có vấn đề tránh đụng độ ở Syria, đàm phán hạt nhân Iran và bảo vệ cộng đồng người Do Thái ở Nga. 

Và là một trong những quốc gia đồng minh phương Tây duy nhất không tham gia lên án công khai đối với Moskva, Israel được coi sẽ là nhà liên kết ngoại giao chính của phương Tây với Điện Kremlin, một vị trí có áp lực cao và khá nhạy cảm.

Cơ hội thành công

Chỉ vài giờ sau khi trở về từ Moskva, trong một cuộc họp Nội các, ông Bennett cho biết Tel Aviv sẽ tiếp tục hỗ trợ nỗ lực tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng Ukraine, ngay cả khi “tỷ lệ thành công không cao”. Thủ tướng Bennett không tiết lộ nội dung chi tiết cuộc đối thoại, nhưng coi nỗ lực trung gian hòa giải của nước này là “nhiệm vụ về mặt đạo đức”. 

Ông Vera Michlin-Shapir - cựu quan chức tại Hội đồng An ninh Quốc gia Israel - cho biết Israel là một quốc gia có mối quan hệ tốt với cả Nga và Ukraine. Tuy nhiên, ông Michlin-Shapir cảnh báo rằng cho dù có thiện chí, Israel không nhất thiết phải nỗ lực ngoại giao để hòa giải một cách hợp lý cho cuộc khủng hoảng phức tạp này. Có thể nhìn vào Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ, những nhà hoà giải lớn hơn trên trường quốc tế, họ vẫn chưa thể ngăn chặn cuộc xung đột này.

Trên tờ Walla News của Israel, nhà phân tích Barak Ravid bình luận: “Một mặt, ông Bennett đã nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế chỉ sau một đêm và đã giành được rất nhiều sự ủng hộ chính trị trong nội bộ Israel. Mặt khác, ông ấy đang chấp nhận rủi ro rất lớn, không chỉ với cá nhân ông với tư cách là một chính trị gia, mà còn với đất nước Israel và vị thế của quốc gia này trên thế giới. Thủ tướng đã lội xuống vũng bùn Ukraine mà hoàn toàn không biết nó sâu bao nhiêu”.

Hải Vân/Báo Tin tức
Tổng thống Nga điện đàm với các nhà lãnh đạo Pháp và Israel về tình hình Ukraine
Tổng thống Nga điện đàm với các nhà lãnh đạo Pháp và Israel về tình hình Ukraine

Ngày 6/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã điện đàm với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Israel Naftali Bennett để làm rõ các thông tin xung quanh chiến dịch quân sự tại Ukraine. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN