Tổng thống Mỹ Donald Trump rõ ràng đã "phớt lờ" cảnh báo của cộng đồng quốc tế, không ngần ngại "đứng riêng một bên" trong vấn đề Iran, bất chấp quan hệ với các đồng minh truyền thống ở châu Âu vì động thái này của Mỹ càng thêm sứt mẻ.
Có thể thấy mục đích của Washington tái áp đặt 2 gói trừng phạt Iran trong vòng 90 ngày và 180 ngày sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử, có tên gọi Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) hồi tháng 5 vừa qua, là nhằm "gây sức ép tối đa về mặt kinh tế" đối với nước Cộng hòa Hồi giáo. Thậm chí, Mỹ còn không ngại ngần công khai quyết tâm "bóp nghẹt" nền kinh tế Iran khi muốn thông qua gói trừng phạt "triệt tiêu" toàn bộ hoạt động xuất khẩu dầu - nguồn thu chủ lực của Tehran.
Dù đây không phải lần đầu tiên Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran, và gói biện pháp đầu tiên này, nhằm vào các giao dịch mua USD, các kim loại quý và các mặt hàng xuất khẩu của Iran, cũng được đánh giá là không mạnh tay bằng gói biện pháp thứ hai có hiệu lực từ ngày 4/11 tới, song trong bối cảnh Tehran đang lâm vào khủng hoảng kinh tế, đây thực sự là "đòn hiểm" của Washington.
Trên thực tế, kể từ tháng 4 đến nay, đồng rial của Iran đã mất giá khoảng 50% do nền kinh tế sa sút trước nguy cơ Mỹ tái áp đặt trừng phạt, lạm phát leo thang, khó khăn tài chính tại các ngân hàng trong nước và nhu cầu của người dân mua đồng USD tăng cao, kéo theo các cuộc biểu tình đường phố.
Nếu hoạt động xuất khẩu dầu bị ngưng trệ và Iran không thể tiếp tục xuất khẩu hơn 2 triệu thùng dầu thô/ngày hoặc giá dầu giảm hơn 70 USD/thùng, chắc chắn Tehran sẽ không đủ tiền để trả lương cho người lao động, nhiều nhà máy sẽ phải đóng cửa và hơn 16 triệu người sẽ lâm vào cảnh thất nghiệp, kéo theo khoảng cách giàu nghèo và nạn đói gia tăng. Áp lực về kinh tế sẽ đe dọa đến sự ổn định chính trị của nước Cộng hòa Hồi giáo.
Hàng loạt doanh nghiệp châu Âu đang hoạt động tại quốc gia Trung Đông này cũng "dính đòn". Ước tính khoảng 50 công ty lớn của châu Âu và quốc tế đang làm ăn với Iran trong ngành thác khí đốt tự nhiên, xuất xưởng máy bay, ô tô sẽ bị ảnh hưởng trong khi 10 đối tác kinh doanh hàng đầu gồm Trung Quốc, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), EU, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thụy Sĩ, Nga và Singapore bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Nhiều doanh nghiệp đã phải chọn giải pháp rút khỏi thị trường Iran.
Các đòn trừng phạt của Mỹ còn tác động tới thị trường dầu khí, do Iran hiện đứng thứ 2 trên thế giới về trữ lượng khí tự nhiên, đứng thứ 4 về trữ lượng dầu thô, đặc biệt nắm giữ lợi thế địa chiến lược khi kiểm soát Eo biển Hormuz - nơi mỗi ngày có tới khoảng 18,5 triệu thùng dầu, chiếm gần 30% tổng dầu xuất khẩu bằng đường biển trên thế giới đi qua.
Theo dự báo của giới phân tích, giá dầu có thể biến động mạnh mẽ khi các nhà sản xuất dầu không có khả năng bù đắp khoản thâm hụt khoảng 2,7 triệu thùng mỗi ngày nếu hoạt động xuất khẩu dầu của Iran xuống còn 0 như Mỹ đã tuyên bố. Trong phiên giao dịch ngày 7/8, giá dầu tại hai sàn giao dịch New York và London đều tăng so với các phiên giao dịch trước.
Đó là chưa kể những hệ lụy đối với an ninh khu vực Trung Đông, khi Iran có thể nối lại hoạt động làm giàu urani cũng như theo đuổi lại chương trình hạt nhân. Nếu điều này xảy ra, căng thẳng giữa Iran - Israel, Iran - Saudi Arabia lại bùng phát, Trung Đông có thể lại thành "chảo lửa" và Mỹ có nguy cơ sa lầy vào một cuộc chiến không có hồi kết như tại Iraq hay Afghanistan.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng Mỹ vẫn có thể bị "gậy ông đập lưng ông" trong chiến lược cứng rắn với Iran. Cựu Phó Giám đốc Văn phòng Tình báo Trung Đông thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ Wayne White khẳng định dù Iran bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt này của Mỹ, song sẽ không bị mất ổn định nghiêm trọng. Bản thân giới chức Iran cũng cho rằng các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ sẽ không ảnh hưởng trầm trọng đến nền kinh tế nước này, bởi Tehran đã quá "có kinh nghiệm" trong việc đối phó với các lệnh trừng phạt của Mỹ từ trong quá khứ.
Trên thực tế thì Iran đã chuẩn bị các "đòn đáp trả" trong trường hợp Mỹ tái áp đặt trừng phạt, từ tìm kiếm những bạn hàng mua dầu lớn như Trung Quốc tới đe dọa phong tỏa eo biển Hormuz nếu nước này bị cô lập trên thị trường dầu toàn cầu. Eo biển địa chiến lược này được coi là một vũ khí đáp trả lợi hại của Tehran bởi nếu Iran đóng cửa Hormuz, thế giới bị thiếu đến 19 triệu thùng dầu mỗi ngày. Tình trạng hỗn loạn trên thị trường dầu thế giới hoàn toàn có thể gây bất ổn nền kinh tế toàn cầu, tác động tiêu cực tới nền kinh tế Mỹ mà đây rõ ràng không phải điều Tổng thống Trump mong muốn trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ.
Trong khi đó, các nước vốn được coi là đồng minh thân cận của Mỹ, đặc biệt là EU, cũng không thể "khoanh tay đứng nhìn" những thành quả của mình bị phá hoại, cũng quyết tâm bảo vệ các doanh nghiệp châu Âu đang làm ăn hợp pháp với Iran, cam kết duy trì các kênh tài chính hiệu quả với Iran, đặc biệt là sẽ tiếp tục mua dầu và khí đốt từ nước này. Phản ứng mạnh mẽ của EU và các nước thành viên bảo vệ thỏa thuận hạt nhân Iran cho thấy Mỹ lại một lần nữa đặt mình vào tình thế bị cô lập.
Chuyên gia John Glaser thuộc Viện Cato cho rằng nếu Mỹ coi các biện pháp trừng phạt là một công cụ để gây sức ép Iran quay trở lại bàn đàm phán nhằm đưa ra một thỏa thuận hạt nhân với các điều khoản chiều theo ý muốn của Tổng thống Trump hơn, thì điều đó sẽ không xảy ra. Còn nếu Nhà Trắng muốn gia tăng áp lực tối đa để cản đường Teheran chế tạo bom nguyên tử, để kiềm chế ảnh hưởng của Iran trong khu vực hay với ý đồ thay đổi chế độ tại quốc gia Hồi giáo này, thì với "sự khôn khéo" đã thể hiện trong suốt quá trình thương lượng với phương Tây về hồ sơ hạt nhân của mình, Tehran hoàn toàn có thể xoay chuyển tình thế. Không chỉ vậy, các biện pháp trừng phạt này có thể càng làm người dân Iran có thêm quyết tâm chống Mỹ, nhất là sau khi họ cảm thấy "bị phản bội" khi Mỹ rút khỏi JCPOA.
Do đó, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump một lần nữa để ngỏ khả năng đưa ra một thỏa thuận hạt nhân mới với Iran, sẵn sàng gặp các nhà lãnh đạo Iran "bất kỳ lúc nào", cũng được đánh giá là cách tiếp cận đa chiều của ông chủ Nhà Trắng trong vấn đề này. Nhiều ý kiến cho rằng Tổng thống Trump chưa hẳn định dồn Iran tới chân tường, mà muốn áp dụng chiến thuật tương tự như với Triều Tiên khi dùng những lời lẽ đao to búa lớn đe dọa đối phương, đẩy căng thẳng leo thang, để rồi dịu giọng, chìa "cành ôliu" tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh.
Thậm chí việc chia các biện pháp trừng phạt thành 2 gói có lẽ cũng nằm trong tính toán của Tổng thống Trump, chừa một "khoảng lặng" để hai bên cùng có thời gian xem xét, đánh giá, cân nhắc trước khi có hành động tiếp theo. Dẫu vậy, còn quá sớm để khẳng định phương thức này sẽ đạt hiệu quả như đã từng áp dụng đối với Bình Nhưỡng, bởi thực tế Iran có tầm ảnh hưởng lớn trong khu vực, trong khi các đồng minh chủ chốt của Mỹ rõ ràng không ủng hộ giải pháp tái trừng phạt Tehran.