Trong nhiều năm qua, các quan chức Mỹ đã “khiêu vũ” cùng với “con rồng châu Á” trong một căn phòng, tránh đề cập đến vấn đề Trung Quốc đang vi phạm các quy tắc và chuẩn mực quốc tế, đặt ra mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh châu Á. Nhưng điều này cuối cùng cũng đã thay đổi. Đó là nhận định của ông Joseph A. Bosco, chuyên gia phân tích cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, từng là nhân viên trong văn phòng của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, hiện đang là giảng viên về mối quan hệ Trung Quốc-Mỹ-Đài Loan tại trường ngoại giao Georgetown. Trong bài bình luận trên mạng tin National Interest có nhan đề "Mối quan hệ Trung - Mỹ: Màn khiêu vũ xung quanh chính sách ngăn chặn", ông Bosco đưa ra một số nhận xét sau:
Trong chuyến công du châu Á gần đây, Tổng thống Mỹ Obama đã phủ nhận rằng sự mở rộng hợp tác quốc phòng của Mỹ với Nhật Bản và Philippines là để ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc: “Mục tiêu của chúng tôi không phải là để chống Trung Quốc”.
Đầu năm nay, Ngoại trưởng Mỹ Kerry đã tới Bắc Kinh và tuyên bố rằng Washington hoan nghênh sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc và không có ý định kiềm chế nước này.
Mỹ xoay trục tới châu Á không phải để răn đe hay kiềm chế Trung Quốc? |
Chủ tịch Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, tướng Dempsey cũng lặp lại lời tuyên bố trên tại cuộc gặp với bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN ở Đối thoại Shangri-La vừa qua và nhấn mạnh rằng hành động của Mỹ trong khu vực không có ý định răn đe hoặc khiến Trung Quốc không hài lòng.
“Đây không phải là một chuyến thăm để kiềm chế Trung Quốc. Chiến lược tái cân bằng tới châu Á-Thái Bình Dương cũng không phải là chiến lược ngăn chặn Trung Quốc. Tổng thống Obama đã nói điều này rất rõ ràng. Ngoại trưởng Kerry cũng đã nói và tôi cũng vậy”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Hagel nhắc lại.
Bất chấp những lời khẳng định và cam đoan trên của Washington, các lãnh đạo của Trung Quốc vẫn không tin vào điều đó. Như ông Dempsey nhận định: “Nói một cách thẳng thắn, tôi nghĩ rằng Trung Quốc có một cái nhìn khác về vấn đề này và tôi biết điều đó”.
Sự tái tập trung tới châu Á của Mỹ được bắt đầu trong 2 năm cuối cùng của chính quyền Tổng thống Bush, sau đó đã được đẩy mạnh và tuyên bố như là chính sách xoay trục/tái cân bằng dưới thời của chính quyền Obama. Tuy nhiên, tác động của các thành tố được tích tụ trong suốt 8 năm qua đã làm xói mòn những cam kết không kiềm chế Trung Quốc của Mỹ.
Những thành tố trong chiến lược tái cân bằng của Mỹ bao gồm: Mở rộng căn cứ, trang thiết bị trinh sát, phòng thủ tên lửa, không quân, hải quân và bộ binh trong khu vực; Làm hồi sinh và tăng cường hợp tác quốc phòng với các đồng minh truyền thống của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Philippines; Hợp tác an ninh với các quốc gia trung lập trong khu vực như Singapore, Indonesia, Malaysia, Việt Nam và Myanmar; Chuyển giao công nghệ và phần cứng quân sự cho các quốc gia ở trên; Khuyến khích tăng cường vai trò an ninh của các quốc gia riêng lẻ, xây dựng các thỏa thuận an ninh song phương, đa phương giữa các nước trong khu vực và với Mỹ.
Quan trọng nhất, Mỹ vạch ra một giới hạn đỏ của riêng mình ở châu Á, tuyên bố lợi ích cốt lõi của Mỹ trong một trật tự khu vực và quốc tế trên cơ sở các nguyên tắc, giải quyết hòa bình các tranh chấp, tự do hàng hải và hàng không.
Ở mỗi giai đoạn phát triển của chiến lược tái cân bằng, Washington đều tìm cách xoa dịu lo ngại của Trung Quốc rằng "Mỹ đang theo đuổi một chính sách ngăn chặn Trung Quốc chứ không phải mục đích duy trì hòa bình". Tổng thống Obama đã phát biểu tại Manila: "Mục tiêu của chúng tôi không phải là để kiềm chế Trung Quốc. Mục tiêu của chúng tôi là để đảm bảo rằng thông lệ quốc tế và các quy tắc phải được tôn trọng, trong đó bao gồm cả vấn đề tranh chấp quốc tế".
Trong nhiều năm qua, các quan chức Mỹ đã “khiêu vũ” cùng với “con rồng châu Á” trong một căn phòng, tránh đề cập đến vấn đề Trung Quốc đang vi phạm các quy tắc và chuẩn mực quốc tế, đặt ra mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh châu Á. Nhưng điều này cuối cùng cũng đã thay đổi. Những tháng gần đây, Mỹ đã tuyên bố rõ ràng: Trung Quốc đang thách thức trật tự quốc tế.
Vượt ra ngoài những lời nói vòng vo trong việc chào đón một "Trung Quốc mạnh mẽ, thịnh vượng và hòa bình", các quan chức chính quyền Mỹ đã thẳng thắn thừa nhận rằng đó không phải là một Trung Quốc mà họ trông đợi. Bây giờ họ thỉnh thoảng cáo buộc Bắc Kinh có hành động "khiêu khích" và "gây hấn" ngay cả khi Mỹ vẫn đang tiếp tục theo đuổi chiến lược mà không dám nói ra tên của nó.
Theo ông Bosco, bằng cách lảng tránh, Bắc Kinh khăng khăng khẳng định rằng tham vọng lãnh thổ và quân sự của họ là hoàn toàn hòa bình và bình thường. Do đó, các quan chức Mỹ cần phải nói cho đối tác Trung Quốc của mình hiểu rằng, trong lĩnh vực an ninh, Mỹ sẽ ngừng chiến lược ngăn chặn Trung Quốc khi nào Bắc Kinh không còn tìm cách đẩy Mỹ ra khỏi châu Á và không theo đuổi tham vọng bá quyền trong khu vực.
Công Thuận (Theo N.I)