Vòng đàm phán gần đây nhất về chương trình hạt nhân của Iran đã bỏ lỡ thời hạn chót 20/7/2014 để đạt được một giải pháp toàn diện và lâu dài nhằm thay thế thỏa thuận tạm thời hiện nay. Theo nhận định của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), mặc dù các bên liên quan đều nhất trí tiếp tục những nỗ lực ngoại giao, nhưng triển vọng đàm phán nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran ngày càng mờ mịt.Vấn đề hạt nhân của Iran ngày càng khó giải quyết. |
Đúng như dự đoán trước đó, nhóm E3+3 gồm Pháp, Đức, Anh cùng Mỹ, Trung Quốc và Nga chỉ có thể thống nhất với Iran rằng thỏa thuận tạm thời sẽ được gia hạn thêm 4 tháng để các bên tìm ra lối thoát bằng ý chí chính trị. Thực tế cho thấy nhóm E3+3 và Iran cũng đã đạt được một số tiến bộ nhất định trong quá trình đàm phán nhưng không thể hàn gắn được bất đồng về quy mô hoạt động làm giàu urani và thời hạn áp đặt các biện pháp kiểm soát. Đó là trở ngại lớn nhất ngăn cản các bên hướng đến một thỏa thuận lâu dài.
Các vòng đàm phán chính thức giữa Iran với 6 nước lớn gần đây cũng đã sôi nổi hơn khi nhiều phương án được đưa ra để thảo luận. Sau khi thông báo về việc kéo dài thỏa thuận tạm thời thêm 4 tháng nữa, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng vòng đàm phán này "đã đạt được tiến triển", nhưng vẫn còn "tồn tại bất đồng lớn". Còn Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif khẳng định cần thiết phải tiếp tục các vòng đàm phán tiếp theo.
Tại vòng đàm phán vừa qua ở Geneva (Thụy Sỹ), Iran đề xuất phương án chuyển đổi nhà máy làm giàu urani Fordow thành cơ sở nghiên cứu hoặc phòng thí nghiệm. Nhà máy này nằm dưới lòng đất khoảng 80 m, sản xuất phần lớn lượng urani được làm giàu ở mức 20% của Iran. Iran cũng sẵn sàng di chuyển 3.000 máy ly tâm lắp đặt tại đây, đồng thời thiết kế lại lò phản ứng Arak để nó chỉ có thể sản xuất khoảng 1kg plutoni/năm, thấp hơn nhiều so với công suất 8 - 12 kg/năm như thiết kế ban đầu. Ông Kerry cho biết các nhà đàm phán khẳng định rằng bất cứ giải pháp lâu dài và toàn diện nào cũng phải gắn với những biện pháp giám sát và kiểm tra kỹ càng. Đó là điều mà phía Iran cũng sẵn sàng thực hiện nhằm củng cố lòng tin.
Bất đồng chủ yếu giữa các bên vẫn là quy mô của chương trình làm giàu mà phía Iran có thể được tiếp tục triển khai. Trong thỏa thuận tạm thời, nhóm E3+3 cũng thừa nhận rằng Iran không thể từ bỏ chương trình làm giàu sau nhiều năm đầu tư tiền của. Tuy nhiên, họ sẽ phải tìm ra biện pháp để hạn chế chương trình này chỉ để phục vụ mục đích dân sự (sản xuất điện hạt nhân), trong đó có phương án giảm khả năng làm giàu hạt nhân của Iran còn khoảng 2.000 máy ly tâm thế hệ đầu tiên (IR - 1) hoặc sẽ niêm phong toàn bộ các máy ly tâm trong một khoảng thời gian nhất định. Các nhà đàm phán cũng bất đồng về thời hạn áp dụng thỏa thuận toàn diện đối với chương trình hạt nhân của Iran. Iran cho rằng họ có thể chứng minh với thế giới về mục đích hòa bình của chương trình hạt nhân trong khoảng thời gian từ 5 - 8 năm. Tuy nhiên, E3+3 khăng khăng rằng các biện pháp giám sát, kiểm tra và hạn chế đối với Iran phải kéo dài ít nhất 20 năm.
Các nhà đàm phán sẽ phải trở về nước để nghiên cứu về những điểm có thể thỏa hiệp. Tuy nhiên, ở Iran lúc này, dư luận tỏ ra chán nản trước những đòi hỏi của phương Tây vốn được cho là "quá vô lý". Người Iran từng tin rằng họ sẽ đạt được thỏa thuận sau những vòng đàm phán vừa qua để giảm bớt sức ép cấm vận của phương Tây, từ đó giúp chính phủ mới khôi phục nền kinh tế. Nếu người dân Iran không còn bất cứ hy vọng nào, thì cả Tổng thống Hassan Rouhani và phương Tây sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng.
Tại Washington DC, một số ý kiến đã đề cập tới việc bổ sung thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran. Thực tế này chứng tỏ các nghị sỹ Mỹ cũng bắt đầu mất kiên nhẫn với tiến trình đàm phán. Giả sử tại cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ vào tháng 11 tới đảng Cộng hòa giành chiến thắng, lúc đó quan hệ giữa Mỹ và Iran sẽ khó tránh khỏi căng thẳng khi lệnh trừng phạt mới được thông qua. Đây chính là lý do giải thích tại sao cả E3+3 và Iran đang phải chạy đua với thời gian dù triển vọng đàm phán rất mờ mịt.
TTK