Đội ngũ của Tổng thống đắc cử Joe Biden hứa hẹn sẽ xem xét toàn bộ các hoạt động trừng phạt, song giới quan sát cho rằng tình hình sẽ không thay đổi đáng kể.
Khoảng 7 tuần trước lễ nhậm chức, những lựa chọn của ông Biden cho các vị trí nội các hàng đầu cho thấy rõ ràng rằng biện pháp cấm vận kinh tế đối với các nước khác sẽ vẫn là một công cụ thiết yếu, ngay cả khi họ không hài lòng về cách ông Trump sử dụng chúng.
"Di sản trừng phạt" của Tổng thống Trump
Ông Adewale "Wally" Adeyemo, người được ông Biden chọn làm Thứ trưởng Bộ Tài chính, đã lên kế hoạch xem xét lại đơn vị Tình báo tài chính và khủng bố (TFI) thuộc Bộ Tài chính. Những người nắm được thông tin về kế hoạch trên cho biết chương trình bao gồm đánh giá các chương trình hiện tại cùng vấn đề biên chế và ngân sách.
Tuy nhiên, theo tờ Bloomberg, việc thừa nhận rằng các lệnh trừng phạt rất quan trọng đã nhấn mạnh vai trò chính yếu của chúng trong cách Mỹ tiến hành chính sách đối ngoại. Theo đó, Washington sẽ sử dụng sức mạnh kinh tế ngang với sức mạnh quân sự để đạt được những gì họ muốn ở nước ngoài, ngay cả khi một số đồng minh thân cận không đồng ý.
Trong khi ông Biden muốn tách biệt khỏi các chính sách của ông Trump nhiều nhất có thể, giới chuyên gia tin rằng vị tổng thống đắc cử này có khả năng theo đuổi cách tiếp cận cứng rắn của người tiền nhiệm trong vấn đề trừng phạt.
Với quyết tâm thúc đẩy cách tiếp cận "Nước Mỹ trên hết" đối với các cuộc khủng hoảng địa chính trị, chính quyền của ông Donald Trump đã đổi mới các hình thức cưỡng chế kinh tế mới, kết hợp giữa cấm vận hàng loạt với thuế quan, hạn chế xuất khẩu và các biện pháp trừng phạt thứ cấp để trừng phạt cả kẻ thù lẫn đồng minh như nhau.
Ông Adam Smith, cựu cố vấn cấp cao tại đơn vị trừng phạt thuộc Bộ Tài chính Mỹ, cho rằng chính quyền ông Trump đã sử dụng các công cụ cấm vận gồm thuế quan, kiểm soát xuất khẩu như một cú đánh kép đối với Trung Quốc và nhiều quốc gia khác. Ông Trump đã trừng phạt kinh tế nước đồng minh Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương là Thổ Nhĩ Kỳ do vụ bắt giữ một mục sư người Mỹ, cũng như đe dọa trừng phạt Đức nếu tham gia dự án đường ống dẫn khí gas Nord Stream 2.
Bất chấp cảnh báo rằng nền kinh tế Trung Quốc quá lớn mạnh cũng như quá liên quan đến Mỹ, ông Trump liên tục ra đòn cấm vận nhằm vào giới chức cùng các công ty của Trung Quốc, trong đó có 14 nhà lập pháp hàng đầu vào hôm 7/12.
Tổng thống Trump cũng đánh bay lời cảnh báo trước đây rằng các biện pháp trừng phạt đơn phương nhằm vào Iran sẽ không hiệu quả, không làm tê liệt nền kinh tế của quốc gia đó nếu không có sự trợ giúp của các đối tác châu Âu.
Ông Smith nói: “Chúng tôi chưa bao giờ thấy một chính quyền nào sử dụng sáng tạo các công cụ trừng phạt đa dạng đó theo cách phối hợp như vậy.
Theo số liệu của hãng luật Gibson Dunn thu thập, dưới thời Tổng thống Trump, Chính phủ Mỹ đã thực hiện trên 3.900 hành động trừng phạt khác nhau. Đặc biệt, số lượng lệnh trừng phạt đã gia tăng đột biến vào năm 2018 do Washington tái áp đặt lại nhiều hình phạt đối với Iran sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân JCPOA năm 2015.
Không chính quyền Mỹ nào trước đây thực hiện quá 700 hành động trừng phạt một năm.
“Tôi rất tự hào về vai trò của Bộ Tài chính và tôi đóng góp trong vấn đề an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại”, Bộ trưởng Steven Mnuchin phát biểu khi được hỏi về chính sách cấm vận hồi tuần trước.
Ông Mnuchin trích dẫn Iran là khu vực mà ông tin rằng chính sách của Chính phủ Mỹ đã phát huy hiệu quả, ngay cả khi không thể khiến nước Cộng hòa Hồi giáo trên quay trở lại bàn đàm phán. “Nếu không có trừng phạt, họ có thể dùng hàng chục tỉ USD để hỗ trợ hoạt động khủng bố, phát triển tên lửa cùng những hoạt động khác tại khu vực”, người đứng đầu Bộ Tài chính Mỹ khẳng định.
Ông Biden sẽ chọn hướng đi nào?
Nhóm cố vấn của ông Joe Biden - từng thận trọng với việc sử dụng chính sách trừng phạt trước khi nhậm chức – vẫn mơ hồ về việc giữ hay dỡ bỏ đối với các lệnh trừng phạt của ông Trump. Tổng thống đắc cử Biden đã kêu gọi các bên quay trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran. Động thái này có thể là tín hiệu cho thấy ông sẽ nới lỏng một số biện pháp trừng phạt.
Tuy nhiên, trong một bài đăng trên CNN hồi tháng 9, ông Biden cho biết chính quyền của ông có thể tiếp tục sử dụng những lệnh cấm vận liên quan vấn đề nhân quyền tại Iran cùng chương trình tên lửa đạn đạo của quốc gia Trung Đông này.
Phát biểu sau khi chính thức được bổ nhiệm ngày 1/12, Thứ trưởng Adeyemo cho biết: “Chúng ta cần tập trung vào vai trò quan trọng của Bộ Tài chính trong việc bảo vệ an ninh quốc gia. Điều này bao gồm việc sử dụng chế độ trừng phạt về tài chính để buộc những kẻ xấu phải chịu trách nhiệm".
Một thử thách mà ông Biden sẽ phải đối mặt là việc các lệnh trừng phạt của Mỹ hiện đã trở nên quá dàn trải và phức tạp đến mức khó thực thi hay quản lý mà không gây nguy cơ phản tác dụng nghiêm trọng đối với nền kinh tế Mỹ.
Đội ngũ của ông Biden tuyên bố nếu sử dụng lệnh trừng phạt, họ sẽ hợp tác với các quốc gia có cùng lợi ích chứ không phải chống lại họ. “Điều tôi hy vọng được trông thấy là một chiến lược tổng thể, hướng tới các liên minh và đối tác đa phương hơn”, ông Ada Szubin, cựu Thứ trưởng Bộ Tài chính phụ trách về Chống khủng bố và Tình báo Tài chính phát biểu tại một hội nghị của Viện An ninh Quốc gia hôm 1/12.
Phương hướng tiếp cận của Washington dưới thời ông Donald Trump trở nên gây hấn hơn với lập luận rằng các doanh nghiệp sẽ phải tuân thủ quy luật của Mỹ cho dù họ thích hay không, bởi lẽ quyền tiếp cận hệ thống tài chính Mỹ quá quý giá đối với họ.
Những lời phàn nàn rằng việc lạm dụng các biện pháp trừng phạt tài chính sẽ làm suy yếu vị thế của đồng USD đã nhanh chóng bị bác bỏ.
Trong bối cảnh ông Biden chuẩn bị nhậm chức, không có mục tiêu trừng phạt nào lớn hơn Iran. Theo Ngoại trưởng Michael Pompeo, Mỹ đã nhắm vào 1.500 người và thực thể tại Iran trong 77 vòng trừng phạt riêng biệt, chiếm phân nửa hành động trừng phạt của Chính quyền Tổng thống Trump.
“Chúng tôi biết chiến lược đang phát huy hiệu quả bởi giờ đây người Iran đang thể hiện mong muốn quay trở lại bàn đàm phán để được nới lỏng cấm vận”, ông Pompeo nói.
Một số chuyên gia về cấm vận nhận định mặc dù các biện pháp trừng phạt của Chính quyền Tổng thống Trump thường có hiệu quả, nhưng đôi khi chúng đóng vai trò quan hệ công chúng nhiều hơn là chính sách kinh tế lành mạnh. Họ không mong đợi chính quyền của ông Biden sẽ lặp lại điều này.
Ông Daniel Fried, trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao đồng thời điều phối vấn đề trừng phạt cho hay: “Tôi không nghĩ chính quyền mới sẽ thu nhỏ quy mô của các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, họ sẽ giảm bớt việc sử dụng sai chúng”.