Tổng thống Trump hoãn thuế, triển vọng kinh tế Mỹ vẫn bấp bênh

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tạm hoãn áp dụng thuế quan đối ứng trong 90 ngày đã phần nào xoa dịu căng thẳng trên thị trường tài chính, nhưng không làm thay đổi bối cảnh kinh tế Mỹ với nguy cơ suy thoái đang gia tăng và lạm phát tiềm ẩn.

Chú thích ảnh
Quang cảnh cảng hàng hóa ở Los Angeles, California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Các mức thuế quan chính đối với Mexico, Canada, Trung Quốc - ba nước chiếm phần lớn hàng nhập khẩu của Mỹ - vẫn được duy trì. Và công chúng, giới đầu tư và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ phải đối mặt với thêm ba tháng bất ổn về thuế quan.

Trong bối cảnh niềm tin kinh tế suy giảm, điều mà các quan chức Fed lo ngại sẽ ảnh hưởng đến chi tiêu và đầu tư, những nhà hoạch định chính sách của Fed vẫn nhận định các mức thuế quan Mỹ đã công bố là một cú đánh vào tăng trưởng kinh tế, đồng thời làm tăng nguy cơ lạm phát cao hơn và đặt chính sách tiền tệ vào tình thế khó khăn.

Các quan chức Fed cho biết các thị trường vẫn đang hoạt động trơn tru, bất chấp những biến động như sự sụt giảm của chứng khoán toàn cầu và sự gia tăng lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ. Các điều kiện tài chính đã thắt chặt hơn và có thể bắt đầu gây áp lực lên nền kinh tế, nhưng các quan chức Fed cho rằng đây là sự điều chỉnh lại bình thường trong dự báo tăng trưởng kinh tế do những thay đổi mạnh mẽ có thể xảy ra trong thương mại quốc tế.

Trước đây, Fed đã từng can thiệp để giảm bớt căng thẳng trên thị trường tài chính, nhưng là trong điều kiện thanh khoản cạn kiệt và giao dịch trên các thị trường trọng điểm có nguy cơ bị dừng hoàn toàn. Còn trong chu kỳ này, ông Jeff Schmid, Chủ tịch chi nhánh Fed tại Kansas City, ngày 10/4 nhận định thị trường dường như đang điều chỉnh khá tốt trước những biến động trong vài tuần qua. Vì vậy, với tư cách là một ngân hàng trung ương, ông cho biết Fed đang theo dõi sát sao các thị trường và sẵn sàng can thiệp nếu cần.

Mặc dù những biến động hiện tại chưa khiến các quan chức Fed lo lắng, nhưng việc ông Trump rút lại quyết định áp thuế đối ứng với hàng chục quốc gia cũng không làm thay đổi quan điểm của họ rằng các biện pháp đã công bố và vẫn đang được áp dụng sẽ làm chậm nền kinh tế, dẫn đến cả tình trạng thất nghiệp và giá cả tăng cao.

Trong bài phát biểu tại sự kiện của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson về thương mại và nhập cư, bà Lorie Logan, Chủ tịch chi nhánh Fed tại Dallas, cho biết để đạt được cả hai mục tiêu kép của Fed một cách bền vững, điều quan trọng là phải ngăn không để bất kỳ sự gia tăng giá cả nào liên quan đến thuế quan khiến lạm phát dai dẳng hơn. Hiện tại, bà tin rằng lập trường chính sách tiền tệ của Fed đang ở vị thế tốt.

Trong số liệu mới nhất, Bộ Lao động Mỹ ngày 10/4 công bố báo cáo cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này trong tháng 3/2025 tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, giảm so với mức 2,8% của tháng Hai. Đây là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 9/2024, cho thấy đà tăng giá tiêu dùng đang có dấu hiệu chững lại.

Mặc dù lạm phát đang có xu hướng hạ nhiệt, song các chuyên gia kinh tế cảnh báo cảnh báo áp lực giá cả có thể gia tăng trong thời gian tới. Nguyên nhân là do loạt biện pháp thuế quan mới mà Tổng thống Trump áp đặt, bao gồm mức thuế đối với nhôm, thép, ô tô nhập khẩu cùng nhiều mặt hàng khác từ Mexico cũng như mức thuế cơ bản 10% đối với tất cả hàng hóa của các đối tác thương mại. Mặc dù mức thuế đối ứng với hàng chục đối tác thương mại của Mỹ đã được tạm hoãn trong 90 ngày, nhưng các chuyên gia cho rằng vẫn khó đảo ngược xu hướng tăng chi phí nhập khẩu.

Phát biểu tại một cuộc họp của Câu lạc bộ Kinh tế New York, Chủ tịch chi nhánh Fed tại Chicago, ông Austan Goolsbee, cho biết không có một quy tắc ứng phó chung nào dành cho ngân hàng trung ương khi đối mặt với chính sách thuế quan mà Chính phủ Mỹ đang theo đuổi. Bởi lẽ, chính sách này có nguy cơ tạo ra xung đột giữa hai mục tiêu kép của Fed: lạm phát ổn định ở mức 2% và tỷ lệ thất nghiệp thấp.

Thông thường, lạm phát tăng sẽ được đối phó bằng chính sách tiền tệ thắt chặt, còn tỷ lệ thất nghiệp tăng sẽ được giải quyết bằng cách nới lỏng tín dụng. Tuy nhiên, tình hình hiện tại có thể buộc Fed phải hy sinh một trong hai mục tiêu để tập trung vào mục tiêu được xem là quan trọng hơn tại thời điểm đó.

Việc ông Trump tạm hoãn áp thuế đối ứng gần như không làm thay đổi quan điểm của Fed, khi các nhà hoạch định chính sách dường như sẵn sàng giữ nguyên lãi suất cho đến khi có cái nhìn rõ ràng hơn về hướng đi của nền kinh tế. Và thị trường tài chính cũng chưa thể trở lại trạng thái bình thường.

Chú thích ảnh
Giao dịch viên tại sàn chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm và 30 năm đã tăng lên trong hai phiên 9-10/4. Một số nhà phân tích cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy thị trường đang dần mất niềm tin vào triển vọng tăng trưởng của Mỹ.

Bên cạnh đó, trong phiên 10/4, thị trường chứng khoán đã đánh mất phần lớn mức tăng ấn tượng của phiên trước đó. Mức chênh lệch lãi suất mà các công ty có độ tín nhiệm thấp phải trả khi vay vốn chỉ giảm nhẹ, trong khi mức phí bảo hiểm rủi ro cho trái phiếu hạng cao lại tăng lên đôi chút.

Ngoài ra, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp có nguy cơ chững lại, khi các công ty có độ tín nhiệm cao nhất chỉ huy động được 10 tỷ USD trong tháng Tư này, so với mức 190 tỷ USD trong cùng kỳ tháng Ba.

Chi phí đi vay của doanh nghiệp tăng cao và việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp chậm lại nói trên có thể báo hiệu sự sụt giảm trong chi tiêu đầu tư sắp tới. Đồng thời, đây cũng có thể là dấu hiệu báo trước những khó khăn cho các doanh nghiệp yếu khi họ phải vật lộn để tái cấp vốn hoặc trang trải chi phí nợ vay cao hơn.

Trả lời phỏng vấn Reuters đầu tuần này, Chủ tịch chi nhánh Fed tại St. Louis, ông Alberto Musalem, cho biết các điều kiện tài chính đã thắt chặt hơn đáng kể. Theo ông, nếu kéo dài, tình trạng này có thể cản trở tăng trưởng kinh tế.

Khánh Ly (TTXVN)
Sau 'cú phanh' thuế quan của Tổng thống Mỹ: Ai là mục tiêu kế tiếp?
Sau 'cú phanh' thuế quan của Tổng thống Mỹ: Ai là mục tiêu kế tiếp?

Trong những ngày gần đây, kinh tế thế giới đã trải qua nhiều biến động sau những thông báo của Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đã quyết định tạm dừng việc áp dụng thuế quan mới trong 90 ngày.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN