Tổng thống Putin khó khăn trong vấn đề Ukraine

Các thay đổi chính trị tại Ukraine, nơi phe thân châu Âu vừa lên nắm quyền, đã đặt Tổng thống Nga Vladimir Putin trước những lựa chọn cực kỳ khó khăn. Hiện ông Putin đang phải đối mặt với điều có thể trở thành thách thức lớn nhất trong thời gian cầm quyền của ông, đó là: ông sẽ phải phản ứng như thế nào trước cuộc chính biến ở Ukraine, đất nước mà ông coi là mang tính sống còn đối với lợi ích của Nga, là nơi sinh sống của hàng triệu người nói tiếng Nga và là nơi đặt một căn cứ hải quân lớn của Nga?

Việc Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych bị Quốc hội phế truất đã khiến cho Nga mất đi một đồng minh chủ chốt - nhân vật có thể giúp Moskva kìm giữ Ukraine trong vòng ảnh hưởng của mình. Giấc mộng của ông Putin thành lập một không gian kinh tế rộng lớn, bao gồm các nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc và Mỹ có thể tan thành mây khói. Đối với Moskva, việc chạy đua với Liên minh châu Âu (EU) để giữ Ukraine trong vòng ảnh hưởng của mình chứa đựng nhiều rủi ro.

Hàng nghìn người Ukraine ủng hộ chính sách thân Nga tuần hành tại thành phố cảng miền nam Sevastopol hôm 23/2. Ảnh: TTXVN


Tháng 12/2013, Nga đã chấp nhận viện trợ 15 tỷ USD và giảm 30% giá bán khí đốt cho Ukraine sau khi Tổng thống Yanukovych từ chối ký hiệp định liên kết với châu Âu. Giờ đây, Moskva khó có thể làm gì hơn thế. Các biện pháp mạnh tay hơn nữa như kiểm soát các vùng nói tiếng Nga ở phía Đông Ukraine có thể làm dấy lên một cuộc xung đột nguy hiểm hơn. Nếu Moskva công khai hậu thuẫn các nhóm có khuynh hướng li khai ở bán đảo Crưm (Crimea) của Ukraine - nơi đặt căn cứ của Hạm đội Hắc Hải của Nga, động thái này sẽ làm gia tăng sự thù địch nghiêm trọng chưa từng thấy ở châu Âu kể từ sau cuộc chiến Balkan.

Nhưng mặt khác, nếu phớt lờ sự thỉnh cầu giúp đỡ từ các nhóm thân Nga ở Ukraine sẽ phá hỏng hình ảnh của ông Putin như một nhà lãnh đạo cứng rắn luôn sẵn sàng đối đầu với phương Tây và làm xói mòn sự ủng hộ của phe bảo thủ dành cho ông ở ngay tại chính nước Nga - nơi các kẻ thù của ông có thể được kích động bởi sự việc xảy ra ở Ukraine. Do phải đối mặt với những rủi ro cao như vậy nên ông Putin vẫn giữ im lặng về vấn đề Ukraine và có lẽ ông đang cân nhắc các phương án lựa chọn của mình. Tuy nhiên, ông đã điện đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Trong khi đó, những người biểu tình tại Quảng trường Độc lập ở thủ đô Kiev lo lắng muốn biết xem ông Putin sẽ phản ứng ra sao. Một người biểu tình ở Quảng trường Độc lập nói với hãng tin Reuters: “Tất cả chúng tôi đều biết ông Putin muốn can thiệp (vào tình hình Ukraine). Nếu ông ta quyết định tìm cách chiếm các vùng như Crưm hoặc các vùng khác ở phía Đông, chúng tôi sẽ tới đó chiến đấu. Chúng tôi không cho phép Ukraine bị phân chia thành hai”. Tuyên bố này minh họa cho những thách thức to lớn đối với ông Putin trong vấn đề Ukraine tại thời điểm ông đang tìm cách cứu vãn thể diện trong ván cờ địa chính trị đang diễn ra tại Ukraine. Trong ván cờ này, chỉ cách đây vài ngày, ông vẫn ở thế mạnh và có nhiều khả năng giành thắng lợi.

Ngày 23/2, chính quyền Washington đã cảnh báo việc đưa quân Nga vào Ukraine sẽ là “một sai lầm nghiêm trọng”. Ukraine đang ở bên bờ vực thẳm về kinh tế. Một trong những phương tiện mà Moskva có thể sử dụng để giữ Kiev trong quỹ đạo của mình là ngừng viện trợ tài chính. Trong những ngày qua, Nga đã nhiều lần nêu ra khả năng này. Một biện pháp khác để Nga gây áp lực là nâng mức thuế nhập khẩu đánh vào các mặt hàng của Ukraine. Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Silouanov đã tuyên bố rằng đối với gói viện trợ tài chính 15 tỷ USD mà Moskva đã hứa, khoản giải ngân thứ hai trị giá 2 tỷ USD sẽ bị hoãn cho tới khi chính phủ mới được thành lập tại Kiev. Đáp lại, ông Olli Rehn - Ủy viên châu Âu phụ trách kinh tế và tiền tệ - hứa sẽ cung cấp một khoản viện trợ quan trọng cho Ukraine nếu tân chính phủ nước này hướng sang phía Tây thay vì quay sang phía Đông. Còn Ngoại trưởng Anh William Hague nhấn mạnh: “Nếu có một kế hoạch trợ giúp kinh tế, thì điều cơ bản là Nga không được có những động thái có thể phá hỏng kế hoạch này”.

Mặc dù ông Putin đến nay chưa đưa ra phát biểu công khai nào về tình hình Ukraine, song nếu quan sát kỹ có thể thấy tín hiệu về sự phản ứng của Nga, đó là vào ngày 22/2, Moskva đã cử nghị sỹ Alexei Pouchkov - một người trung thành với ông Putin - tới dự cuộc họp của lãnh đạo các vùng nói tiếng Nga tổ chức ở Kharkov, miền Đông Ukraine. Lãnh đạo của các vùng này tuyên bố không thừa nhận các quyết định của Quốc hội Ukraine. Điều này càng làm tăng nguy cơ tan rã Ukraine nếu ông Putin có ý đồ sáp nhập các vùng phía Đông Ukraine vào Nga.

Nếu Ukraine quay hẳn sang châu Âu, dự án thành lập Liên minh Âu-Á của ông Putin coi như sụp đổ, vì Ukraine là một thị trường rộng lớn và có nhiều tài nguyên. Câu hỏi chính hiện nay là liệu ông Putin có chấp nhận để điều này xảy ra hay không? Theo nhận định của giới phân tích, chắc chắn Nga sẽ có phản ứng và không dễ gì có chuyện Nga để Ukraine ra khỏi quỹ đạo của mình.

Trong bối cảnh căng thẳng ngày càng leo thang, hy vọng lớn nhất của ông Putin về một thỏa thuận hòa bình liên quan đến lợi ích của Nga ở Ukraine dường như đang đặt vào cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko - người vừa được phóng thích hôm 22/2 sau hơn hai năm ngồi tù. Khả năng thu phục quần chúng, tham vọng mạnh mẽ và các kỹ năng chính trị tuyệt vời của bà có thể giúp bà đắc cử tổng thống trong cuộc bầu cử sớm vào tháng 5 tới.

Ông Putin, người từng có mối quan hệ tốt đẹp với cựu Thủ tướng Ukraine Tymoshenko, có thể hy vọng về một thỏa thuận với bà Tymoshenko để bảo vệ các lợi ích của Nga mà không phải sử dụng đến vũ lực. Stanislav Belkovsky, từng là cố vấn chính trị cho Điện Kremlin và từng làm việc ở Ukraine, nói: "Nếu bà Tymoshenko lên nắm quyền lãnh đạo, ông Putin sẽ rất hài lòng. Họ hiểu nhau khá rõ. Ông Putin có quan hệ tốt với bà Tymoshenko và chiến thắng của bà sẽ có lợi cho ông Putin".


TTK
Ukraine khởi động bầu cử tổng thống trước thời hạn
Ukraine khởi động bầu cử tổng thống trước thời hạn

Trong phiên họp toàn thể 24/2 với nhiều nghị sĩ thuộc Đảng "Các khu vực" vắng mặt, Quốc hội Ukraine đã thông qua quyết định chi 1,96 tỷ grivna (khoảng 218 triệu USD) cho cuộc bầu cử tổng thống trước thời hạn được ấn định vào ngày 25/5 tới.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN