Tổng thống Pháp 'mắc bẫy' do Obama chùn bước

Là nước duy nhất muốn cùng Mỹ trực tiếp can thiệp vào Syria, Pháp hiện đang rơi vào một tình thế hết sức phức tạp sau quyết định "quay ngoắt" của Tổng thống Barack Obama.

Sự hăng hái muốn nhanh chóng cùng Mỹ trừng phạt chế độ Damascus của Tổng thống Pháp Francois Hollande đã bị dội gáo nước lạnh sau khi người đồng nhiệm bên kia Đại Tây Dương đường đột quyết định “tham khảo ý kiến” của Quốc hội về việc triển khai một kế hoạch quân sự mới mà tới tận ngày 9/9 tới mới là thời điểm diễn ra kỳ họp đầu tiên.

Tổng thống Pháp Francois Hollande (trái) gặp lãnh đạo Liên minh Dân tộc đối lập Syria Ahmed Al-Jarba, ngày 29/8/2013. Ảnh: AFP/TTXVN


Về đối nội, bản thân ông Hollande cũng đang đối mặt với sức ép ngày càng tăng của phe đối lập khi ngày càng nhiều thành viên chủ chốt của cánh hữu đòi tiến hành bỏ phiếu tại Quốc hội chứ không đơn thuần là dừng ở các cuộc tranh luận “vô bổ” dự kiến diễn ra ngày 4/9 này. Theo báo "Le Figaro" ngày 2/9, khác với trường hợp cuộc can thiệp quân sự tại Mali, nhiều thành viên trong phe đối lập Pháp, đứng đầu là Đảng Liên minh vì Phong trào Nhân dân (UMP), đã bày tỏ thái độ quan ngại hoặc do dự đối với hành động quân sự nhằm “trừng phạt” chế độ Assad của Mỹ và Pháp.

Nhiều thành viên cánh hữu kêu gọi Tổng thống Hollande noi theo tấm gương của người đồng nhiệm Mỹ Obama. Trong số này, Chủ tịch Đảng Cấp tiến Jean-Louis Borloo đã lớn tiếng yêu cầu tiến hành bỏ phiếu trong Quốc hội Pháp ngay sau khi ông Obama tuyên bố ý định cho bỏ phiếu tại Quốc hội Mỹ về quyết định tấn công Syria. Chủ tịch Đảng Phong trào Dân chủ (MoDem) François Bayrou, cựu ứng cử viên tổng thống năm 2012 Nicolas Dupont-Aignan và chủ tịch nhóm UMP trong Quốc hội Christian Jacob, cũng đưa ra các yêu cầu tương tự.

Cựu Thủ tướng François Fillon cho rằng nước Pháp “không thể hành động bộp chộp và theo đuôi một kẻ khác, kể cả khi đó là đồng minh hay bạn hữu Mỹ”. Theo ông, Tổng thống Hollande cần phải cân nhắc kỹ lưỡng “các mối nguy hiểm” của việc can thiệp quân sự trong bối cảnh “khu vực đang là một kho thuốc súng”, và có một loạt điều kiện mà ông Hollande cần phải đáp ứng trước khi đưa ra bất kỳ quyết định can thiệp nào.

Trong số đó, yêu cầu tiên quyết hàng đầu mà cả cựu Thủ tướng Fillon và ông Jean-Louis Borloo đặt ra là phải cung cấp các bằng chứng xác thực cho thấy sự dính líu trực tiếp của chính quyền Damascus trong việc sử dụng vũ khí hủy diệt. Trong khi đó, Chủ tịch UMP Jean-François Copé tỏ thái độ không hài lòng khi không nhận được “các thông tin cần thiết” và cho rằng ông Hollande đã “cố tình từ chối gặp gỡ” lãnh đạo các đảng để làm sáng tỏ vấn đề can thiệp quân sự ở Syria.

Tuy nhiên, những người ủng hộ Tổng thống Hollande vẫn tỏ ra rất quyết tâm thúc đẩy một cuộc tấn công quân sự. Khác với chiến dịch can thiệp quân sự nhằm vào Mali, lần này Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius đã nhanh chóng xuất hiện “ở tuyến đầu” trên mặt trận quốc tế ngay sau có tin về các vụ tấn công hủy diệt tại Syria, với những tuyên bố dõng dạc yêu cầu hành động trừng phạt bằng sức mạnh. Ngoại trưởng Fabius liên tục "hăm dọa" chế độ Assad bằng sức mạnh của niềm tin và lý lẽ đạo đức.

Tương tự, trước các Đại sứ tại một buổi gặp mặt thường kỳ tại Paris, Tổng thống Hollande cũng “rút vũ khí đạo đức ra đe dọa” trừng phạt, với các lập luận kín kẽ về sự cần thiết phải có một hành động đáp trả “tương xứng”. Trong khi đó, theo giới chức Pháp, Bộ trưởng Quốc phòng nước này hiện cũng đang tỏ ra rất tích cực và "hào hứng" trong công tác chuẩn bị cho một cuộc can thiệp quân sự với các "bằng chứng" có được về hành vi sử dụng các loại vũ khí không thông thường trong cuộc xung đột tại Syria.

Tuy nhiên, các nhà chức trách Pháp có vẻ vẫn chưa thể hình dung về diễn biến có thể xảy ra trong trường hợp Quốc hội Mỹ thẳng thừng bác bỏ đề xuất can thiệp vào Syria. Thậm chí, ngay cả trong trường hợp cuộc tấn công này được phép diễn ra trong một khuôn khổ nào đó, kể cả có sự bảo trợ của LHQ, thì câu hỏi "Tấn công để làm gì?" vẫn tiếp tục tồn tại và không thể lảng tránh.

Tại Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại Saint-Pétersbourg giữa tuần này, giới quan sát cho rằng “trong tình trạng vừa chân ướt chân ráo được phong là đồng minh tốt nhất” của Washington, ông Hollande chắc chắn sẽ phải đau đầu tìm cách né tránh những xung đột qua lại trong vấn đề Syria giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Nga. Chủ tịch Tiểu ban An ninh và Quốc phòng Nghị viện châu Âu (Strasbourg) Arnaud Danjean nhận định rằng Tổng thống Obama đang chơi một ván bài chiến thuật, đó là khai thác cánh cửa ngoại giao tại Hội nghị G20.

Nghị sĩ châu Âu này cho rằng: “Do không muốn bị Mỹ qua mặt như trong trường hợp Kosovo trước đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể lại nhắc tới một hội nghị quốc tế mà trước đó phe nổi dậy Syria đã nhiều lần từ chối”. Ông cho rằng có thể đây sẽ là một lối thoát mà Tổng thống Hollande nên cân nhắc thay vì nhất nhất làm theo Mỹ để tránh rơi vào thế bị động.


TTK

Những bệnh nhân vượt biên trong vô thức ở Syria
Những bệnh nhân vượt biên trong vô thức ở Syria

Dẫu được một người lạ đu đưa trong vòng tay và dỗ dành nhưng bé gái Syria 3 tuổi vẫn kêu khóc gọi “mẹ ơi” liên hồi. Cô bé được mang từ Syria đến bệnh viện ở Israel với gương mặt đen nhẻm, hậu quả của một quả bom lửa hoặc bom tự chế.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN