Tổng thống Mỹ đột ngột đổi giọng về NATO, tính bước ‘tàn khốc’ với Triều Tiên

Không lâu sau khi Triều Tiên phóng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) đầu tiên có thể vươn tới Mỹ, Tổng thống Donald Trump ngày 7/7 đã bất ngờ quay sang ủng hộ điều khoản các thành viên NATO bảo vệ lẫn nhau trong trường hợp bị tấn công, đồng thời cho biết đang toan tính các bước “tàn khốc” với Bình Nhưỡng.

Ủng hộ Điều 5

Phát biểu tại thủ đô Warsaw của Ba Lan, ông Trump bảo vệ quan điểm các thành viên NATO cần đóng góp tài chính nhiều hơn. Sau đó, ông tuyên bố ủng hộ Điều 5, trong đó đảm bảo các nước đồng minh sẽ bảo vệ lẫn nhau trong trường hợp xảy ra một vụ tấn công nhằm vào một nước thành viên NATO.


Ông Trump tuyên bố: “Tôi muốn chỉ ra là Mỹ đã chứng minh không chỉ bằng lời nói mà còn hành động rằng chúng tôi ủng hộ chắc chắn Điều 5 về cam kết bảo vệ lẫn nhau”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ ủng hộ Điều 5. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo kênh CNBC (Mỹ), phát biểu này trái hẳn với những gì ông đã thể hiện trong chuyến thăm châu Âu lần trước, khi đó ông không đả động tới việc ủng hộ Điều 5, khiến các lãnh đạo châu Âu bất an.


Trước đây, NATO mới sử dụng Điều 5 một lần sau khi Mỹ bị khủng bố ngày 11/9/2001. Khi đó, các nước NATO đã bảo vệ Mỹ bằng cách đưa binh sĩ tới Afghanistan và các nơi khác để diệt trừ khủng bố.


Sau khi có bài phát biểu trên, tại cuộc họp báo cùng ngày tại Warszawa với Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda, ông Trump nhận định Triều Tiên là một mối đe dọa và “họ đang hành xử rất, rất nguy hiểm”.


Ông cam kết sẽ xử lý Triều Tiên “rất mạnh mẽ” sau khi Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) đầu tiên vào ngày 4/7. Ông Trump cũng kêu gọi các quốc gia chứng tỏ với Bình Nhưỡng rằng sẽ có hậu quả đối với chương trình vũ khí hạt nhân.


Toan tính với Triều Tiên


Ông Trump cho biết đang tính tới “những điều tàn khốc” dành cho Triều Tiên nhưng khẳng định sẽ không vạch “giới hạn đỏ” giống như người tiền nhiệm Barack Obama.

Ông Trump có nhiều toan tính mạnh mẽ với Triều Tiên. Ảnh: Getty

Theo bình luận của hãng tin Reuters (Anh), vấn đề Triều Tiên có lẽ là thách thức chính sách ngoại giao lớn nhất của ông Trump cho tới nay và gây áp lực lên mối quan hệ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông Trump đã thất bại trong hối thúc ông Tập Cận Bình kiềm chế Triều Tiên.


Toan tính “điều tàn khốc” của ông Trump được đưa ra sau khi Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley đã hối thúc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đưa ra các biện pháp trừng phạt mới và nói nếu Nga, Trung Quốc không ủng hộ động thái này, “chúng tôi sẽ tự làm theo cách của mình”.


Bà Haley phát biểu trước cuộc họp tại Hội đồng Bảo an rằng Mỹ sẽ trình dự thảo nghị quyết trong vài ngày nữa để đưa ra phản ứng quốc tế phù hợp với tình hình gia tăng căng thẳng mà Triều Tiên gây ra. Bà cảnh báo Mỹ có lựa chọn nếu ngoại giao thất bại.


Bà nói: “Mỹ sẵn sàng sử dụng đầy đủ năng lực để bảo vệ bản thân và đồng minh. Một trong những năng lực của chúng tôi liên quan tới lực lượng quân sự đáng kể. Chúng tôi sẽ sử dụng các lực lượng này nếu chúng tôi phải làm thế, nhưng chúng tôi ưu tiên lựa chọn không phải đi theo hướng đó hơn”.


Nữ đại sứ Mỹ còn nhấn mạnh Washington đang tính trừng phạt bất kỳ quốc gia nào làm ăn với Triều Tiên. Bình luận của bà Haley được cho là nhằm vào Nga và Trung Quốc.


Ngày 6/7, Nga đã chặn một tuyên bố chỉ trích vụ phóng tên lửa ICBM của Triều Tiên, còn Trung Quốc thì kêu gọi kiềm chế và nói rõ không muốn bị Mỹ trừng phạt. Thứ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc Zhu Guangyao nói: “Mỹ không nên dùng luật nhà làm cái cớ để trừng phạt các thể chế tài chính Trung Quốc”.


Trung Quốc đã khiến ông Trump giận dữ vì không kiềm chế Triều Tiên, khiến ông phải tung ra câu tweet ngày 5/7: “Thương mại giữa Trung Quốc và Triều Tiên tăng gần 40% trong quý đầu tiên. Quá nhiều để Trung Quốc hợp tác với chúng ta. Nhưng chúng ta phải thử”.


Trong bài phát biểu tại Ba Lan, dù không nhắc tới Trung Quốc nhưng rõ ràng là ông có ám chỉ tới nước này.


Một số nhà ngoại giao Mỹ nói rằng Trung Quốc không thực thi đầy đủ các biện pháp trừng phạt quốc tế nhằm vào Triều Tiên, không sử dụng các biện pháp mạnh tay như cấm vận dầu mỏ, cấm hãng hàng không và công nhân Triều Tiên, cấm các ngân hàng, doanh nghiệp Trung Quốc làm ăn với Triều Tiên.


Trong khi ông Trump và bà Haley đều tính tới biện pháp mạnh tay thì Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis lại có vẻ mềm mỏng hơn. Ông cho rằng thử tên lửa không kéo các bên tới gần chiến tranh hơn, đồng thời nhấn mạnh Mỹ tập trung vào nỗ lực ngoại giao để gây sức ép với Triều Tiên.


Thùy Dương/Báo Tin Tức
Bắt đầu hội đàm thượng đỉnh Mỹ-Nga bên lề Hội nghị G20
Bắt đầu hội đàm thượng đỉnh Mỹ-Nga bên lề Hội nghị G20

Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đang có cuộc gặp song phương đầu tiên bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Hamburg (Đức), được kỳ vọng như một cuộc gặp “thay đổi vận mệnh thế giới”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN