Việc theo đuổi một chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên – bao gồm cả lần phóng thử ICBM đầu tiên hôm 4/7 – được dựa trên những gì nước này tin là một loạt các mục tiêu hợp lý.
Mục đích quan trọng nhất trong số đó là tự bảo vệ. Quốc gia này tuyên bố muốn sở hữu một quả bom hạt nhân sau khi chứng kiến những gì xảy ra khi chính quyền Iraq và Libya bị lật đổ bởi các biện pháp can thiệp của phương Tây. Vì thế, Bình Nhưỡng muốn ngăn chặn các nhân tố khác, cụ thể là chính quyền của Tổng thống Donald Trump, khỏi việc lật đổ chế độ của nước này.
Ông Kim Jong-un chúc mừng các nhà khoa học và kỹ thuật viên của Học viện Khoa học quân sự Triều Tiên sau vụ thử thành công ICBM Hwasong-14 ngày 4/7. Ảnh: KCNA |
NBC News dẫn lời nhà nghiên cứu cấp cao tại trung tâm cố vấn Chatham House ở London (Anh) cho biết: “Triều Tiên đã học được bài học từ Libya và Iraq rằng cách chắc chắn để ngăn chặn một cuộc tấn công là có vũ khí hủy diệt hàng loạt, hơn là chỉ khoe khoang về nó”.
Tháng 1/2016, Triều Tiên thừa nhận rằng sự kiện ở hai nước Trung Đông Iraq và Libya là một nguyên nhân chính để đẩy nhanh chương trình vũ khí của nước này.
“Lịch sử chứng minh rằng sự răn đe hạt nhân mạnh mẽ đóng vai trò như một thanh gươm quý giá nhất để chống lại sự xâm lăng từ bên ngoài”, theo như một bài đăng trên hãng thông tấn Triều Tiên KCNA, “chế độ Saddam Hussein ở Iraq và Gaddafi ở Libya không thể nào trốn thoát khỏi số phận tàn vong sau khi bị tước bỏ các nền tảng của họ trong việc phát triển hạt nhân và từ bỏ các chương trình hạt nhân theo chính ý muốn”.
Trong khi đó, Bình Nhưỡng biết rằng chính quyền Trump sẽ không loại trừ một biện pháp quân sự đối với vấn đề trên Bán đảo Triều Tiên. Chấm dứt chính sách kiên nhẫn chiến lược từ thời Tổng thống Barack Obama, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hồi tháng 3 từng tiết lộ rằng một hành động quân sự đã được chuẩn bị sẵn sàng.
Nếu như mối đe dọa của một cuộc xung đột bị giới hạn ở Đông Bắc Á không đủ ngăn chặn Mỹ tấn công thì khả năng Triều Tiên tấn công Bờ Tây của nước Mỹ lại có thể. Trong chiều hướng này,
phát triển một quả ICBM “là một bước đi hợp lý và có thể đoán trước cho chương trình quân sự của Triều Tiên”, theo lời của bà Andrea Berger – chuyên viên cấp cao tại Viện nghiên cứu Quốc tế Middlebury tại California.
“Bình Nhưỡng tin rằng việc nắm giữ các mục tiêu lục địa Mỹ là cần thiết để ngăn cản nước này bắt đầu thay đổi chế độ hoặc khỏi dính vào một cuộc xung đột khởi đầu bằng những cách khác”, bà Berber nói.
Tổng thống Trump và đội ngũ của mình đã chọn đường lối hiếu chiến hơn so với người tiền nhiệm Obama, khi Ngoại trưởng Tillerson từng tuyên bố các nỗ lực ngoại giao trong 20 năm qua đều “thất bại”.
Nếu như việc tìm kiếm tự vệ thông qua một biện pháp răn đe hạt nhân của Triều Tiên lại kích động Nhà Trắng quyết tâm thay đổi chính quyền Kim Jong-un thì các hành động này quả kém khôn ngoan.
Tuy nhiên một số chuyên gia, chẳng hạn như Nilsson-Wright, tin rằng sau khi Mỹ cân nhắc các hậu quả nặng nề có thể xảy ra, chiến tranh với Triều Tiên là điều không có thực.
“Tôi sẽ ngạc nhiên nếu ông Trump thực sự nghĩ về một hành động quân sự. Các cố vấn của ông sẽ nói với ông rằng một cuộc xung đột sẽ gây tàn phá khắp bán đảo”, Nilsson-Wright nhận định.