Theo kế hoạch được hai bên nhất trí tại cuộc đối thoại cấp cao liên Triều ngày 29/3, để chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ gặp nhau tại Nhà Hòa bình ở phía Nam làng đình chiến Panmunjom.
Trưởng đoàn đàm phán Hàn Quốc, Bộ trưởng Bộ Thống nhất Cho Myoung-gyon nêu rõ, hội nghị thượng đỉnh này sẽ là mở đầu cho một hành trình lớn hướng tới phi hạt nhân hóa và mang lại hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên, cũng như sự phát triển của quan hệ hai miền. Trong khi đó, người phát ngôn Phủ Tổng thống Hàn Quốc Kim Eui-kyeom bày tỏ hy vọng cuộc gặp thượng đỉnh này có thể trở thành một cơ hội đột phá nhằm thiết lập hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Kể từ khi ký hiệp định đình chiến năm 1953, hai miền Triều Tiên mới chỉ tổ chức hội nghị thượng đỉnh liên Triều 2 lần vào các năm 2000 và 2007.
Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Cho Myoung-gyon (trái) và Chủ tịch Ủy ban Thống nhất Hòa bình Triều Tiên Ri Son-gwon tại cuộc đối thoại cấp cao liên Triều ở làng đình chiến Panmunjom ngày 29/3. Ảnh: YONHAP/TTXVN |
Về phần mình, Trưởng đoàn đàm phán Triều Tiên ông Ri Son Gwon cho rằng "trong 80 ngày qua, nhiều sự kiện chưa có tiền lệ trong quan hệ hai miền Triều Tiên đã diễn ra". Trên thực tế, đây là diễn biến mới nhất trong một loạt những chuyển biến tích cực từ đầu năm đến nay giữa hai miền, khởi đầu bằng thông điệp chào mừng Năm mới 2018 đầy bất ngờ của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Trong thông điệp này, ông Kim Jong-un cho biết Bình Nhưỡng sẵn sàng đối thoại với Seoul về khả năng tham gia Thế vận hội (Olympic) mùa Đông Pyeongchang 2018, đồng thời cho rằng hai miền Triều Tiên cần cải thiện quan hệ. Đáp lại, Tổng thống Hàn Quốc đã ngay lập tức hưởng ứng và tích cực xúc tiến các biện pháp xây dựng lòng tin, như tuyên bố không tiến hành các cuộc tập trận chung với Mỹ trong thời gian diễn ra Olympic mùa Đông PyeongChang.
Kể từ đó, diễn biến trong quan hệ liên Triều đã dần chuyển từ “tình trạng đóng băng” sang xu thế đối thoại và hòa giải, được thể hiện bằng thiện chí của cả hai phía. Từ việc hai bên mở lại đường dây liên lạc liên Triều và tiến hành cuộc đàm phán cấp cao đầu tiên sau 2 năm, mở lại đường dây nóng quân sự, tới các hoạt động giao lưu nhân Olympic mùa Đông PyeongChang 2018. Đặc biệt, chuyến thăm của phái 2 đoàn cấp cao Triều Tiên tới Hàn Quốc nhân dịp này, trong đó có bà Kim Yo-jong, em gái và cũng được coi là "đặc phái viên" của nhà lãnh đạo Triều Tiên, tiếp đó là chuyến thăm của phái đoàn các đặc phái viên Tổng thống Hàn Quốc tới Bình Nhưỡng và gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un, đã thực sự tạo "bước ngoặt" cho quan hệ liên Triều.
Việc hai miền Triều Tiên thông báo ngày diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều có thể coi là thành công ngoại giao lớn cho Tổng thống Moon Jae-in, người lên nắm quyền năm ngoái với chính sách "bắt tay với Triều Tiên" và đã thúc đẩy một giải pháp ngoại giao cho tình trạng bế tắc liên quan chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Những diễn biến tích cực trong quan hệ liên Triều thời gian qua phần nào xuất phát từ việc nhà lãnh đạo Hàn Quốc kiên trì, khôn khéo theo đuổi chính sách bảo vệ hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, thực hiện hòa giải, cùng thịnh vượng giữa hai miền. Với việc ấn định thời gian và địa điểm cụ thể cho cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều sắp tới, có vẻ xu thế đối thoại và hòa giải giữa hai miền đang đưa mọi chuyện đi đúng hướng.
Sau thỏa thuận tại cuộc đối thoại cấp cao, bước chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh đang được quan tâm đặc biệt, bởi việc tổ chức được cuộc gặp này cũng sẽ quyết định sự thành công hay thất bại của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều đầu tiên, dự kiến vào tháng 5 tới. Người phát ngôn Phủ Tổng thống Hàn Quốc tuyên bố Seoul "sẽ làm hết sức mình để đảm bảo rằng sẽ không có gì bị bỏ qua trong các bước chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh trong thời gian còn lại". Tuy nhiên, dư luận vẫn tỏ ra thận trọng, đặc biệt khi có thông tin Triều Tiên bắt đầu hoạt động lò phản ứng hạt nhân tại Yongbyon trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều. Yongbyon là địa điểm đặt cơ sở hạt nhân của Triều Tiên. Bình Nhưỡng khẳng định đây là những cơ sở sản xuất điện, song Mỹ và nhiều nước nghi ngờ đây là các hoạt động sản xuất plutoni, vốn được dùng cho chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Theo trang thediplomat, Chính phủ của ông Moon Jae-in nên giữ cách tiếp cận thận trọng và lạc quan trong hội nghị thượng đỉnh liên Triều. Trong bối cảnh kinh tế Triều Tiên còn khó khăn và nhà lãnh đạo Triều Tiên đang chú trọng vấn đề an nình, thì một chiến lược thành công sẽ tận dụng được những vấn đề này. Trang này cho rằng Hàn Quốc có thể khởi đầu bằng chương trình viện trợ thực phẩm thông qua Chương trình lương thực thế giới. Chính quyền Hàn Quốc có thể yêu cầu Triều Tiên thực hiện chính sách không gây hấn quân sự trong nhiều lĩnh vực, cũng như có những động thái cụ thể nhằm thể hiện sự chân thành về mong muốn phi hạt nhân hóa trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh với Mỹ.