Để có thể bước vào hàng ngũ máy bay chiến đấu thế hệ 5, J-20 buộc phải phải được trang bị động cơ mới để đạt tốc độ siêu âm và Trung Quốc có thể tìm thấy điều đó ở máy bay chiến đấu đa năng Su-35.
Su-35 là loại máy bay chiến đấu thế hệ 4++, do tập đoàn Sukhoi của Nga chế tạo. Từ lâu, sở hữu Su-35 đã trở thành hi vọng của Trung Quốc. Những thông tin mới nhất cho thấy Nga đã đồng ý xuất khẩu 24 chiếc Su-35 sang thị trường Trung Quốc. Hiện nay, hai bên đang trong quá trình chuẩn bị cho hợp đồng chính thức. Dự kiến, sớm nhất là vào khoảng từ năm 2016 tới năm 2018, Trung Quốc mới nhận được những chiếc Su-35 đầu tiên.
Máy bay chiến đấu J-20 của Trung Quốc muốn trở thành thế hệ 5 được cho là cần phải có động cơ 117S. Ảnh: Internet |
Theo tạp chí “Kanwa Defense Review” số tháng 7, nếu Trung Quốc có được Su-35, ý nghĩa quân sự lớn lao của nó không chỉ nằm ở việc nước này sở hữu loại máy bay chiến đấu đa năng thế hệ 4 ++. Kết quả lớn nhất là của việc Trung Quốc sở hữu Su-35 là tiến độ hoàn thành công tác nghiên cứu chế tạo máy bay chiến đấu J-20 do Trung Quốc sản xuất được thúc đẩy, giúp J-20 nhanh chóng trang bị cho quân đội và có năng lực bay với tốc độ siêu âm. Như vậy, J-20 có thể tiến hóa thành máy bay chiến đấu thế hệ 5. Đây là tính toán lớn nhất của Trung Quốc. Tại sao vậy?
Su-35 được trang bị động cơ 117S có lực đẩy gia tốc tương đương 14.500 kg và lực đẩy sử dụng cho mục đích quân dụng tương đương 8.800 kg. Nhờ vậy, Su-35 có thể bay với tốc độ siêu âm, hoàn toàn khác so với các thế hệ máy bay chiến đấu trước đây được trang bị động cơ AL31F như Su-30 MKK, Su-30 MK2, Su-30 MKI và Su-27. Trong khi đó, chế tạo động cơ có lực đẩy lớn đang là vấn đề khó khăn đối với Trung Quốc. Cái gọi là “động cơ thế hệ 5 WS15” của Trung Quốc thực chất tính năng của nó vẫn nằm trên giấy tờ. Hiện nay, Trung Quốc mới đang trong giai đoạn nghiên cứu chế tạo máy lõi của động cơ WS15. Đợi 15 năm nữa, người ta cũng chưa chắc đã thấy động cơ WS15 được đưa vào sản xuất để sử dụng.
Do vậy, máy bay chiến đấu J-20 cộng với động cơ 117S hiện nay là phương án kết hợp duy nhất và cũng là lựa chọn không thể khác để Trung Quốc có được cái gọi là “máy bay chiến đấu thế hệ 5”. Đây chính là nguyên nhân cốt lõi thúc đẩy Trung Quốc tìm đến và khát khao có được Su-35. Với việc sở hữu Su-35, Trung Quốc có hai cái lợi. Một là tạo bước tiến vượt bậc cho J-20 thông qua việc sở hữu động cơ 117S để có thể bay với tốc độ siêu âm và sở hữu công nghệ kiểm soát lực đẩy kiểu vector (TVC). Hai là giành lấy ưu thế trên không ở khu vực Đông Á.
Máy bay chiến đấu của không quân Trung Quốc nhiều nhất chỉ là cùng thế hệ với máy bay tác chiến chủ lực của không quân Ấn Độ, Nhật Bản và Việt Nam, tức là dừng ở thế hệ thứ ba. Về mặt công nghệ, máy bay chiến đấu Su-30 MKI của Ấn Độ thậm chí còn có tính năng cơ bản vượt máy bay chiến đấu thế hệ thứ ba của không quân Trung Quốc. Đối với Nhật Bản, nước này có tất cả các loại trang bị vũ khí, chủng loại máy bay chiến đấu mà không quân Trung Quốc sở hữu, hơn nữa, còn đi trước Trung Quốc trong một số lĩnh vực công nghệ. Tuy nhiên, sau khi sở hữu 24 chiếc Su-35, trình độ tác chiến của không quân Trung Quốc chí ít dẫn trước không quân Nhật Bản và không quân Ấn Độ nửa thế hệ trở lên.
Vấn đề ở chỗ Nga chỉ bán cho Trung Quốc 24 chiếc Su-35, cho nên, số lượng động cơ 117S nhập khẩu của Trung Quốc cũng sẽ có hạn. Hiện nay, Trung Quốc cũng chưa đưa ra yêu cầu chuyển giao công nghệ sản xuất động cơ 117S. Đây là chuyện có thể hiểu được. Do 117S không phải là động cơ thế hệ thứ 5 thực sự, đa phần công nghệ nguyên vật liệu chế tạo động cơ 117S, Trung Quốc đã vận dụng để chế tạo động cơ WS15A. Kế đó là do giá động cơ 117S quá đắt. Do vậy, theo tạp chí “Kanwa Defense Review”, sau khi sở hữu số lượng động cơ 117S có hạn, tìm cách mô phỏng có thể là lựa chọn thứ hai của người Trung Quốc.
Gia Hân