Tình thế tiến thoái lưỡng nan của Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga

Mới đây, Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga đã phải nâng lãi suất lên mức cao nhất kể từ đầu những năm 2000, gây phản ứng dữ dội từ các doanh nghiệp, nhưng nếu giảm lãi suất có thể sẽ xảy ra siêu lạm phát như ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Do chi tiêu quân sự liên tục gia tăng, thâm hụt ngân sách của Liên bang Nga đã lên tới 3.200 tỷ ruble (30 tỷ USD) trong năm 2023 và dự kiến đạt 3.100 tỷ ruble (29 tỷ USD) vào năm 2024.

Cũng vì chi tiêu quân sự liên tục gia tăng, kể từ năm 2023, lạm phát của Liên bang Nga so với cùng kỳ đã tăng mạnh, từ mức 2,3% của tháng 4/2023 lên 8,2% vào tháng 11/2024.

Lạm phát đã làm suy giảm sức mua của đồng ruble với tỷ giá giảm xuống còn 108 ruble/USD vào ngày 28/11, là mức thấp nhất kể từ tháng 3/2022, thời điểm Liên bang Nga vừa triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine không được bao lâu.

Một trong những đòn giáng gần đây nhất nhằm vào giá trị của đồng ruble là việc chính phủ Mỹ ngày 21/11 quyết định áp đặt các biện pháp trừng phạt lên hàng chục ngân hàng của Liên bang Nga, bao gồm cả Gazprombank, ngân hàng xử lý các khoản thanh toán liên quan tới dầu khí của nước này.

Để kiềm chế lạm phát gia tăng, Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga đã nâng lãi suất từ 7,5% vào tháng 7/2023 lên 21% vào tháng 10/2024 - mức cao nhất kể từ đầu những năm 2000.

Chính sách tiền tệ thắt chặt của Thống đốc Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga Elvira Nabiullina đã gây phản ứng dữ dội từ các doanh nghiệp, bao gồm cả các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp quân sự.

Ông Sergei Chemezov, Giám đốc điều hành của tập đoàn quốc phòng nhà nước Rostec, đã nhiều lần chỉ trích Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga.

Trong một tuyên bố đưa ra vào tháng 10 vừa qua, ông Chemezov cho rằng: “Nếu chúng ta tiếp tục làm việc theo cách này, hầu hết các doanh nghiệp sẽ phá sản”.

Theo ông Chemezov, câu hỏi đặt ra hiện nay hoặc là Liên bang Nga ngừng xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao yêu cầu thời gian sản xuất trên một năm như máy bay, hệ thống phòng không, tàu chiến… hoặc là phải đưa ra những biện pháp đối phó.

Ông Vladimir Milov, một chính trị gia từng là cố vấn kinh tế cho chính phủ Liên bang Nga vào đầu những năm 2000 cho rằng cả Giám đốc điều hành Rostec và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga “đều đúng” theo cách riêng của họ.

Trao đổi với báo The Kyiv Independent, chính trị gia Milov cho biết ông Chemezov đã đúng khi nói rằng các doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa với mức lãi suất cao như vậy còn bà Nabiullina cũng đúng vì nếu giảm lãi suất, Liên bang Nga sẽ xảy ra siêu lạm phát như ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Xem video Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga Philip Gabunia ngày 29/11/2024 nói rằng Moskva tuân thủ chính sách  thả nổi tỷ giá đồng rúp và chính sách này có giá trị trong việc ổn định nền kinh tế cũng như cân bằng lợi ích của cả nhà xuất khẩu lẫn nhà nhập khẩu và các thực thể kinh tế khác. Nguồn: Reuters.

Về phần mình, ông Torbjörn Becker, Giám đốc Viện Kinh tế chuyển đổi Stockholm và đồng tác giả của một báo cáo gần đây về kinh tế Liên bang Nga thời chiến cho rằng bà Nabiullina đang ở trong tình thế khó khăn vì giới quân sự muốn chi tiêu nhiều hơn cho chiến tranh và ít chú ý tới vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô.

Một số nhà phân tích dự đoán áp lực từ ngành công nghiệp, bao gồm các tổ hợp công nghiệp-quân sự, có thể dẫn đến sự sụp đổ của Thống đốc Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga.

Trong một phát biểu với báo The Kyiv Independent, nhà phân tích chính trị Liên bang Nga Dmitry Oreshkin cho biết Tổng thống Putin hiểu rằng bà Nabiullina hữu ích, nhưng ngày càng có nhiều áp lực từ lực lượng an ninh và trong cuộc đấu tranh này, các tổ hợp công nghiệp-quân sự chắc chắn sẽ thắng vì ông Putin đang tiến hành chiến tranh.

Ông Anders Aslund, một nhà kinh tế học người Thụy Điển chuyên nghiên cứu về các nước hậu Xô viết cũng có chung quan điểm với nhà phân tích chính trị Liên bang Nga Dmitry Oreshkin.

Nhà kinh tế học Aslund cho rằng: “Ông Chemezov và các nhà công nghiệp khác sẽ sớm hạ bệ bà Nabiullina và lập luận rằng lãi suất cao không giải quyết được bất cứ nhiệm vụ nào của Ngân hàng Trung ương, điều này đúng, nhưng nếu họ sẽ thúc đẩy giảm lãi suất, tình hình sẽ thêm trầm trọng bởi “lạm phát sẽ tăng lên, dòng vốn chảy ra ngoài sẽ tăng tốc và tỷ giá hối đoái sẽ lao dốc”.

Nhà kinh tế học Aslund cũng nói rằng ông không nghĩ sẽ xảy ra siêu lạm phát (tăng hơn 50% mỗi tháng), nhưng lạm phát sẽ tăng đáng kể và điều này có thể gây bất mãn trong dân chúng.

Ông Andrei Movchan, một nhà kinh tế gốc Nga và là người sáng lập Movchan’s Group, cho rằng, nếu Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga thay đổi chính sách và giảm lãi suất vài điểm phần trăm, lạm phát có thể tăng lên 20-25%, nhưng điều này sẽ không dẫn đến “thảm họa” hoặc “sự phá hủy nền kinh tế”.

Tuy nhiên, nếu Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga nâng lãi suất, chi phí đi vay tăng lên có thể  làm chậm tăng trưởng kinh tế.

Theo Cơ quan Thống kê Nhà nước Liên bang Nga (RosStat), tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này tăng 3,6% vào năm 2023, nhờ vào làn sóng bùng nổ chi tiêu quân sự.

Dự báo kinh tế Liên bang Nga sẽ tăng trưởng từ 3,5 - 4% trong năm 2024, nhưng có thể chậm lại, chỉ đạt 0,5 - 1,5% vào năm 2025, theo Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga.

Thành Nam/Báo Tin tức
Liệu Liên bang Nga có thể duy trì nỗ lực chiến tranh với tình trạng kinh tế hiện nay?
Liệu Liên bang Nga có thể duy trì nỗ lực chiến tranh với tình trạng kinh tế hiện nay?

Khi sức mua của đồng rúp (ruble) của Liên bang Nga chạm mức thấp nhất kể từ tháng 3/2022, hậu quả kinh tế từ việc Moskva triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine ngày càng hiện rõ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN