Chi tiêu ngày càng tăng của Liên bang Nga cho cuộc chiến ở Ukraine đã thúc đẩy lạm phát, buộc Ngân hàng Trung ương nước này phải nâng lãi suất lên 21% - mức cao nhất kể từ đầu những năm 2000 - nhằm kiểm soát giá tiêu dùng.
Tuy nhiên, lạm phát vẫn ở mức cao, vượt qua 8% bất chấp việc Ngân hàn Trung ương Liên bang Nga tăng lãi suất tới hơn 1% chỉ trong ba tuần đầu tháng 11.
Trong bối cảnh những thách thức kinh tế mà Moskva phải đối mặt trong năm qua, quyết định áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với hàng chục ngân hàng Liên bang Nga mà chính phủ Mỹ đưa ra ngày 21/11 đã làm trầm trọng thêm khó khăn của nền kinh tế nước này.
Trả lời phỏng vấn báo The Kyiv Independent của Ukraine, Anders Aslund, một nhà kinh tế học người Thụy Điển chuyên nghiên cứu về các nước hậu Xô viết cho rằng: “Liên bang Nga đang đối mặt với một bài toán kinh tế nan giải do chi tiêu quân sự tăng nhanh và các lệnh trừng phạt của phương Tây”.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế và nhà phân tích đang chia rẽ về mức độ ảnh hưởng từ các vấn đề kinh tế của Liên bang Nga đối với nỗ lực chiến tranh của nước này. Một số người cho rằng Moskva ngày càng khó khăn trong việc tài trợ cho cuộc chiến ở Ukrane.
Xem video Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin phát biểu ngày 28/11/2024 tại thủ đô Astana của Kazakhstan, nói rằng nếu Ukraine trở thành một cường quốc hạt nhân, Moskva sẽ áp dụng và sử dụng mọi biện pháp, bao gồm tất cả các phương tiện hủy diệt có trong tay. Nguồn: Reuters
Nhà kinh tế học Aslund nhận định: “Bất chấp thực trạng kinh tế, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin vẫn nâng chi tiêu quốc phòng và an ninh lên 176 tỷ USD vào năm 2025, chiếm 41% tổng chi tiêu ngân sách liên bang”.
Dẫu vậy, theo ông Aslund, Moskva chỉ có thể tài trợ 2% GDP thâm hụt ngân sách mỗi năm (tương đương 40 tỷ USD), vì nguồn dự trữ duy nhất của họ là Quỹ Tài sản Quốc gia trong khi vào cuối tháng 3/2024, nguồn lực thanh khoản của quỹ này chỉ còn 55 tỷ USD và không ai cho Moskva vay tiền cả.
Tuy nhiên, những người khác lại cho rằng, bất chấp mọi khó khăn kinh tế, Điện Kremlin vẫn có đủ nguồn lực để tài trợ cho chiến tranh trong thời gian dài bằng cách cắt giảm chi tiêu vào khu vực dân sự.
Sergei Aleksashenko, một nhà kinh tế gốc Nga đang làm việc tại Mỹ, nhận định rằng không nên phóng đại các vấn đề kinh tế mà nhà lãnh đạo Liên bang Nga phải đối mặt vì “ông ấy sẽ chi tiêu bao nhiêu tiền cho chiến tranh tùy theo nhu cầu”.
Nhưng dù thế nào cũng cần tính tới một nhân tố mới xuất hiện.
Đội ngũ của Tổng thống Mỹ đắc cử Mỹ Donald Trump đã thể hiện sự sẵn sàng đối với kế hoạch tăng sản lượng dầu lên đáng kể nhằm làm giảm giá dầu còn đây lại là yếu tố sống còn đối với nền kinh tế Liên bang Nga. Do đó, Điện Kremlin có thể sẽ đối mặt với một giai đoạn đầy khó khăn.
“Năm 2025 sẽ là thời điểm của sự thật”, Vladimir Milov, một chính trị gia từng là cố vấn kinh tế cho chính phủ Liên bang Nga vào đầu những năm 2000, nói với báo The Kyiv Independent.
Chính sách nâng lãi suất của Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga nhằm tăng chi phí đi vay có thể đang góp phần làm chậm tăng trưởng kinh tế.
Theo Cơ quan Thống kê Nhà nước Liên bang Nga (RosStat), tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này tăng 3,6% vào năm 2023, nhờ vào làn sóng bùng nổ chi tiêu quân sự.
Dự báo kinh tế Liên bang Nga sẽ tăng trưởng từ 3,5 - 4% trong năm 2024, nhưng có thể chậm lại, chỉ đạt 0,5 - 1,5% vào năm 2025, theo Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga.
Xem video Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga Philip Gabunia ngày 29/11/2024 nói rằng Moskva tuân thủ chính sách thả nổi tỷ giá đồng rúp và chính sách này có giá trị trong việc ổn định nền kinh tế cũng như cân bằng lợi ích của cả nhà xuất khẩu lẫn nhà nhập khẩu và các thực thể kinh tế khác. Nguồn: Reuters.
Chính trị gia Milov cho rằng kinh tế Liên bang Nga đang trong tình trạng “không có đầu tư mới và hiệu quả của kích thích tài khóa đang giảm dần”, tăng trưởng kinh tế nước này sẽ bị giết chết bởi "lạm phát cao và lãi suất cao”.
Chính trị gia Milov Milov tin rằng GDP của Liên bang Nga có thể giảm vào năm 2025 và nước này có thể trải qua đình lạm — tình trạng kinh tế kết hợp giữa tăng trưởng đình trệ và lạm phát cao.
Ở góc nhìn tích cực hơn một chút, bà Alexandra Prokopenko, chuyên gia kinh tế tại Trung tâm Carnegie Nga và Âu-Á, cho rằng Liên bang Nga chưa rơi vào đình lạm, nhưng “đang đến gần” tới tình trạng này.
Trả lời phỏng vấn tờ The Kyiv Independent, bà Prokopenko cho biết: “Dữ liệu gần đây cho thấy nền kinh tế quá nóng của Liên bang Nga bắt đầu hạ nhiệt”, thể hiện qua sự sụt giảm trong vay tiêu dùng, tăng trưởng lương chậm lại và sự giảm tốc trong sản xuất công nghiệp.
Tuy nhiên, theo bà Prokopenko, không nên phóng đại điều này bởi bất chấp các dấu hiệu hạ nhiệt, các động lực chính khiến nền kinh tế Liên bang Nga quá nóng vẫn tồn tại, đó là sản xuất quân sự gia tăng và tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng.
Bà Prokopenko bổ cho biết thêm: “ở một số ngành liên quan đến quân sự (như sản phẩm kim loại hoàn thiện, quang học và máy tính), vẫn chưa xuất hiện dấu hiệu nào giảm tốc”.
Về phần mình, chuyên gia kinh tế Yulia Pavytska tại Viện KSE thuộc Trường Kinh tế Kyiv, nhận định rằng “chính sách hiện tại của Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga hoặc sẽ dẫn đến đình trệ - tức không có tăng trưởng kinh tế - hoặc ngân hàng này sẽ thất bại, và khi đó lạm phát sẽ tiếp tục tăng”.
Tuy nhiên, bà Pavytska nhấn mạnh rằng sự kết hợp giữa đình trệ và lạm phát hiện tại là kịch bản khó xảy ra, do Liên bang Nga vẫn còn kích thích tài khóa dưới hình thức chi tiêu liên quan đến chiến tranh và tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng trên thị trường lao động.
Nhà kinh tế gốc Nga Aleksashenko cũng cho biết ông không kỳ vọng GDP của Liên bang Nga sẽ giảm vào năm 2025 và dù tình trạng thiếu hụt lao động đang làm chậm tăng trưởng kinh tế, nhưng tác động của vấn đề này vẫn tương đối nhỏ.
Trước tình trạng khó khăn của kinh tế, chính trị gia Milov cho rằng Liên bang Nga "sẽ phải đưa ra quyết định vì họ không thể tiến hành một cuộc chiến cường độ cao như vậy nữa".