Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã chỉ trích Tổng thống Mỹ Donald Trump, cho rằng ông Trump đang chống lại "cả thế giới" khi tìm cách hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân lịch sử. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tổng thống Donald Trump luôn là người phản đối mạnh mẽ nhất các chính sách mà người tiền nhiệm Barack Obama đã theo đuổi trong suốt 8 năm làm chủ Nhà Trắng. Trong 10 tháng đầu nắm quyền, vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ đã đưa ra nhiều quyết định nhằm xóa bỏ các di sản của ông Obama, như Chương trình chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền (Obamacare), Hiệp ước thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP), Chương trình Trì hoãn hành động đối với người nhập cư Mỹ khi còn nhỏ (DACA), Hiệp định khí hậu Paris…, gần đây nhất là y định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và xem xét lại mối quan hệ ngoại giao với Cuba.
Những bước đi có chủ ý…Cựu Tổng thống Barack Obama từng lý giải về chính sách “làm tan băng quan hệ” giữa Mỹ với các nước như Iran và Cuba rằng: chính sách "can dự” kết hợp với “đáp ứng nhu cầu chiến lược cốt lõi” có thể phục vụ lợi ích của Mỹ tốt hơn nhiều so với các lệnh trừng phạt và cô lập kéo dài. Với sức mạnh áp đảo, nước Mỹ cần phải có sự tự tin trong việc chấp nhận một số rủi ro có tính toán để mở ra những khả năng mới, cốt lõi của “Học thuyết Obama” là “can dự nhưng duy trì tất cả các khả năng răn đe” của Mỹ.
Thế nhưng, người kế nhiệm ông lại muốn đi con đường khác!
Quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Cuba được cựu Tổng thống Barrack Obama và Chủ tịch Raul Castro nối lại từ năm 2015 sau nửa thập kỷ đóng băng. Thế nhưng, kể từ khi lên nắm quyền (1/2017), ông Trump đã nhanh chóng bãi bỏ nhiều chính sách hợp tác với đảo quốc Caribe này, siết chặt các quy định về đi lại, nghiêm cấm công dân Mỹ làm ăn với doanh nghiệp quốc doanh Cuba, dừng mọi hoạt động giao lưu nhân dân và chỉ cho phép tiến hành các chuyến đi thăm thân.
Mới đây nhất, Mỹ để ngỏ khả năng đóng cửa Đại sứ quán tại Cuba, sau vụ việc mà nước này nhận định là "sự cố nghiêm trọng, chưa từng có tiền lệ" nhằm vào các nhân viên ngoại giao Mỹ tại La Habana.Washington cho rằng ít nhất 22 nhân viên ngoại giao của nước này đã bị "tấn công bằng sóng âm" tại Cuba kể từ năm 2016, khiến họ bị tổn thương não và mất thính lực. Theo đó, Mỹ quyết định rút 60% số nhân viên ngoại giao về nước, đồng thời trục xuất 15 nhà ngoại giao Cuba đang làm việc tại Washington sau sự cố này.
Không chỉ đẩy mối quan hệ ngoại giao với Cuba vào giai đoạn bấp bênh mới, Tổng thống Trump cũng đã khiến quan hệ song phương với Iran trở nên “căng như dây đàn”.
Hiện Tổng thống Trump đã ngừng các mối liên lạc trực tiếp với Iran, vốn được người tiền nhiệm Barack Obama thiết lập trước đó. Mối quan hệ giữa 2 nước trở nên bất ổn chỉ vài ngày sau khi ông Trump nhậm chức, khi ông thông báo không cấp thị thực cho công dân của 7 quốc gia Hồi giáo, trong đó có Iran. Tiếp đó là một loạt các cuộc chạm trán giữa các tàu Mỹ với tàu Iran tại vùng Vịnh và liên tiếp các lệnh trừng phạt của Washington nhằm vào chương trình tên lửa đạn đạo của Tehran. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Mỹ còn “ra rả” quan ngại về những hoạt động của Iran trên khắp Trung Đông mà cơ quan này cho là ảnh hưởng đến ổn định, an ninh và thịnh vượng khu vực. Theo Tổng thống Donald Trump, các tên lửa mà Iran phóng thử gần đây có thể đã mang đầu đạn hạt nhân, và điều này là không đúng với tinh thần của thỏa thuận hạt nhân Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) mà nước này đã ký với nhóm P5+1 (5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, gồm Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nga cùng với Đức) vào năm 2015. Ông Trump đồng thời tái khẳng định đây là một "thỏa thuận tồi tệ" cần hủy bỏ, bất chấp tất cả các bên tham gia còn lại đều khẳng định JCPOA phải được duy trì.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Middletown, Pennsylvania ngày 11/10. Ảnh: AFP/TTXVN |
… và hệ lụy khôn lường Cuba phản đối cáo buộc “tấn công bằng sóng âm” của Mỹ là “vô căn cứ”. Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez thậm chí còn đưa ra nhiều luận cứ khiến người ngoài cuộc dễ mường tượng sự cố này thực chất là một màn kịch do Washington dựng nên, như phía Mỹ không cung cấp dữ liệu theo yêu cầu, không cho phép kiểm tra nhà ở của các nhà ngoại giao cũng như không cho các bác sĩ Cuba tham khảo bệnh án… Và theo ông Rodrguez, đây chính là lý do vì sao cho đến nay vẫn chưa có kết luận về vụ việc này.
Phía Cuba kêu gọi Mỹ hợp tác làm rõ tình hình hiện tại, đồng thời cho rằng không nên chính trị hóa sự cố (nếu có), ảnh hưởng tới các nỗ lực bình thường hóa quan hệ vốn được dư luận thế giới và người dân hai nước hết sức hoan nghênh. Nhiều nghị sĩ đảng Dân chủ và chủ doanh nghiệp Mỹ cũng cho rằng những bước đi của Tổng thống Trump làm tổn hại đến chính việc làm và hoạt động kinh doanh của nước Mỹ, bên cạnh những nạn nhân chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là người dân Cuba.
Theo số liệu thống kê chính thức, chỉ một năm sau ngày hai nước nối lại quan hệ ngoại giao, lượng du khách Mỹ đến Cuba đã tăng đột biến. Mỹ và Cuba đã ký tới 20 thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực và 5 trong số đó được ký kết trong vòng chưa đầy 1 tuần trước khi ông Trump nhậm chức.
Trong khi đó, Iran bác bỏ các cáo buộc của Mỹ, khẳng định rằng chương trình tên lửa của nước này chỉ phục vụ các mục đích hòa bình và luôn tuân thủ JCPOA. Bộ Ngoại giao Iran nêu rõ Tehran quyết tâm củng cố năng lực quân sự để phòng vệ đất nước và không cho phép bất cứ sự can thiệp nào từ bên ngoài về vấn đề này. Người đứng đầu Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) - Tướng Mohammad Ali Jafari nêu rõ trong trường hợp Mỹ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt mới, Washington sẽ phải di dời các căn cứ quân sự khu vực của Mỹ “ra ngoài tầm bắn 2.000km của tên lửa Iran”. Hiện Mỹ đang đặt nhiều căn cứ quân sự tại các nước láng giềng của Iran bao gồm Bahrain, Iraq, Oman và Afghanistan, và những căn cứ này đều cách biên giới Iran chưa tới 500km.
Hạn chót để Tổng thống Trump công bố chiến lược của Mỹ về chương trình hạt nhân Iran là ngày 15/10 tới. Giới phân tích cho rằng nếu lựa chọn giải pháp quân sự, Mỹ sẽ phải chấp nhận một chiến dịch tốn kém, dễ bị sa lầy trong một môi trường tác chiến phức tạp. Iran có diện tích gấp ba lần Iraq, bao gồm đủ các loại địa hình từ rừng núi, sa mạc cho tới đồng bằng. Đặc biệt, hành động quân sự chống lại Iran sẽ mở rộng và kéo dài cuộc khủng hoảng ở Trung Đông và một cuộc chiến tranh với Iran sẽ là một kịch bản vô cùng phức tạp.Về phía Iran, giải pháp quân sự với Mỹ sẽ tác động nghiêm trọng tới nền kinh tế đang trên đà hồi phục và trong trường hợp tệ nhất là Iran có khả năng rơi vào một cuộc nội chiến.
Cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước châu Âu không ủng hộ yêu cầu xem xét lại thỏa thuận hạt nhân với Iran của Mỹ. Thỏa thuận này bị ngưng trệ sẽ gây thiệt hại lớn cho lợi ích kinh tế và năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) - nhà tiêu thụ dầu mỏ chính của Tehran. Tháng 7/2017, lượng dầu mỏ Iran cung cấp cho châu Âu đã đạt kỷ lục 2,2 triệu thùng/ngày. Áo đã lên kế hoạch tăng kim ngạch thương mại với Iran lên gấp 5 lần đến năm 2020. Pháp đã ký hợp đồng bán 100 máy bay dân dụng Airbus cho Iran trị giá 20 tỷ USD… Ngay ở Mỹ, công ty Boeing - đã ký hợp đồng cung cấp 80 máy bay trị giá 16,6 tỷ USD cho Iran - và một số công ty khác có quan hệ làm ăn với Iran không ủng hộ đòi hỏi hủy thỏa thuận JCPOA.
Với đối thủ “không phải dạng vừa” như Iran và “kẻ yếu thế” nhưng lại nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ cộng đồng quốc tế như Cuba, xem ra những nỗ lực của Tổng thống Donald Trump nhằm đảo ngược các thành quả của chính quyền tiền nhiệm Barack Obama không khác nào tập tung hứng với những con dao sắc!