Tiêu chuẩn kép của Mỹ với biểu tình dân sự

Cùng là biểu tình dân sự nhưng Mỹ thể hiện thái độ và phản ứng khác hẳn đối với biểu tình trong nước và biểu tình ở Đặc khu hành chính Hong Kong của Trung Quốc.

Theo kênh BBC (Anh), biểu tình rầm rộ ở Mỹ mấy ngày qua khiến thế giới quan ngại, nhưng Trung Quốc lại theo dõi với sự quan tâm đặc biệt.

Chú thích ảnh
Người dân biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc tại New York, Mỹ ngày 29/5. Ảnh: THX/TTXVN

Trung Quốc đã nhân biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc tại Mỹ để đáp trả Mỹ vì ủng hộ biểu tình ở Hong Kong năm 2019, hành động mà Bắc Kinh coi là "can thiệp thô bạo vào vấn đề nội bộ của Trung Quốc".

Báo chí nhà nước Trung Quốc đã đưa tin đậm về biểu tình khắp nước Mỹ, nhấn mạnh vào cảnh hỗn loạn, việc cảnh sát dùng bạo lực ở Mỹ và nói rằng Trung Quốc ổn định xã hội hơn nhiều. 

Đài truyền hình trung ương Trung Quốc đưa tin về việc nhà báo Mỹ bị xịt hơi cay và phóng viên ảnh bị mù một mắt khi dính đạn cao su lúc tác nghiệp.

Video cảnh sát dùng hơi cay, lựu đạn gây choáng với người biểu tình ở Seattle (nguồn: Twitter):

Tân Hoa Xã mô tả bạo loạn dân sự ở Mỹ là “cảnh đẹp của bà Pelosi”, ý nhắc tới bình luận năm 2019 của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, nói biểu tình ở Hong Kong là “cảnh đẹp”.

Tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn cầu Hu Xijin viết rằng các chính trị gia Mỹ giờ có thể “thưởng ngoạn cảnh đẹp này từ chính cửa sổ nhà mình”.

Bắc Kinh từ lâu đã chỉ trích chính trị gia Mỹ vì tôn vinh bạo lực mà người biểu tình ở Hong Kong gây ra trong khi những người này bị Trung Quốc xếp vào loại bạo loạn có dấu hiệu khủng bố. Biểu tình đã làm Hong Kong tê liệt phần lớn năm 2019, buộc Trung Quốc phải đưa ra luật an ninh quốc gia mới hồi tháng 5. 

Chú thích ảnh
Người dân tham gia biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc tại New York, Mỹ ngày 29/5. Ảnh: THX/TTXVN

Bà Aynne Kokas, thành viên cấp cao Trung tâm Vấn đề Công cộng Miller thuộc Đại học Virginia (Mỹ), nói rằng cả Mỹ và Trung Quốc đều đang đối mặt với bất ổn trong nước ở mức độ cao do đại dịch COVID-19 và các sự kiện chính trị. Bà nói: “Giờ là thời điểm then chốt để Trung Quốc có thể tận dụng bất ổn ở Mỹ để thúc đẩy hiệu quả hơn mục tiêu an ninh quốc gia”.

Giới chức Trung Quốc và Hong Kong cũng vạch mặt Mỹ vì áp dụng tiêu chuẩn kép trong phản ứng với bất ổn dân sự. Lãnh đạo Hong Kong, bà Carrie Lam, nói: “Có bạo loạn ở Mỹ và chúng ta xem chính quyền địa phương phản ứng ra sao. Khi ở Hong Kong cũng có bạo loạn tương tự, chúng ta đã thấy họ thể hiện quan điểm gì”.

Nhiều người dùng mạng xã hội Trung Quốc cũng nói Mỹ là “quốc gia tiêu chuẩn kép”.

Theo Phó giáo sư truyền thông toàn cầu Maria Repnikova thuộc Đại học Georgia, quy mô và tần suất báo chí nhà nước Trung Quốc đưa tin về biểu tình Mỹ là chưa từng có tiền lệ. 

Trên mạng xã hội Weibo, nhiều người cho rằng tự do và dân chủ ở Mỹ đang gặp rủi ro khi cảnh sát xịt hơi cay và người biểu tình hòa bình, còn quân đội được triển khai.

Bà Repnikova cho rằng rao giảng của Mỹ về quyền dân chủ của Hong Kong giờ dường như rất giả dối khi mà trực thăng quân sự lượn trên bầu trời Washinton D.C.

Trong khi đó, phát biểu trước các khán giả quốc tế, các nhà ngoại giao Trung Quốc thể hiện là lãnh đạo toàn cầu có trách nhiệm, đoàn kết với các nước trong chỉ trích phân biệt chủng tộc, bất công ở Mỹ.

Chú thích ảnh
Người biểu tình quá khích phóng hỏa tại Minneapolis, Mỹ ngày 28/5. Ảnh: THX/TTXVN

Các nhà ngoại giao Trung Quốc đã lên Twitter đăng lại các thông điệp từ quan chức Liên hợp quốc và Liên minh châu Phi chỉ trích phân biệt chủng tộc và hành động bạo lực của cảnh sát Mỹ. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh viết trên Twitter: “Tôi không thở được” kèm hình ảnh phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus chỉ trích cách Bắc Kinh xử lý vấn đề Hong Kong.

Biểu tình ở Mỹ đã gây tranh luận sôi nổi trên Weibo và là một trong những chủ đề nóng nhất tuần. Các bài đăng liên quan đều có trên 25 triệu lượt xem. Một người dùng viết: “Chính phủ Mỹ đã kích động bạo lực khắp thế giới, giờ người Mỹ cuối cùng đã thức tỉnh”. Có người còn mô tả biểu tình ở Mỹ là “nghiệp chướng” của Washington. 

Trong hơn một tuần qua, làn sóng biểu tình lan rộng khắp nước Mỹ và cả ở nước ngoài. Biểu tình diễn ra sau vụ một người da màu tên là George Floyd tử vong sau khi bị cảnh sát khống chế. Biểu tình đã khiến một số đối tượng quá khích lợi dụng để cướp phá, hôi của, phóng hỏa. Cảnh sát đã dùng hơi cay, đạn cao su để đối phó với người biểu tình. 

Chú thích ảnh
Người dân tham gia biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc tại Minneapolis, Mỹ ngày 31/5. Ảnh: THX/TTXVN

Tổng thống Donald Trump thậm chí còn cảnh báo dùng quân đội để dẹp biểu tình nếu các bang không xử lý được. Ông lên án các cuộc biểu tình bạo lực, khi nói rằng đây không phải là những hành động biểu tình hòa bình mà là những hành động khủng bố trong nước. Ông kêu gọi các thống đốc bang triển khai Lực lượng Vệ binh Quốc gia với số lượng đủ để chiếm ưu thế tại các đường phố.

Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 2/6 thông báo đã triển khai khoảng 1.600 binh sĩ quân đội tới thủ đô Washington D.C sau khi liên tục xảy các biểu tình kích động bạo lực. Theo người phát ngôn Lầu Năm Góc Jonathan Rath Hoffman, lực lượng quân đội đã được triển khai đồn trú tại các căn cứ quân sự thuộc vùng đô thị thủ đô quốc gia Mỹ, chứ không bố trí trong nội đô Washington D.C.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Những vũ khí phi sát thương nguy hiểm mà cảnh sát Mỹ dùng với người biểu tình
Những vũ khí phi sát thương nguy hiểm mà cảnh sát Mỹ dùng với người biểu tình

Những vũ khí như đạn cao su, lựu đạn gây choáng hay hơi cay dù được gọi là phi sát thương nhưng cũng có thể gây nguy hiểm đáng kể.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN