Tiếp nối nỗ lực vì hòa bình lâu dài cho Syria

Trong vòng nửa năm, thành phố Sochi của LB Nga lần thứ hai trở thành tâm điểm của các nỗ lực nhằm tìm kiếm nền hòa bình lâu dài cho Syria, với cuộc gặp cấp thứ trưởng ngoại giao các nước bảo trợ lệnh ngừng bắn tại Syria (gồm Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ) cùng đại diện chính phủ và phe đối lập quốc gia Trung Đông này, diễn ra ngày 31/7.

Các lực lượng Chính phủ Syria tuần tra tại thị trấn Kfar Shams, thành phố Deraa. Ảnh: AFP/TTXVN

Cách đây 6 tháng, cũng tại thành phố biển này, nước chủ nhà Nga đã tổ chức khá thành công Đại hội đối thoại dân tộc Syria với sự tham gia rộng rãi của các phe phái tại quốc gia Trung Đông, trong đó các bên thông qua tuyên bố 12 điểm đề cập những nguyên tắc để giải quyết cuộc khủng hoảng Syria. Việc triển khai những kết quả đạt được tại đại hội là một trong những nội dung chủ đạo trong chương trình nghị sự của cuộc gặp vừa diễn ra tại Sochi.

 
Với sự tham gia của nhóm bộ ba Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, cuộc gặp lần này thực chất là vòng đàm phán thứ 10 theo định dạng Astana song có sự thay đổi về địa điểm gặp so với 9 vòng đàm phán trước. Các vấn đề được đưa ra thảo luận trong cuộc gặp tại Sochi là việc thành lập Ủy ban Hiến pháp Syria, tình hình tại các khu vực giảm căng thẳng và hỗ trợ nhân đạo cho người dân Syria. Việc Đặc phái viên Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) về Syria Staffan de Mistura và các đại biểu từ Jordan tham gia với tư cách quan sát viên, một lần nữa khẳng định tầm quan trọng trong vòng đàm phán này đối với tiến trình hòa bình Syria.
 
Kết quả đạt được tại cuộc gặp lần này có thể xem là bước tiến nhỏ, song thực chất cho một nền hòa bình lâu dài ở Syria. Các bên đã nhất trí tiếp tục các nỗ lực chung nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Ủy ban Hiến pháp Syria và thúc đẩy giải pháp cho cuộc xung đột tại quốc gia Trung Đông bị chiến tranh tàn phá này. Về Ủy ban Hiến pháp, các bên đã thảo luận về cơ cấu nhân sự và chức năng nhiệm vụ, cũng như cách thức bổ nhiệm các thành viên ủy ban (phía chính phủ và phe đối lập Syria, mỗi bên đã đề cử 50 người vào danh sách ứng viên tham gia ủy ban, trong khi đại diện LHQ đề nghị cơ cấu 30% là nữ).
 
Trước mắt sẽ tổ chức vòng tham vấn tiếp theo với đặc phái viên Staffan de Mistura vào tháng 9 tới tại Geneva, Thụy Sĩ để hoàn tất danh sách nhân sự tham gia soạn thảo một hiến pháp mới của Syria, trên cơ sở Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an LHQ và kết quả Đại hội đối thoại dân tộc Syria lần thứ nhất ở Sochi. Việc soạn thảo bản Hiến pháp mới được coi là yếu tố then chốt của một tiến trình chính trị nhằm chấm dứt cuộc xung đột đã kéo dài sang năm thứ 8 tại Syria. Bởi vậy, những nỗ lực chung thúc đẩy để Ủy ban Hiến pháp Syria có thể sớm đi vào hoạt động đang làm sống dậy hy vọng cho một nền hòa bình ở Syria.
 
Trong tuyên bố chung, các bên bày tỏ sẵn sàng đấu tranh chống các tư tưởng cực đoan hòng phá hoại chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria cũng như gây bất ổn an ninh tại các nước láng giềng. Ngoài ra, các bên kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường hỗ trợ nhân đạo cho Syria trong việc rà phá bom mìn, khôi phục cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thuận lợi và an toàn để hồi hương người tị nạn về nơi thường trú. Dù còn những đánh giá khác nhau liên quan tình hình tại các khu vực giảm căng thẳng, song các bên cũng ghi nhận có những tiến triển nhất định. Đồng thời, các bên thỏa thuận tiến hành cuộc gặp quốc tế tiếp theo bàn về vấn đề Syria theo định dạng Astana vào tháng 11/2018.
 
Phản ứng của các nước đồng bảo trợ cũng như các bên tham gia vòng đàm phán thứ 10 theo định dạng Astana cơ bản là tích cực và mang tính xây dựng. Đặc phái viên LHQ Mistura và Đặc phái viên của Tổng thống Nga về Syria Alexander Lavrentyev đều cho rằng cuộc gặp tại Sochi là cần thiết và hiệu quả, mang lại lợi ích nhất định. Thứ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Ansari cũng đánh giá tích cực kết quả cuộc gặp vì “đã góp phần củng cố các thỏa thuận của ba nước đồng bảo trợ, đồng thời tạo điều kiện thiết lập hòa bình đầy đủ và chấm dứt khủng hoảng tại Syria”. Đại diện Chính phủ Syria, Đại sứ nước này tại LHQ Bashar Ja'afari đánh giá cao kết quả cuộc gặp vì “đã nêu ra nhiều ý tưởng mới, nhất là về việc hồi hương người tị nạn”. Ngay cả phe đối lập Syria dù khác biệt về quan điểm song cũng có những tuyên bố mang tính xây dựng, thậm chí bày tỏ cảm ơn nước chủ nhà Nga đã có thiện chí muốn cải thiện tình hình và thúc đẩy tiến trình chính trị tại Syria.
 
Tuy nhiên, việc Mỹ, dù cũng được mời tới Sochi, song đã từ chối cử đại diện tới dự, hay việc Liên minh châu Âu (EU) bày tỏ nghi ngờ về khả năng của các nước đồng bảo trợ trong việc đảm bảo thực thi đầy đủ thỏa thuận ngừng bắn tại các vùng giảm căng thẳng, là những yếu tố có thể khiến tiến trình thúc đẩy hòa bình tại Syria gặp trắc trở. Trên thực tế, Nga và Mỹ đều có vai trò quan trọng trong vấn đề Syria bởi cả hai nước đều có sự can dự về quân sự tại quốc gia Trung Đông này, lại hậu thuẫn các bên đối địch tại Syria với những tính toán và mục tiêu riêng. Trong cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Mỹ hồi trung tuần tháng 7 tại Helsinki (Phần Lan), Tổng thống Nga Vladirmia Putin từng tuyên bố quá trình thiết lập hòa bình và hòa giải tại Syria có thể là ví dụ đầu tiên của việc phối hợp thành công giữa Moskva và Washington, trong đó hai bên có thể chủ động và đảm nhận vai trò dẫn đầu trong vấn đề này. Việc Mỹ không tham gia một sự kiện về Syria do Nga chủ trì tổ chức nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại quốc gia Trung Đông, là dấu hiệu cho thấy hoạt động phối hợp giữa hai cường quốc Nga và Mỹ trong vấn đề Syria chưa hẳn đã "xuôi chèo mát mái".
 
Bên cạnh đó, bất đồng giữa 3 nước bảo trợ cho tiến trình hòa bình Syria là Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, hay căng thẳng giữa Syria với Thổ Nhĩ Kỳ liên quan việc Ankara điều động quân đội có sự hỗ trợ của xe tăng, xe bọc thép đến vùng giảm căng thẳng Idlib (Ít-líp) ở Syria, cũng ảnh hưởng tới không khí đối thoại chung đang được thiết lập trong cuộc gặp Sochi.


Dù vậy, cuộc gặp tại Sochi cũng đã góp thêm một viên gạch nữa trong nỗ lực tạo lập nền hòa bình vững chắc hơn cho Syria. Từ nay đến cuối năm sẽ có thêm ít nhất hai cuộc gặp quốc tế để bàn thảo cụ thể hơn nữa các kết quả đạt được tại vòng đàm phán định dạng Astana lần này. Các diễn đàn đối thoại, dù là theo định dạng nào, cũng sẽ là một cơ hội cho các bên cùng ngồi lại để hiểu nhau hơn, tin nhau hơn, cùng tìm kiếm điểm đồng, hài hòa lợi ích, vì một mục tiêu chung hòa bình cho người dân Syria.
 

Hồng Quân (Phóng viên TTXVN tại LB Nga)
Tổng thống Nga, Mỹ nhất trí không có giải pháp quân sự cho cuộc xung đột Syria
Tổng thống Nga, Mỹ nhất trí không có giải pháp quân sự cho cuộc xung đột Syria

Ngày 11/11, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump đã phê chuẩn một tuyên bố chung về Syria sau cuộc trao đổi ngắn tại Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2017 tổ chức tại Đà Nẵng, Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN