Theo mạng "Tin Trung Đông", những tháng gần đây, Ai Cập đã nhận được các khoản vay và tài trợ lên tới gần 20 tỷ USD từ các nước vùng Vịnh. Tuy nhiên, quốc gia Bắc Phi này cần nhiều hơn thế để có thể ổn định tình hình chính trị trong nước.Cuối tháng 8/2013, Chính phủ lâm thời Ai Cập do quân đội hậu thuẫn đã phê duyệt gói kích thích kinh tế trong 10 tháng tới với tổng trị giá 3,2 tỷ USD, trong đó chủ yếu dành cho các dự án cơ sở hạ tầng. Gói tài chính này nhằm vực dậy nền kinh tế kiệt quệ sau nhiều tháng bất ổn chính trị, giải quyết tình trạng thất nghiệp tràn lan, giá lương thực và nhiên liệu tăng cao. Đây là những vấn đề mà chính phủ tiền nhiệm của tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) hầu như chưa giải quyết được và đã góp phần làm giảm uy tín của Tổng thống Mohamed Morsi trước khi bị quân đội phế truất vào đầu tháng 7 vừa qua.
Biểu tình bên ngoài dinh Tổng thống al-Quba tại Cairo ngày 11/10/2013. Ảnh: AFP/TTXVN |
Phần lớn các nhà phân tích ủng hộ việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như một bước quan trọng đầu tiên nhằm phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều ý kiến quan ngại về khả năng trả nợ của Chính phủ Ai Cập. Dù thâm hụt ngân sách của Ai Cập hiện đã vượt ngưỡng 10% GDP, các quan chức chính phủ nước này vẫn loại trừ khả năng tăng thuế hoặc cắt giảm chi tiêu công nhằm tái cân bằng ngân sách.
Trong khi đó, các cuộc đàm phán giữa Ai Cập và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã bị ngừng lại khi Chính phủ từ chối các điều kiện cho vay của thể chế tài chính quốc tế này, trong đó có việc ngừng trợ cấp bánh mì và xăng dầu.
Điều này khiến Ai Cập ngày càng phụ thuộc vào các khoản vay và tài trợ của các nước Arập. Ngoài khoản vay không lãi suất trước đó trị giá 2 tỷ USD từ Libya và gần 5 tỷ USD viện trợ của Qatar, sau cuộc chính biến lật đổ Tổng thống Mohamed Morsi, Ai Cập còn nhận được gói hỗ trợ tài chính và nhiên liệu có tổng trị giá cam kết lên tới 12 tỷ USD từ 3 quốc gia vùng Vịnh là Saudi Arabia, Kuwait, và Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE).
Cho tới nay, 5 tỷ USD trong số đó đã được giải ngân. Các khoản hỗ trợ này sẽ được dành để triển khai các dự án đường sắt, đường bộ mới, xây dựng các nhà máy xử lý nước thải, mở rộng hệ thống tàu điện ngầm ở Cairo và nhiều hạng mục lớn khác.
Quyết định cung cấp tiền viện trợ cho Ai Cập của Saudi Arabia được cho là xuất phát từ việc muốn hạn chế ảnh hưởng của MB - tổ chức mà Riyadh xem là mối đe dọa đối với địa vị "người bảo vệ đạo Hồi" tại khắp khu vực Trung Đông của họ. Không chỉ ủng hộ hoàn toàn cuộc chính biến ngày 3/7 lật đổ chính quyền của Tổng thống Hồi giáo Mohamed Morsi, Saudi Arabia còn hết sức hài lòng khi chứng kiến Chính phủ lâm thời Ai Cập do quân đội hậu thuẫn tiến hành đàn áp mạnh tay đối với MB, bắt giữ hàng loạt thủ lĩnh cấp cao và hàng nghìn thành viên của MB, cũng như phong tỏa tài sản và cấm các tổ chức liên quan với phong trào Hồi giáo này hoạt động.
Các khoản viện trợ nêu trên sẽ khiến Cairo tiếp tục bị ràng buộc với Saudi Arabia - quốc gia đang thu hút tới 2 triệu người lao động Ai Cập và mang lại một lượng kiều hối quan trọng cho kinh tế quốc gia Bắc Phi này. Không chỉ vậy, điều này đồng nghĩa với việc Ai Cập sẽ ngày càng xa lánh Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ - hai quốc gia từng dành các khoản viện trợ lớn cho các chương trình cải cách cơ cấu kinh tế (chứ không phải các chương trình trợ cấp chính phủ) vốn không được lòng dân. Trong khi đó, hỗ trợ tài chính của Saudi Arabia, Kuwait và UAE, và thậm chí của cả Libya, không kèm theo các điều kiện như vậy.
Sự chuyển hướng từ phương Tây sang các nước vùng Vịnh sẽ tạm thời giúp Chính phủ Ai Cập tránh phải đưa ra các quyết định kinh tế khó khăn có thể làm tăng thêm tình trạng bất ổn xã hội. Điều này sẽ giúp Cairo có thời gian để cân nhắc các bước đi tiếp theo. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ "bước tiếp theo" của Chính phủ lâm thời ở Ai Cập sẽ như thế nào.
Tổng thống lâm thời Adly Mansour từng tuyên bố sẽ tuân thủ lộ trình chuyển tiếp với các cuộc bầu cử tổng thống và bầu cử quốc hội vào đầu năm tới. Tuy nhiên, trên thực tế, ông Mansour đã không làm theo tất cả các cam kết này, trong đó có việc nhanh chóng dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp. Trong khi đó, dù bất ổn chính trị "hậu Morsi" đã lắng xuống phần nào, tình trạng nghèo đói vẫn tiếp tục đà tăng và hiện 1/5 dân số Ai Cập đang phải sống trong các điều kiện vật chất hết sức nghèo nàn.
Chính phủ lâm thời Ai Cập kỳ vọng rằng gói kích thích kinh tế được các nước vùng Vịnh tài trợ sẽ giúp khôi phục tốc độ tăng trưởng kinh tế về mức trước cuộc cách mạng ngày 25/1/2011 (5% năm 2010 so với mức 2% hiện nay). Theo các nhà phân tích, tiền tài trợ của các nước vùng Vịnh chỉ là lựa chọn thay thế ngắn hạn cho tư tưởng tự do hóa kinh tế của phương Tây và sẽ không đủ để đảm bảo sự ổn định chính trị lâu dài cho xứ sở các Kim Tự Tháp. Ai Cập sẽ phải luôn nhớ rằng cuộc cách mạng năm 2011 lật đổ chính quyền của cựu Tổng thống Hosni Mubarak chủ yếu xuất phát từ tình trạng đói nghèo và bất bình đẳng xã hội, cũng như sự thất vọng ngày càng tăng đối với chế độ độc tài này.
TTK