"Báo Độc lập" (Nga) ngày 8/10 đặt câu hỏi liệu rằng một lần nữa chức Tổng thống Ai Cập có thuộc về tay một quân nhân, khi mà Bộ trưởng Quốc phòng nước này - Tướng Abdel Fatah al-Sissi - và lực lượng quân đội đang thẳng tay đàn áp, xua đuổi tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) ở Cairo.
Xung đột gay gắt
Trong bối cảnh phong trào biểu tình của MB ngày một gia tăng, thì tướng al-Sissi, người bị cho rằng có động cơ sâu xa là muốn tiếm quyền trong việc lật đổ Tổng thống Mohamed Morsi, cho rằng chính quyền lâm thời cần trấn áp người biểu tình mạnh tay hơn nữa. Một đại diện của MB trên thực tế sẽ là ứng cử viên nhiều triển vọng nếu được tham gia tranh cử một cách bình đẳng vào chức tổng thống của Ai Cập.
Quân đội Ai Cập gác trước viện bảo tàng trên quảng trường Tahrir ở Cairo ngày 6/10. Ảnh: AFP/TTXVN |
Cuộc phản kháng mới của những người ủng hộ ông Morsi lại tiếp diễn ngày 6/10, đúng kỷ niệm tròn 40 năm cuộc chiến tranh Ai Cập - Israel (6/10-1973-2013). Tuy nhiên, trà trộn trong đoàn người biểu tình hòa bình này vẫn có rất nhiều nhân vật cực đoan, và họ sẵn sàng xúi bẩy, khiến cho tình hình trở nên phức tạp hơn. Vì lẽ đó, Thủ tướng chính phủ lâm thời Hazem Beblawi phải cảnh báo rằng "chính phủ sẽ mạnh tay ngăn chặn mọi ý định phá vỡ các hoạt động kỷ niệm trong ngày 6/10. Và những kẻ chống đối quân đội trong dịp lễ trọng đại của xứ sở các Pharaon sẽ bị xem như các thế lực đen tối xâm nhập từ bên ngoài".
Đáp lại, MB tuyên bố "không ai có thể ngăn cản chúng tôi có mặt tại quảng trường Tahrir", và rằng "chúng tôi không sợ bất cứ điều gì, kể cả có phải chết". Dòng người biểu tình đổ về thủ đô Cairo đông như nước vỡ bờ. Cảnh sát một lần nữa phải dùng hơi cay để giải tán.
Tương lai đen tối
Điểm lại tình hình Ai Cập, có thể thấy rõ xung đột ngày càng gay gắt giữa lực lượng MB ủng hộ Tổng thống bị phế truất Morsi với chính quyền lâm thời mà nòng cốt là quân đội và cảnh sát, xảy ra từ 3 - 4/7 vừa qua. Điều này không chỉ nâng con số thương vong ở cả hai phía tăng cao, nó còn báo hiệu rằng con đường hòa giải tại xứ sở Kim tự tháp không chỉ không đem lại kết quả mong đợi, mà còn ngày càng tiệm cận một tương lai đen tối "nồi da nấu thịt", "huynh đệ tương tàn" của cuộc nội chiến.
Việc trấn áp mạnh tay các cuộc biểu tình chống chính quyền đang chia rẽ xã hội Ai Cập. Chính quyền, các nhà hoạt động xã hội tự do và thế tục, cùng dư luận đông đảo người dân nước này cho rằng phong trào chống lại ông Morsi và MB do chính quyền lâm thời thực thi là hoàn toàn chính đáng, vì họ đã lạm dụng quyền lực. Quốc gia Bắc Phi này cần tìm kiếm một "cơ hội thứ hai" để tiến tới một nền dân chủ thật sự. Chính quyền "buộc phải thực thi" những biện pháp cưỡng chế các thủ lĩnh MB, bắt giam, thậm chí tiêu diệt một số phần tử quá khích vì họ có những hành vi kích động bạo lực.
Phần lớn người Ai Cập theo đạo Hồi, song đại đa số ủng hộ chủ trương ôn hòa, tỏ ra ác cảm với tổ chức MB, vì họ lo ngại rằng ông Morsi và các đồng minh của ông ta có thể sẽ thúc đẩy mạnh mẽ một phiên bản luật Hồi giáo hà khắc hơn đối với đất nước. Thế nhưng, cũng không ít người dân nước này không đồng tình với cách "hành xử đẫm máu" của cảnh sát và quân đội.
Bất luận thế nào, thì tình hình Ai Cập lúc này đang hết sức căng thẳng với cảnh người Hồi giáo hàng tuần tấn công cảnh sát tại hàng loạt thành phố lớn. Dường như với quyết tâm bằng mọi giá đòi hỏi sự trở lại của ông Morsi, MB trở thành một lực lượng không dễ gì thương thuyết. Cho dù trong hàng ngũ hai phe (một bên là chính phủ lâm thời và một bên là một số nhân vật trẻ tuổi của MB) nhiều lúc muốn hạ gươm giáo, thương thuyết lẫn nhau, song với diễn biến căng thẳng hiện nay, thì ý muốn của những người muốn hòa bình này dường như đang bị bão táp cuốn đi. Và ngay cả những nhà quan sát lạc quan nhất cũng cho rằng tương lai một đất nước Ai Cập bình ổn, chú trọng khôi phục và phát triển kinh tế, trong đó đặc biệt là khôi phục ngành du lịch mũi nhọn đang thực sự xa vời.
Quế Anh