Thượng đỉnh 'Bộ tứ Normandy' nỗ lực chấm dứt cuộc chiến duy nhất tại châu Âu

Các nhà lãnh đạo Ukraine, Nga, Đức và Pháp sẽ gặp nhau trong ngày 9/12 để tìm kiếm những tiến bộ cần thiết hướng tới việc chấm dứt xung đột ở miền Đông Ukraine, cuộc chiến duy nhất hiện nay trên lục địa châu Âu.

Chú thích ảnh
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenski đến thăm khu vực Donetsk ngày 6/12. Anh: AFP

Ở một số khía cạnh, cuộc gặp tại Paris theo mô hình "Hội nghị Normandy" có thể được coi là một hội nghị thượng đỉnh vì hòa bình. Đây sẽ là lần đầu tiên các nhà lãnh đạo Ukraine, Nga, Đức và Pháp nhóm họp sau hơn 3 năm và lần đầu tiên Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ gặp trực tiếp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, người đắc cử hồi tháng 4 sau một chiến dịch đầy những lời hứa về hòa bình.

Điều đó có nghĩa đây cũng là cơ hội hiếm hoi để tiến tới giải quyết cuộc xung đột ở Donbass, nơi hơn 13.000 dân thường và binh sĩ đã thiệt mạng trong cuộc xung đột giữa quân Chính phủ Ukraine và lực lượng đòi độc lập ở miền Đông nước này kể từ tháng 4/2014.

Giới chức Ukraine cho biết tại cuộc họp ở Paris, bốn nhà lãnh đạo sẽ cố gắng thúc đẩy các điều khoản của Thỏa thuận Minsk vốn đặt ra lộ trình ngừng bắn hoàn toàn, khôi phục quyền kiểm soát của Kiev đối với các vùng thuộc Donbass và một nền hòa bình lâu dài.

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có thể trông đợi một bước đột phá - để tiến tới chấm dứt cuộc chiến duy nhất đang diễn ra ở châu Âu ngày nay, một cuộc xung đột có mối quan hệ phức tạp với cả Kiev và Moskva. Nhưng trên thực tế còn nhiều thách thức để tiến tới chấm dứt chiến tranh. Điện Kremlin muốn duy trì ảnh hưởng tới Kiev nhiều nhất có thể, với đòn bẩy là khu vực Donbass hiện do lực lượng đòi độc lập kiểm soát, trong khi Tổng thống Ukraine phải cân bằng lợi ích của tiến trình hòa bình với nguy cơ tiềm tàng trong trường hợp nhượng bộ quá nhiều.

Chú thích ảnh
Một người lính Ukraine tại Zolote, bên ngoài Luhansk ngày 2/12. Ảnh: AP

Vấn đề càng phức tạp hơn, khi các cuộc đàm phán ở Paris diễn ra trong bối cảnh cuộc điều tra luận tội chính trị Tổng thống Donald Trump ở Washington có liên quan đến vấn đề Ukraine và đặt ra câu hỏi về sự hỗ trợ lâu dài của Mỹ cho nước này, vào thời điểm mà các quan chức và giới phân tích cho rằng Kiev đang cần nhất.

Tất cả làm tăng thêm kỳ vọng cho một cuộc gặp đã được chuẩn bị trong nhiều tháng trước khi thời điểm được xác định, với một số bước đi đã được tiến hành bởi cả hai bên để giảm bớt căng thẳng, bao gồm một cuộc trao đổi tù binh lớn hồi tháng 9 cũng như cuộc rút quân khỏi ba địa điểm ở tiền tuyến trong tháng 10 và 11.

Xem video quân đội Ukraine rút khỏi ba địa điểm ở tiền tuyến trong một cử chỉ thiện chí với đàm phán hòa bình (Nguồn: AP)

Khó có đột phá

 “Tôi không mong đợi một sự đột phá từ hội nghị thượng đỉnh ở Paris. Tuy nhiên, rất có thể, hội nghị thượng đỉnh này sẽ không thất bại”, hãng tin AP dẫn lời Volodymyr Fesenko, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính trị Penta ở Kiev cho biết.

Đánh giá của ông Fesenko có thể cũng nhận được đồng tình bởi các quan chức cấp cao ở Moskva và Kiev. Đối với Tổng thống Ukraine Zelenskiy, bản thân hội nghị thượng đỉnh đã tự đánh dấu một thước đo thành công - theo bà Alyona Hetmanchuk, Giám đốc Trung tâm Châu Âu Mới ở Kiev. Việc Kiev và Moskva thậm chí còn có thể đồng ý về một cuộc họp mới sau nhiều năm bế tắc đã “là một tiến bộ đạt được của Ukraine”, bà Hetmanchuk nhận xét.

Chú thích ảnh
Xe tăng Ukraine trở lại căn cứ sau cuộc tập trận gần đây ở miền Đông. Ảnh: RFE

“Ukraine đã đáp ứng hai điều kiện của Nga để tổ chức hội nghị thượng đỉnh, mặc dù việc thực thi các điều kiện đó bị phản đối mạnh mẽ ở Ukraine”, bà Hetmanchuk ám chỉ đến sự chấp thuận bằng văn bản với cái được gọi là “công thức Steinmeier” - một sáng kiến ​​của Đức nhằm giúp khởi động lại các cuộc đàm phán hòa bình - và quyết định của Tổng thống Ukraine cho rút quân khỏi các thị trấn Zolote, Petrivske và Stanytsya Luhanska.

Chính Tổng thống Zelenskiy cũng bóng gió cho biết kỳ vọng của riêng ông về cuộc gặp Normandy là khiêm tốn. “Thường thì những cuộc họp như thế này diễn ra lặp đi lặp lại, người ta lặp lại những điều tương tự với nhau”, ông Zelenskiy phát biểu trước các phóng viên tờ Time, Le Monde, Der Spiegel và Gazeta Wyborcza trong một cuộc phỏng vấn hôm 30/11. “Đây là những gì tôi biết khi nghiên cứu về họ: Mọi người thường đến những cuộc họp như thế này với suy nghĩ sẽ không có gì xảy ra”.

Cuộc gặp Putin-Zelenskiy

Ngoài các cuộc đàm phán bốn bên, Tổng thống Putin và Zelenskiy có thể gặp gỡ trực tiếp, mặc dù quyết định chính thức chưa được đưa ra.

Hai nhà lãnh đạo có thể sử dụng các cuộc đàm phán ở Paris để giải quyết một loạt vấn đề, bao gồm một thỏa thuận tiềm tàng mới về vận chuyển và cung cấp khí đốt, tuy nhiên cuộc chiến ở Donbas và tương lai của các khu vực Donetsk, Luhansk vẫn sẽ là tâm điểm thảo luận.

Chú thích ảnh
Tổng thống Putin và người đồng cấp Zelenskiy được chờ đợi sẽ thảo luận vấn đề Donbass và thỏa thuận khí đốt tại Paris. 

Theo một cuộc thăm dò gần đây của Viện Xã hội học Quốc tế Kiev, trước thềm các cuộc đàm phán ở Paris, tỉ lệ ủng hộ Tổng thống Zelenskiy, từng đạt 73% trong tháng 9, đã giảm xuống còn 52% trong tháng 11.

Trong những tháng trước cuộc họp Normandy, ông Zelenskiy đã tạo một số động lực đàm phán, bao gồm phối hợp với phe ly khai để xây dựng lại một cây cầu nối hai phía đã bị phá hủy và đàm phán trao đổi tù nhân, cho phép 35 người Ukraine trở về nhà trong tháng 9.

Hãng tin TASS ngày 8/12 cho biết, Tổng thống Ukraine Zelenskiy đã lên kế hoạch cho bốn vấn đề chính về Donbass tại cuộc gặp thượng đỉnh Bộ Tứ Normandy ở Paris. TASS dẫn lời Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine Aleksei Danilov phát biểu trên truyền hình Ukraine: "Vấn đề đầu tiên là trao trả toàn bộ tù binh từ Nga và Donbass. Thứ hai là ngừng bắn để các loại vũ khí sẽ không giết hại binh sĩ của chúng ta. Thứ ba là giành lại quyền kiểm soát biên giới, và cuối cùng là các cuộc bầu cử".

Chú thích ảnh
Một vị trí tiền tuyến của quân đội Ukraine gần Donetsk ngày 5/12. Ảnh: AP

Về phần mình, Moskva cũng đã đưa ra lịch trình riêng. Theo TASS, Ngoại trưởng Sergei Lavrov cho biết Nga muốn Ukraine tiến hành "đàm phán trực tiếp" với các nước Cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk. 

Trong các vấn đề khác liên quan dến Donbass, Nga đã thúc đẩy một cuộc đàm phán song phương cấp tổng thống về hợp đồng trung chuyển khí đốt mới qua Ukraine để tới châu Âu. Hợp đồng hiện tại sẽ hết hạn vào ngày 31/12 tới. Nga cũng mong muốn Ukraine rút lại toàn bộ các khiếu nại về tài chính tại Tòa Trọng tài ở Stockholm, Thụy Điển. Ukraine đã giành được 3 tỉ USD bồi thường xung quanh các hợp đồng khí đốt trước đây, nhưng họ tiếp tục đệ đơn đòi tập đoàn Gazprom của Nga bồi thường 12,2 tỉ USD.

Cuộc chiến tại Donbass bắt đầu vào tháng 4/2014 sau khi bán đảo Crimea được sáp nhập vào Nga. Hai thỏa thuận hòa bình được gọi là Minsk I và Minsk II, đạt được sau nhiều giờ đàm phán mệt mỏi vào tháng 9/2014 và tháng 2/2015 do Đức và Pháp làm trung gian, đã giúp "đóng băng" chiến sự và giao tranh qui mô lớn, nhưng không đi đến được một lệnh ngừng bắn kéo dài. Giao tranh kể từ đó vẫn tiếp diễn, mỗi tuần khiến khoảng 2-3 binh lính Ukraine thiệt mạng, và chỉ rất ít bước đi quy định trong thỏa thuận Minsk được thực hiện.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Nga nêu điều kiện cung cấp khí đốt cho Ukraine
Nga nêu điều kiện cung cấp khí đốt cho Ukraine

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev tuyên bố nước này sẽ không nối lại hoạt động cung cấp khí đốt cho Ukraine cho tới khi hai bên nhất trí về tất cả những điểm mấu chốt trong một thỏa thuận.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN