Cuộc chiến chống dịch bệnh mới có thêm thông tin tốt lành, khi Merck hồi đầu tháng này công bố thông tin về kết quả thử nghiệm lâm sàng đối với thuốc kháng virus dạng viên Molnupiravir do hãng này phối hợp với đối tác Ridgeback Biotherapeutics nghiên cứu, phát triển. Kết quả thử nghiệm lâm sàng cho thấy thuốc có hiệu quả đối với mọi biến thể của virus SARS-CoV-2, kể cả biến thể Delta. Thuốc giảm 50% tỉ lệ số ca bệnh nặng phải nhập viện, hoặc số ca tử vong.
Thuốc mang lại tia hy vọng mới về một bước ngoặt trong đại dịch: Ở một tương lai không xa, một dạng thuốc viên đơn giản, dễ dùng có thể giúp người nhiễm virus tránh rủi ro tử vong hoặc chuyển bệnh nặng. Merck đã nộp đơn xin cấp phép sử dụng khẩn cấp với Molnupiravir lên Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) và quyết định cấp phép có thể sẽ được FDA đưa ra trong tháng 12 tới.
Khác với Pfizer and Moderna - hai công ty dược cho đến thời điểm này vẫn từ chối những lời đề nghị chuyển giao giấy phép sản xuất cho các công ty nước ngoài để tăng sản lượng vaccine toàn cầu, Merck chọn cách tiếp cận hài hòa hơn. Công ty dược có trụ sở tại bang New Jersey (Mỹ) sẽ cho phép các nhà sản xuất thuốc gốc ở Ấn Độ bán Molnupiravir ra thị trường với mức giá thấp hơn, áp dụng cho hơn 100 nước nghèo. Điều khoản này được thực hiện qua hợp đồng chuyển quyền sở hữu trí tuệ.
Những nhà hoạt động ủng hộ mở rộng tiếp cận dược phẩm cho rằng hợp đồng này là một khởi đầu đáng khích lệ, nhưng mới chỉ là một bước rất nhỏ trong nỗ lực hướng đến phân phối công bằng. Merck đã bắt tay sản xuất thuốc kháng virus, nhưng hiện chưa rõ con số về sản lượng thuốc gốc sẽ được đưa ra thị trường trong năm tới.
Hơn nữa, hợp đồng của Merck cũng bỏ qua nhiều nước có tỷ lệ tiêm vaccine thấp, ví như Ukraine. Ngoài ra, thuốc Molnupiravir cũng phải kết hợp với biện pháp xét nghiệm vừa túi tiền, đáng tin cậy – điều nhiều nước hiện vẫn còn gặp hạn chế.
Điều này có nghĩa là phương pháp điều trị mới này có thể sẽ chỉ đến được các nước có khả năng chi trả, đặt mua sớm – một thực tế đã từng xảy ra với vaccine. Theo John Amuasi, chuyên gia bệnh truyền nhiễm và sức khỏe toàn cầu tại Trung tâm Nghiên cứu Bệnh nhiệt đới Kumasi ở Ghana, Molnupiravir có thể cứu sống hàng trăm nghìn người, giúp nhiều người không phải nhập viện. “Nhưng rào cản sẽ đến từ yếu tố giá cả. Hãy xem phải mất bao lâu thời gian châu Phi mới tiếp cận được vaccine. Tôi lo ngại chúng ta lại đang đi vào vết xe đổ như từng xảy ra với vaccine”, chuyên gia này chia sẻ.
Hơn 18 tháng sau khi đại dịch xuất hiện, thế giới vẫn đang trong tình cảnh ứng phó cam chịu và chưa thể chuyển sang giai đoạn chủ động điều trị. Một số ít các loại thuốc có khả năng trị bệnh hiệu quả - như các loại thuốc kháng thể đơn dòng, có giá đắt, quy trình sử dụng phức tạp và gần như khan hiếm, vắng bóng tại những nước nghèo. Nếu không có bước tiến về tiêm chủng diện rộng, nhiều cộng đồng dân cư vẫn dễ bị tổn thương trước COVID-19 và họ cần các loại thuốc điều trị với mức giá chấp nhận được.
Chính phủ Mỹ đã đặt mua trước một lượng lớn thuốc Remdesivir vào năm ngoái sau khi nghiên cứu ban đầu cho thấy thuốc kháng này giúp đẩy nhanh tiến độ hồi phục sau khi nhiễm virus. Chính quyền Tổng thống Joe Biden giờ cũng áp dụng chiến lược tương tự với Molnupiravir. Mỹ đã ký thỏa thuận đặt mua 1,2 triệu liệu trình Molnupiravir một khi thuốc được FDA cấp phép sử dụng. Con số này đã chiếm 20% tổng sản lượng mà Merck tuyên bố có thể sản xuất trong năm nay. Một nhóm các nước giàu gồm Australia, Hàn Quốc, New Zealand… cũng đã ký hợp đồng đặt mua trước với Merck.
20 năm trước đây, Merck từng bị chỉ trích mạnh vì bán thuốc điều trị HIV với mức giá khiến châu Phi không với tới được. Lần này, hãng được Mỹ nhận thấy cần phải mở rộng khả năng tiếp cận đối với Molnupiravir. Thỏa thuận tự nguyện mà Merck đàm phán với các công ty dược ở Ấn Độ cho phép các nước nghèo nhất có thể mua được loại thuốc này với mức giá 20 USD cho liệu trình 5 ngày, rẻ hơn nhiều so với mức giá 712 USD tại Mỹ.
Sản xuất thuốc gốc theo hợp đồng không đồng nghĩa với bảo đảm tiếp cận toàn cầu. 50% số ca nhiễm COVID-19 trong 6 tháng đầu năm nay xảy ra ở 32 quốc gia không nằm trong diện cấp phép của Merck. Trong số này có Brazil, Malaysia, Mexico, Peru, Trung Quốc, Nga... Giấy phép sản xuất thuốc gốc chỉ hạn chế trong một số vùng lãnh thổ có thể đẩy các nước thu nhập trung bình có hệ thống y tế yếu kém phải chấp nhận mức giá thuốc cao như tại các nước giàu.
Việc Merck ký kết thỏa thuận tự nguyện chỉ riêng với các công ty dược của Ấn Độ cho thấy mức độ tập trung sản xuất lớn và điều này cũng tiềm ẩn nguy cơ. Covax – sáng kiến cung ứng vaccine cho các nước thu nhập trung bình, thấp do Liên hợp quốc bảo trợ, phụ thuộc rất nhiều vào Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) về nguồn cung vaccine. Nhưng khi dịch bệnh bùng phát tại Ấn Độ, chính phủ nước này đã cấm xuất khẩu vaccine, gây đứt đoạn nguồn cung cho Covax.
Theo Mariangela Simao, quan chức cấp cao của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thực tế gần đây về vaccine cho thấy nếu nguồn cung hạn chế, những nước có khả năng chi trả sẽ là người tiếp cận được nguồn thuốc trị bệnh sớm nhất. Nguy cơ chính là việc các nước giàu sẽ thống lĩnh thị trường và bao tiêu gần như toàn bộ số thuốc này. Bà cũng cho biết đàm phán giữa WHO và các công ty dược về tiếp cận thuốc điều trị COVID-19 cho đến nay hầu như không có tiến triển.