Có lẽ đây là lần đầu tiên, tại một diễn đàn mà Washington từ trước đến nay luôn đóng vai trò lãnh đạo và có tiếng nói lớn trong mọi vấn đề, Mỹ lâm vào tình thế bị cô lập và phải hứng chịu sự phẫn nộ, thất vọng từ 6 nước còn lại của G7, gồm Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Anh, những nước có tên trong danh sách chịu thuế của Washington. Điều này cũng dự báo trước những gì Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ phải đối mặt trong Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra từ ngày 8-9/6 tới.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, DC. Ảnh: AFP/TTXVN |
Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhóm G7 được coi là diễn đàn để lãnh đạo tài chính 7 nền kinh tế hàng đầu thế giới bàn thảo thành tựu của kinh tế toàn cầu và các chính sách thương mại. Tuy nhiên, sự kiện G7 năm nay được mô tả diễn ra theo kiểu "G6+1" với việc 6 nước còn lại thể hiện thái độ gay gắt và bày tỏ quan ngại trước quyết định áp thuế mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Kết quả của sự căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và các nước đồng minh đã khiến hội nghị không thể ra tuyên bố chung mà thay vào đó là tuyên bố chung của 6 nước còn lại, bày tỏ phản đối chính sách bảo hộ của Mỹ. Động thái này thể hiện rõ nét sự rạn nứt trong quan hệ đồng minh giữa các nước phương Tây và sự hoài nghi lẫn nhau sau quyết định đơn phương của Mỹ. Đây là điều dễ hiểu bởi viễn cảnh này đã được dự báo trước.
Theo một tuyên bố tóm tắt do Canada soạn thảo, các bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương 6 nước G7 cho rằng các hành động áp thuế của Mỹ có thể gây nguy hại cho lòng tin kinh tế toàn cầu và đe dọa mối quan hệ đồng minh phương Tây. Tuyên bố yêu cầu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin phải truyền đạt sự thất vọng và lo ngại của bộ trưởng Tài chính 6 nước thành viên G7 còn lại đến Tổng thống Mỹ Donald Trump, đồng thời kêu gọi giải quyết các bất đồng về chính sách thuế trong Hội nghị thượng đỉnh G7 sắp tới.
Bộ trưởng Tài chính Canada Bill Morneau nhấn mạnh cộng đồng quốc tế đang đối mặt với các vấn đề an ninh và kinh tế nghiêm trọng, chỉ có thể giải quyết tốt nhất thông qua một mặt trận thống nhất của các nước G7. Ông cảnh báo sự hợp tác của các nước thành viên đang bị đặt vào tình thế rủi ro do các hành động thương mại chống lại các thành viên khác.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho rằng việc Washington áp các mức thuế mới với nhôm và thép từ EU là "không chấp nhận được về mặt pháp lý, không công bằng về chính trị và nguy hiểm về mặt kinh tế. Ông còn “chua chát” gọi đây là một "G6 +1", khi nước Mỹ một mình chống lại tất cả và gây ra nguy cơ bất ổn kinh tế toàn cầu. Một vấn đề khác cần lưu tâm, theo ông Le Maire, đó là căng thẳng trong nội bộ G7 đang khiến nhóm này "sao nhãng" việc giải quyết những thách thức thương mại hiện hữu trên toàn cầu, như việc cần thiết gây sức ép với Trung Quốc trong vấn đề quyền sở hữu trí tuệ hay chính sách bảo hộ nhà nước.
Thậm chí, ông Le Maire, trong cuộc trao đổi với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin trước thềm hội nghị, còn thẳng thắn nói rằng làm thế nào nước Mỹ có thể buộc Trung Quốc hành xử theo các nguyên tắc thương mại trong khi chính Washington không tuân thủ điều này. Còn Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso nhấn mạnh việc G7 thống nhất lập trường chống chính sách của Mỹ là "chưa từng thấy".
Có thể thấy rõ sự bất lực của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin trong việc xoa dịu nỗi thất vọng của các thành viên G7 sau khi Mỹ áp đặt mức thuế 25% đối với thép và 10% lên mặt hàng nhôm nhập khẩu từ các đồng minh. Những lời giải thích "yếu ớt" của ông Mnuchin như việc Mỹ nỗ lực cải cách thuế sẽ gây tác động "không thể tin được" lên nền kinh tế lớn nhất thế giới này, hay Washington sẽ tiếp tục đàm phán với các đồng minh để miễn thuế thép và nhôm, hoặc mục tiêu của Mỹ là bảo đảm các nước có một hệ thống thương mại cân bằng và công bằng, dường như không thể gạt đi sự hoài nghi của 6 nước G7.
Giám đốc Viện Peterson về kinh tế thế giới Adam Posen nhấn mạnh sẽ có “một vết gặm” trong quan hệ kinh tế giữa Mỹ và các nước đồng minh và dấu vết này còn tồn tại trong thời gian dài. Ông Posen cảnh báo sẽ rất khó để các đồng minh khôi phục lòng tin ở đối tác Mỹ và mọi sự bất ổn sẽ chỉ khiến năng suất cũng như đầu tư đi xuống.
Một số chuyên gia kỳ cựu về chính sách đối ngoại cảnh báo sự căng thẳng giữa Mỹ và các nước khác sẽ tiếp tục leo thang, và với lập trường của Washington như hiện nay, các thỏa thuận thương mại sẽ đối mặt với nhiều nguy cơ, trong khi tương lai Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO) trở nên khó định đoạt. Bà Jennifer Hillman, cựu thành viên Ủy ban thương mại quốc tế Mỹ, nhấn mạnh những quyết sách của ông Trump đang tạo cảm giác hỗn loạn và không có trật tự, bởi nước Mỹ giờ đây không hành xử theo luật và không tuân thủ những cam kết hay tiến trình mà nước này cam kết với quốc gia khác. Giáo sư kinh tế Douglas Irwin thuộc trường Dartmouth cảnh báo cánh cửa hướng tới hệ thống thương mại tách rời đang mở rộng.
Nếu các quan chức Nhà Trắng lấy “an ninh quốc gia” là cơ sở cho việc thực thi biểu thuế nhập khẩu đối với thép và nhôm, thì có nhiều ý kiến cho rằng lý do này là vô căn cứ. Thủ tướng Canad Justin Trudeau đã không thể giữ sự điềm đạm vốn có khi cho rằng lý do mà Mỹ đưa ra là “không thể chấp nhận và là sự lăng mạ” bởi sẽ là vô nghĩa khi cho rằng thép của Canada, vốn được sử dụng trong ngành chế tạo quân sự Mỹ - bị coi là mối đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ trong khi hai nước từ lâu đã "kề vai sát cánh" trên nhiều mặt trận.
Các nước thành viên WTO từ trước tới nay luôn tránh viện dẫn nguy cơ “an ninh quốc gia” bởi lo ngại điều này sẽ kéo theo việc miễn áp dụng các quy định của WTO, vốn là công cụ giúp tổ chức này giám sát hoạt động thương mại thế giới suốt từ năm 1995 cho đến nay. Theo quy định của WTO, thuế “an ninh quốc gia” được cho là được thực thi chỉ trong thời gian chiến tranh hoặc có mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh của một nước. Một giáo sư thuộc trường Luật Georgetown khẳng định rõ ràng chính sách thuế của Tổng thống Trump vi phạm quy định của WTO, và nếu dựa vào cam kết trước đó của Washington về việc không phân biệt đối xử đối với các thành viên tổ chức này, chính quyền Tổng thống Trump không thể áp thuế 10% đối với Canada hay Argentina.
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng ông chủ Nhà Trắng có lý khi cho rằng thương mại Mỹ đang đi xuống với việc thâm hụt thương mại với nhiều nước tăng cao và các nhà lập pháp cần phải hành động, song cách tiếp cận ‘đột ngột” của ông Trump là sai lầm. Giám đốc trường Kinh tế London Minouche Shafik, đồng thời là Phó Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh, chỉ rõ hoàn toàn có thể giải quyết những hậu quả của việc tự do thương mại mà không hủy hoại hệ thống thương mại toàn cầu, vốn đang mang lại sự thịnh vượng cho thế giới. Nhìn nhận vấn đề dưới góc độ khác, Chuyên gia kinh tế Larry Summers, người từng là Cố vấn kinh tế hàng đầu của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, cho rằng với việc áp thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu thì “Chính chúng ta đang bắn vào chân chúng ta”.
Cả thế giới đều đổ dồn sự chú ý vào Hội nghị thượng đỉnh G7, dự kiến diễn ra vào cuối tuần này tại Quebec, Canada, nơi mà Tổng thống Donald Trump sẽ đối diện với lãnh đạo các nước đồng minh. Giới chuyên gia cho rằng tranh cãi gay gắt về thuế nhiều khả năng vẫn chi phối hội nghị lần này. Tuy nhiên, các nước vẫn hy vọng Mỹ có động thái tích cực hơn để hóa giải mâu thuẫn hiện nay.