Thuận lợi và thách thức về đối ngoại của Tổng thống Mỹ

Theo nhật báo "Boston Globe" ngày 6/11, không chỉ người dân Mỹ quan tâm đến cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ vừa qua ở nước này mà ngay cả các đồng minh và các đối thủ của Mỹ cũng theo dõi một cách sát sao, bởi kết quả của cuộc bầu cử có tác động quan trọng đến nhiều lĩnh vực trong chính sách đối ngoại của Mỹ.

Tổng thống Mỹ Barack Obama (ảnh) đối mặt với nhiều trở ngại sau kết quả của cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vừa qua. Ảnh: THX/TTXVN.


Đối với Tổng thống Iran Hassan Rowhani, người đang cố gắng đạt được một thỏa thuận với chính quyền Obama về chương trình hạt nhân của Iran vào ngày 24/11 tới, kết quả bầu cử lần này đặt ra các câu hỏi về khả năng Tổng thống Obama giữ vững cam kết của ông đối với thỏa thuận đó (nếu đạt được).

Ông Obama có thể giảm bớt các lệnh trừng phạt đối với Tehran để đổi lấy việc Iran hạn chế chương trình hạt nhân, song chỉ có Quốc hội Mỹ mới có thể xóa bỏ vĩnh viễn các biện pháp trừng phạt đó. Cho đến nay, Quốc hội Mỹ không hào hứng lắm đối với lựa chọn này.

Đối với những người theo đường lối cứng rắn ở Iran, kết quả cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ ở Mỹ là một lời nhắc nhở rằng Tổng thống Obama và đảng Dân chủ của ông sẽ bị suy giảm quyền lực trong vòng hai năm tới, khiến cho bất kỳ thỏa thuận nào đạt được cũng rất mong manh.

Trong bối cảnh này, Iran nhiều khả năng sẽ không nhượng bộ đối với một thỏa thuận có thể dễ dàng sụp đổ. Tuy nhiên, nếu các bên đạt được thỏa thuận và thỏa thuận đó được Quốc hội Mỹ ủng hộ, vậy nó sẽ trở nên hết sức bền vững.

Chiến thắng của đảng Cộng hòa tại Thượng viện cũng tác động lớn đến Syria và có thể dẫn đến sự can thiệp sâu hơn của quân đội Mỹ vào cuộc xung đột này. Ông John McCain - Thượng nghị sĩ bang Arizona của đảng Cộng hòa, người từng kêu gọi thiết lập một khu vực cấm bay ở Syria và tăng cường không kích - nay được dự kiến sẽ trở thành Chủ tịch Ủy ban Quân vụ. Còn ông Bob Corker - Thượng nghị sĩ bangTennessee của đảng Cộng hòa, người sẽ tiếp nhận nhận cương vị Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện - cũng đã lên tiếng ủng hộ các biện pháp tương tự.

Tại Israel, Thủ tướng Benjamin Netanyahu rõ ràng đã rất vui mừng trước chiến thắng của đảng Cộng hòa và sự suy yếu của ông Obama, người đã gây sức ép đối với Israel trong vấn đề xây dựng các khu định cư. Chiến thắng của đảng Cộng hòa có thể làm cho chính quyền Obama phải cân nhắc kỹ hơn việc gây sức ép với Israel một cách công khai.

Tuy nhiên, thực chất của mối quan hệ Mỹ-Israel vẫn không thay đổi. Việc hậu thuẫn cho Israel từ lâu đã là chính sách của cả hai đảng. Mặc dù quan hệ cá nhân giữa ông Netanyahu và ông Obama xấu đi, song quan hệ hợp tác quân sự Mỹ-Israel hiện mạnh hơn bao giờ hết. "Vòm sắt" - hệ thống phòng không có thể chặn tên lửa từ Dải Gaza - là một sự hợp tác quan trọng giữa hai nước. Gần đây, Israel đã ký với công ty Raytheon của Mỹ hợp đồng sản xuất các cấu phần quan trọng cho hệ thống này.

Chiến thắng của đảng Cộng hòa cũng có thể làm cho ông Obama "dễ thở" hơn trong một số lĩnh vực. Chẳng hạn, đảng Cộng hòa đang ủng hộ mạnh mẽ hơn đảng Dân chủ trong việc trao cho Tổng thống Obama "quyền xúc tiến thương mại" khẩn trương và trực tiếp nhất, giúp chính quyền Obama có thêm quyền lực trong quá trình đàm phán về hai thỏa thuận thương mại tự do quan trọng là Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP).

Cho đến nay, trở ngại lớn nhất mà ông Obama phải đối mặt đến từ phái tự do trong chính đảng Dân chủ của ông, đặc biệt là từ thủ lĩnh đa số tại Thượng viện Harry Reid. Rào cản này vừa mới biến mất nhờ thắng lợi của đảng Cộng hòa.


TTK

Bầu cử giữa nhiệm kỳ xẻ đôi  chính trường Mỹ
Bầu cử giữa nhiệm kỳ xẻ đôi chính trường Mỹ

Cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ đã diễn ra gay cấn đến phút chót với những màn rượt đuổi của ứng cử viên hai đảng Dân chủ và Cộng hòa tại các bang then chốt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN