Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ diễn ra ngày 4/11 đã cho kết quả sơ bộ theo đó Đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Thượng viện. Kết quả này được cho là một “điềm lành” trong đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đảng Cộng hòa đã giành nốt quyền kiểm soát Thượng viện, qua đó vấn đề thúc đẩy thương mại sẽ được đẩy sớm. Ảnh: Lê Dương - P/v TTXVN tại Mỹ. |
Thương mại tự do không thu hút được sự ủng hộ rộng rãi trong lưỡng đảng và vấn đề càng phức tạp khi các thỏa thuận thương mại đều cần Quốc hội thông qua. Trong khi đó, nghị sỹ Đảng Cộng hòa có truyền thống thích tự do thương mại, còn nghị sỹ Đảng Dân chủ thì không. Khi các cuộc đàm phán diễn ra, một loạt nhóm lợi ích mạnh và có tổ chức đã gây sức ép cho các nghị sỹ của cả hai đảng. Hậu quả là những tranh cãi chính sách thương mại tại Mỹ có xu hướng bị chia rẽ.
Một điểm nữa là với Mỹ, yếu tố kinh tế ở thỏa thuận TPP chỉ là một phần. Các cơ quan trong chính quyền Mỹ đều coi TPP là một động thái địa chính trị cốt yếu sẽ gắn chặt quyền lực kinh tế Mỹ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Điệp khúc chung trong vòng xoay chính sách đối ngoại của Washington là “'tái cân bằng' sẽ có vấn đề nghiêm trọng nếu không có TPP”.
Một mớ bùng nhùng nhiều mục đích này khiến TPP rơi vào mối quan hệ căng thẳng giữa chính sách đối ngoại và các chính sách bầu cử trong nước của Mỹ. Tổng thống Obama đã không có được mối quan hệ đặc biệt tốt với Quốc hội và ông đã bị chỉ trích vì có cách tiếp cận mờ nhạt trong vấn đề TPP.
Có ý kiến cho rằng ông Obama đã đặt chính sách "tái cân bằng tại châu Á" vào trọng tâm chính sách đối ngoại, nhưng lại kiên quyết không muốn bỏ vốn chính trị để biến nó thành hiện thực.
Chính bởi tiến trình lập pháp tại Mỹ, các tổng thống nhìn chung đều cần Quốc hội trao cho họ Quyền xúc tiến thương mại (TPA) trước khi họ có thể hoàn tất một thỏa thuận, nếu không, thỏa thuận đó có nguy cơ bị Quốc hội gạt ra và để ngỏ vô thời hạn. TPA cung cấp cho tổng thống một loạt thông số để làm cơ sở cho các cuộc thương lượng hay đảm bảo đạt được hoặc phủ quyết dự luật cuối cùng.
Chính vì vậy, việc ông Obama có được TPA sẽ tăng cường niềm tin cho các nước thành viên TPP khác, trấn an họ rằng bất kỳ thỏa thuận nào cũng có khả năng được thông qua tại Quốc hội Mỹ và do đó, giải quyết được vấn đề chính trị trong nước.
Một thông tin tốt đối với tiến trình đàm phán TPP là các ứng viên tổng thống tiềm năng của cả hai cánh ôn hòa và bảo thủ của Đảng Cộng hòa đã nhấn mạnh thương mại tự do là một trong số ít các vấn đề mà họ sẵn sàng làm việc với ông Obama sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.
Điều này cũng sẽ giúp các nghị sỹ Đảng Cộng hòa có cơ hội chứng minh rằng họ có một chương trình nghị sự tích cực và đã sẵn sàng để điều hành đất nước. Trong khi đó, các nhà ngoại giao thương mại thuộc Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đang nỗ lực xúc tiến TPP. Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman đã viết các bài báo ủng hộ TPP đăng trên hai tạp chí "Financial Times" và "Foreign Affairs" trong những tuần gần đây. Các nhà đàm phán USTR đã phối hợp chặt chẽ với các đối tác Nhật Bản ở Washington vào tháng trước, và làm việc tại Sydney trong tháng này, xung quanh một số vấn đề nhạy cảm nhất của thỏa thuận.
Những người lạc quan đang tìm kiếm một dấu hiệu sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, khi người ta biết được ai sẽ kiểm soát Thượng viện, liệu ông Obama có làm tất cả để theo đuổi chính sách "tái cân bằng ở châu Á", trong đó có TPP hay không. Họ hy vọng rằng ông sẽ nhanh chóng đề nghị Quốc hội trao cho mình TPA trước khi ông trao quyền cho các nhà đàm phán để hoàn thành TPP.
Trong khi đó, những người bi quan không nghĩ rằng ông Obama có ý đạt được thỏa hiệp, và sẽ khiến các đối tác TPP của Mỹ, trong đó có Australia, thất vọng. Vì vậy, cần theo dõi chặt chẽ để xem Tổng thống Obama có sẵn sàng bỏ vốn chính trị để củng cố di sản chính sách đối ngoại của mình hay không.
Đỗ Vân (
Theo Interpreter)