Thử thách lòng tin

Trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang kỳ vọng vào những chuyển động tích cực mới sau những kết quả tốt đẹp từ cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều cuối tháng trước, đồng thời hướng tới hội nghị thượng đỉnh lịch sử Mỹ - Triều, dự kiến diễn ra vào ngày 12/6 tới tại Singapore, ngày 16/5, Bình Nhưỡng đã bất ngờ thông báo quyết định hủy cuộc hội đàm cấp cao cùng ngày với Hàn Quốc, đồng thời cảnh báo sẽ hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh với Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: AFP/TTXVN

Động thái này được cho là đã "dội gáo nước lạnh" lên những nỗ lực và thiện chí mà các nước liên quan, đặc biệt là Hàn Quốc, Mỹ và Triều Tiên, rất tích cực xây dựng gần đây, đồng thời đe dọa triển vọng tạo bước ngoặt cho tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.

Lý do được Bình Nhưỡng đưa ra đó là việc Washington và Seoul tiếp tục tiến hành cuộc tập trận thường niên Thần Sấm (Max Thunder) kéo dài 2 tuần, trong đó huy động sự tham gia của nhiều khí tài hiện đại như là các loại máy bay chiến đấu đời mới và máy bay ném bom hạng nặng.

Lâu nay, các cuộc tập trận thường niên Mỹ - Hàn vẫn là hoạt động bị Triều Tiên phản ứng gay gắt, cũng là nguồn cơn gây mâu thuẫn giữa hai miền Triều Tiên. Do đó, dù Bộ Quốc phòng Hàn Quốc có trấn an cuộc tập trận Thần Sấm được thiết kế nhằm tăng cường năng lực của các phi công, chứ không phải là một sự thực thi kế hoạch tác chiến hay tập dượt tấn công, thì với Bình Nhưỡng, đây vẫn là "một cuộc tập dượt cho cuộc xâm lược và là hành động gây hấn giữa lúc quan hệ liên Triều đang ấm lên".

Bên cạnh đó, phát ngôn mới nhất của Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton về việc muốn áp dụng "mô hình Libya" cho Triều Tiên, cũng gây phản ứng tức giận từ phía Bình Nhưỡng. Triều Tiên chỉ trích quan điểm như vậy là một nỗ lực "đầy điềm gở". Với những gì đã xảy ra đối với đất nước Libya và cố lãnh đạo Moammar Gadhafi hay đất nước Iraq cùng cố Tổng thống Saddam Hussein, như thế giới từng được chứng kiến ở thời kỳ đầu của cái gọi là “Mùa Xuân Arab”, Triều Tiên hoàn toàn có lý do để không dễ tin tưởng những lời hứa của Mỹ.

Có thể thấy, những lập luận nói trên của Triều Tiên không phải là không có căn cứ, và nó cũng phản ánh việc các bên vốn duy trì mối quan hệ đối địch kéo dài rất khó có thể nhanh chóng xây dựng lòng tin chỉ thông qua lời nói.

Còn nhớ, thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hồi đầu năm nay chính thức thông báo kế hoạch tiến hành cuộc gặp đầu tiên trong lịch sử, dư luận thế giới đã không khỏi bất ngờ bởi hai nước vừa trải qua năm 2017 căng thẳng đỉnh điểm, nhiều lúc cận kề “miệng hố” chiến tranh do những tuyên bố và hành động cứng rắn của cả hai bên. Dù thận trọng, nhưng cộng đồng quốc tế vẫn hết sức kỳ vọng và vun vén cho cuộc gặp này, bởi rõ ràng, việc Triều Tiên "chìa cành ôliu" với Mỹ và Tổng thống Trump không ngần ngại nắm lấy cơ hội đồng ý đối thoại trực tiếp là quyết định vì chính những mục tiêu lâu dài và lợi ích  của mỗi nước, khi Triều Tiên có thể tìm kiếm cơ hội phát triển kinh tế, chấm dứt tình trạng bị “cô lập” kéo dài, còn Mỹ giải quyết được mối lo an ninh khi thuyết phục được  Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa hoàn toàn.

Một bầu không khí thiện chí cùng những nỗ lực rõ rệt của các bên đã được thể hiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho kế hoạch lịch sử nói trên. Từ phía Triều Tiên là hàng loạt động thái hết sức cụ thể được cả Mỹ và cộng đồng quốc tế đánh giá cao, như việc trả tự do cho 3 công dân Mỹ, phá dỡ bãi thử hạt nhân Punggye-ri – là địa điểm Triều Tiên đã tiến hành 6 vụ thử hạt nhân làm Washington “sôi sục” trong những năm qua. Ở chiều ngược lại, giới chức Mỹ cũng tích cực có các chuyến đi, các cuộc gặp gỡ ngoại giao để tạo động lực thúc đẩy cuộc gặp. Mới đây nhất là chuyến công cán của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đến Bình Nhưỡng. Tại đây, ông Pompeo đã tuyên bố “Mỹ sẵn sàng hợp tác và hỗ trợ để Triều Tiên đạt được sự thịnh vượng ngang với Hàn Quốc nếu Bình Nhưỡng có hành động táo bạo nhanh chóng phi hạt nhân hóa”.

Tuy nhiên, dường như những viên gạch thiện chí hai bên cùng xây trong thời gian qua vẫn chưa đủ để tạo dựng lòng tin. Điều này xuất phát từ những “kinh nghiệm lịch sử” cũng như việc các bước đi thực tế của hai bên chưa đủ mạnh.

Biện pháp kêu gọi từ bỏ vũ khí hủy diệt hàng loạt để đổi lấy hòa bình đã từng được Mỹ áp dụng với một số nước trước đây. Như trường hợp với Libya, quốc gia Bắc Phi đã phát triển vũ khí hạt nhân và vũ khí hóa học vào thập kỷ 70-80 của thế kỷ trước. Đến năm 2003, lãnh đạo Libya Muammar el-Qaddafi đã tình nguyện đồng ý tiêu hủy kho vũ khí hủy diệt hàng loạt của mình và được cộng đồng quốc tế ca ngợi. Tuy nhiên, chế độ của ông đã bị chính lực lượng nổi dậy được Mỹ hậu thuẫn lật đổ năm 2011, còn ông cũng bị truy lung và sát hại cuối năm đó. Hay một cường quốc hạt nhân khác là Iran cũng đang phải chịu sức ép của Mỹ khi Tổng thống Trump thẳng thừng rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mà người tiền nhiệm của ông đã ký gần 3 năm trước. Nhìn vào những cách hành xử thiếu nhất quán này của các đời chính quyền Washington, Triều Tiên có lý do để hoài nghi. Chính vì vậy, Thứ trưởng Triều Tiên Kim Kye Gwan tuyên bố Bình Nhưỡng sẽ không quan tâm tới bất kỳ cuộc đối thoại hạt nhân nào nếu bị “dồn vào chân tường” và bị ép buộc phải từ bỏ kho vũ khí hạt nhân.

Ngược lại, Washington cũng luôn hoài nghi và cho rằng Triều Tiên không dễ dàng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân mà nước này coi là "thành gươm công lý". Phát triển hạt nhân từng được ông Kim Jong-un tuyên bố là con đường sống còn đối với đất nước, những chính sách cùng những hành động thực tế của ông kể từ khi lên nắm quyền đã cho thấy rõ điều này. Hồi năm 2012, Triều Tiên đã tiến hành vụ phóng thử tên lửa tầm xa chỉ vài tuần trước khi đồng ý ngừng thử vũ khí để đổi lấy viện trợ lương thực. Trước đó, Bình Nhưỡng cũng từng bị Washington cáo buộc phá vỡ thỏa thuận đạt được năm 1994, theo đó chính quyền của Tổng thống Mỹ khi đó là Bill Clinton cam kết xây 2 lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ cho Triều Triên để đối lấy việc nước này đóng cửa các cơ sở hạt nhân và chấm dứt chương trình phát triển vũ khí. Với những “dấu ấn” trong lịch sử như vậy, việc Triều Tiên tuyên bố san phẳng bãi thử Punggye-ri cũng không được Mỹ coi là một nhượng bộ thực sự. Washington cho rằng thực chất, Bình Nhưỡng đã tự tin vào khả năng hạt nhân của mình, không cần tới các thử nghiệm ngầm dưới lòng đất nữa. Hơn nữa, sau 6 vụ thử liên tiếp, kết cấu địa chất của Punggye-ri đã trở nên mất ổn định không thể sử dụng được nữa. Ngay như Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence vừa phát biểu công khai rằng bất kỳ cuộc đàm phán hay cam kết nào của Triều Tiên cũng đều bị hoài nghi. Chính vì vậy, song song với việc chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều, Washington vẫn chủ trương duy trì chính sách gây sức ép với Bình Nhưỡng.

Cùng với những phân tích logic nêu trên, có thể thấy rằng việc Triều Tiên cảnh báo hủy bỏ kế hoạch gặp gỡ thượng đỉnh với Mỹ là một động thái hoàn toàn dễ hiểu. Đây có thể là động thái nhằm thử phản ứng từ phía Washington, thậm chí là cả với Hàn Quốc, vừa là cách gia tăng áp lực để có những lợi thế hơn trong thương lượng. Nhất là trong bối cảnh lập trường quan điểm giữa Triều Tiên và Mỹ còn đang hết sức khác biệt liên quan tới cách thức phi hạt nhân hóa. Bình Nhưỡng đề xuất tiến trình phi hạt nhân hóa phải diễn ra tuần tự theo từng bước, có đi có lại, mỗi một nhượng bộ đưa ra phải có sự bồi hoàn tương xứng. Quan điểm này được Trung Quốc và Hàn Quốc ủng hộ. Trong khi đó, Mỹ có chủ trương hoàn toàn trái ngược, đó là tiến trình phi hạt nhân hóa phải được tiến hành toàn diện, nhanh chóng, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược. Lập trường này đã được Ngoại trưởng Pompeo nhắc lại khi đến Bình Nhưỡng tuần trước, trong khi phía Triều Tiên chưa có bình luận mới nào.

Rõ ràng, phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên là một tiến trình hết sức phức tạp, đòi hỏi có thiện chí thực sự của tất cả các bên liên quan, kèm theo các bước đi nhượng bộ cụ thể và tương xứng, chứ không thể dựa vào những tuyên bố đơn thuần hay những lời hứa suông. Để làm được như vậy, việc tạo dựng niềm tin là yếu tố quyết định. Chừng nào chưa có được điều đó, việc hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều có được nhóm họp đúng kế hoạch và có đem lại kết quả như mong muốn hay không vẫn hoàn toàn là một ẩn số.

Ngọc Hà (TTXVN)
Thực hư khả năng Chủ tịch Trung Quốc tới Singapore đúng dịp Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều
Thực hư khả năng Chủ tịch Trung Quốc tới Singapore đúng dịp Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều

Báo chí Nhật Bản tuần qua đưa tin rằng có khả năng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đặt chân tới Singapore vào ngày 12/6 – thời điểm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN