Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: PAP/TTXVN
Theo bình luận của kênh thông tin ABC News ngày 15/2, cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tạo ra cú sốc đối với Ukraine và châu Âu, mặc dù điều này đã được dự báo trước một phần. Cuộc thảo luận đó đã thay đổi cục diện chính trị, đặt Ukraine vào một vị thế bấp bênh và làm dấy lên những lo ngại sâu sắc về tương lai của quốc gia Đông Âu này.
Sự thay đổi vị thế của Nga
Trong gần 3 năm qua, Nga đã bị Mỹ và phương Tây cô lập. Tuy nhiên, cuộc điện đàm này đã đánh dấu một bước ngoặt. Tổng thống Trump đã gửi thông điệp rõ ràng rằng ông sẵn sàng chào đón Tổng thống Putin trở lại ngoại giao quốc tế, thậm chí hy vọng thiết lập mối quan hệ hữu nghị. Điều này được đón nhận với sự hân hoan ở Moskva, nơi mà mục tiêu chính của Điện Kremlin dường như là "đàm phán trực tiếp với Mỹ, bỏ qua Ukraine".
Tatiana Stanovaya, nhà sáng lập R.Politik và thành viên cấp cao tại Trung tâm Carnegie Nga và Á-Âu nêu quan điểm: "Tổng thống Putin đã chuẩn bị cho việc các cuộc đàm phán có thể thất bại. Tuy nhiên, Moskva có thể đưa ra ra những nhượng bộ nhỏ mà Tổng thống Trump sẽ mô tả là một "thành công lớn và một thoả thuận tuyệt vời". Nhưng những nhượng bộ này- chẳng hạn như lệnh ngừng bắn - sẽ không ngăn cản Nga thực hiện mục tiêu cuối cùng của mình".
Nỗi lo của Ukraine và châu Âu
Đối với Ukraine, cuộc điện đàm này là một cú sốc. Một cựu quan chức cấp cao của Ukraine, người yêu cầu giấu tên vì tính nhạy cảm của vấn đề, chia sẻ với ABC News rằng họ không hiểu tại sao Tổng thống Trump lại từ bỏ hai điểm quan trọng trước khi các cuộc đàm phán bắt đầu: tư cách thành viên NATO và vấn đề lãnh thổ của Ukraine. "Đó chỉ là hai món quà được đưa thẳng lên bàn mà không cần đàm phán. Nếu bạn là một nhà đàm phán giàu kinh nghiệm, như (Tổng thống) Trump, bạn có lẽ sẽ không làm như vậy" vị quan chức trên nhận định.
Nỗi lo lớn nhất của Ukraine là Tổng thống Trump dường như quan tâm nhiều hơn đến mối quan hệ với Nga hơn là số phận của Ukraine. Điều này khiến phía Ukraine cảm thấy bị bỏ rơi và lo lắng về một tương lai bất định. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã lên tiếng cảnh báo rằng Ukraine, với tư cách là một quốc gia có chủ quyền, sẽ không thể chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào nếu không có sự tham gia của họ. Ông nhấn mạnh rằng châu Âu cũng phải tham gia vào quá trình đàm phán để đảm bảo sự công bằng.
Các nhà lãnh đạo châu Âu cũng không giấu giếm sự lo ngại của họ. Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho rằng việc chính quyền Trump công khai nhượng bộ Nga trước khi các cuộc đàm phán bắt đầu là "đáng tiếc". Tương tự, Bộ trưởng Quốc phòng Estonia Hanno Pevkur nhấn mạnh rằng không nên trao cho Nga bất kỳ lợi thế nào trước khi đàm phán.
Tuy nhiên, đây chưa phải là thảm họa đối với Ukraine. Vấn đề lớn hơn với Kiev là: quan điểm của Tổng thống Trump về Ukraine đã được biết đến từ lâu, và thông báo của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth rằng việc Ukraine trở lại biên giới trước xung đột là "mục tiêu không thực tế", lưu ý thêm rằng việc theo đuổi các mục tiêu "ảo tưởng" chỉ kéo dài giao tranh và gây thêm đau khổ.
Nhiều người Ukraine đã nhận ra rằng việc gia nhập NATO và giành lại toàn bộ lãnh thổ bằng vũ lực là không thể. Thay vào đó, điều quan trọng là các đảm bảo an ninh để ngăn chặn các cuộc tấn công từ Nga trong tương lai. Nếu Ukraine tiếp tục nhận được đủ vũ khí và hỗ trợ từ Mỹ và châu Âu sau lệnh ngừng bắn, điều đó có thể đảm bảo an toàn. Theo Kiev, sự đảm bảo tốt nhất của Ukraine sẽ là có một quân đội hùng mạnh, được trang bị vũ khí phương Tây và được hỗ trợ bởi lực lượng gìn giữ hòa bình châu Âu.
Trên cơ sở đó, Tổng thống Zelensky đã đề cập đến "Kế hoạch B" nếu Ukraine bị từ chối gia nhập NATO. Trong bối cảnh này, Ukraine sẽ phải xây dựng một quân đội mạnh được hỗ trợ bởi các lực lượng gìn giữ hòa bình châu Âu. Tuy nhiên, ý tưởng này đòi hỏi một lực lượng lớn, với ông Zelensky ước tính cần khoảng 100.000 quân, một con số mà châu Âu khó có thể đáp ứng.